Tăng liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở nghề nghiệp

GD&TĐ - Xét ở nhiều góc độ, liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có ý nghĩa không chỉ với người học mà còn với nhà trường và toàn xã hội.

Nguồn lực trong đào tạo nghề cần sự phối hợp từ doanh nghiệp. Ảnh IT
Nguồn lực trong đào tạo nghề cần sự phối hợp từ doanh nghiệp. Ảnh IT

Mối liên kết mang lại lợi ích toàn xã hội

Trong nhiều năm qua, lĩnh vực GDNN đã được quan tâm hơn. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến mối quan hệ giữa nhà trường với doanh nghiệp.

NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho biết, mối quan hệ giữa doanh nghiệp với nhà trường đã được nêu rõ trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa VII (tháng 7/1994): “Xây dựng quan hệ chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục, đào tạo với các cơ quan quản lý nhân lực và việc làm, giữa cơ sở đào tạo với cơ sở sử dụng nhân lực”.

Đối với nhà trường, đây là cơ hội để doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ thông tin về nhu cầu việc làm, các chế độ cho người lao động. Đồng thời, cung cấp thông tin phản hồi cho cơ sở dạy nghề mức độ hài lòng về năng lực của sinh viên đang làm việc tại doanh nghiệp. Từ đó, nhà trường có điều chỉnh kịp thời chương trình đào tạo cho các khóa tiếp theo.

Doanh nghiệp tham gia với cơ sở GDNN từ hướng nghiệp, tư vấn nghề, xây dựng chương trình đào tạo, tham gia giảng dạy, đánh giá chất lượng sinh viên đến giải quyết việc làm. Nhờ vậy, các chương trình đào tạo thường xuyên cập nhật được các tiến bộ khoa học và công nghệ mà sản xuất đang áp dụng. Đồng thời, tạo điều kiện cho sinh viên tốt nghiệp có cơ hội tìm được việc làm.

Doanh nghiệp cho phép giáo viên, sinh viên học tập, rèn luyện tay nghề trên các thiết bị hiện đại trong sản xuất, những thiết bị mà nhà trường không có được để học sinh thực hành. Việc này giúp giáo viên, sinh viên hiểu được quy trình công nghệ sản xuất công nghiệp và trực tiếp làm ra sản phẩm. Điều đó giúp sinh viên tự tin sau khi ra trường. Không chỉ học tập, rèn luyện các kỹ năng mà cả thái độ, đạo đức với nghề nghiệp, năng lực làm việc nhóm, các tiêu chí, tiêu chuẩn trong công nghiệp, tính sáng tạo…

Hiện, doanh nghiệp hỗ trợ nhà trường về cơ sở vật chất, kinh phí đào tạo, học bổng cho sinh viên... Cơ sở đào tạo tiết kiệm được chi phí đầu tư cho việc mua sắm trang thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu dạy thực hành.

Đối với doanh nghiệp, việc liên kết với cơ sở đào tạo là cơ hội để theo dõi và tuyển chọn được những học sinh, sinh viên giỏi, có năng lực thực tế phù hợp với yêu cầu của mình. Từ đó, doanh nghiệp đặt hàng cho nhà trường, cùng với nhà trường nghiên cứu, sản xuất, phát triển các sản phẩm mới phục vụ nhu cầu thị trường.

Ngoài ra, nhà trường cũng có thể trực tiếp đào tạo về năng lực sư phạm cho các kỹ sư của doanh nghiệp – những người trực tiếp hướng dẫn cho sinh viên thực tập của nhà trường. Giúp đào tạo lại, đào tạo nâng cao, đào tạo theo nhu cầu, theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Với các khóa đào tạo này, hầu hết sinh viên khi ra trường đều có việc làm ngay.

Đối với người học là cơ hội được học với những thợ kỹ thuật, kỹ sư, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong sản xuất. Những phương tiện, thiết bị hiện đại giúp người học nhanh chóng hình thành kỹ năng cần thiết phù hợp với yêu cầu của sản xuất. Từ đó rèn luyện tác phong công nghiệp và đạo đức nghề nghiệp.

Quan trọng, người học có nhiều cơ hội tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp, sớm thích ứng với công việc không cần phải bồi dưỡng hoặc đào tạo lại. Đây là vấn đề mà nhiều đơn vị sử dụng lao động thường xuyên phàn nàn.

Việc học và thực tập tại môi trường thực tế giúp sinh viên có thêm động lực học tập, nghiên cứu, rèn luyện. Từ đó kích thích sinh viên sự say mê, tính sáng tạo, lòng yêu nghề.

Ngoài ra, việc liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp và cơ sở GDNN còn giúp chất lượng và hiệu quả của hệ thống đào tạo được nâng cao. Đội ngũ nhân lực đáp ứng được nhu cầu của sản xuất để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Giảm thiểu đội ngũ nhân lực đã qua đào tạo bị thất nghiệp và giảm được lãng phí đầu tư cho đào tạo.

NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: NVCC
 NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: NVCC 

Thu hút các doanh nghiệp đến với cơ sở GDNN

Mô hình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là một trong những giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Tuy nhiên, để thu hút các doanh nghiệp tìm đến tuyển dụng và hợp tác lâu dài với nhà trường thì hai bên đều phải thỏa mãn điều kiện trên cơ sở cùng có lợi.

Hơn 10 năm quản lý đào tạo nghề chất lượng cao, NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh đã xây dựng mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp. Nhờ đó, sinh viên được học tập cùng với trang thiết bị hiện đại, được đầu tư cơ sở vật chất, có cơ hội việc làm với mức lương cao cũng như chính sách học bổng…

Điều này đã nâng cao chất lượng đào tạo, giúp nhà trường thực hiện chủ trương “tuyển sinh là tuyển dụng”, “ký hợp đồng đào tạo với sinh viên và phụ huynh”. Nhà trường đảm bảo “100% sinh viên đạt chuẩn đầu ra có việc làm và có thể tự tạo việc làm” với thu nhập từ 5 - 15 triệu đồng/tháng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã đến tuyển dụng trước 6 tháng với nhiều sự lựa chọn công việc và mức lương hấp dẫn, điều kiện làm việc và cơ hội thăng tiến cao.

NGƯT Phạm Xuân Khánh cho rằng, lý do chính doanh nghiệp tìm đến cơ sở GDNN là chất lượng đào tạo. Có những doanh nghiệp hợp tác với cơ sở đào tạo có uy tín để nâng cao thương hiệu của mình.

Vì vậy, để thu hút doanh nghiệp tìm đến với mình, nhà trường phải chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, tập trung đào tạo chất lượng cao, đào tạo theo hướng mở, linh hoạt. Đồng thời, chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu”, đào tạo gắn kết với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đòi hỏi lao động trực tiếp tay nghề cao ở các lĩnh vực khoa học công nghệ tiên tiến

Nêu ra các giải pháp, NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh đề xuất: Hiện, các chính sách để khuyến khích phát triển mối quan hệ hợp tác này chưa được phù hợp. Do đó, Nhà nước cần ban hành những chính sách cụ thể và đồng bộ để khuyến khích nhà trường, người dạy, người học… trong việc thực hiện mối quan hệ hợp tác này. Từ đó, doanh nghiệp sẵn sàng tham gia tất cả các công đoạn trong quá trình đào tạo; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dễ dàng tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ, hợp tác nghiên cứu khoa học, sản xuất…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.