Những thầy cô chưa bao giờ được nhận hoa

GD&TĐ - Ngày 20/11 là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn với thầy, cô giáo. Thế nhưng, ở đâu đó vẫn còn hàng trăm, hàng nghìn thầy, cô giáo luôn lặng thầm ao ước nhận được một bó hoa tươi thắm của học trò.

Giờ tan trường của học sinh Trường THCS Mường Chanh (Mường Lát, Thanh Hóa).
Giờ tan trường của học sinh Trường THCS Mường Chanh (Mường Lát, Thanh Hóa).

Tặng thầy cô củ đậu

Chuyến công tác ở vùng biên giới Việt - Lào, tôi có dịp ghé thăm các thầy, cô giáo ở xã Mường Chanh, huyện Mường Lát - địa danh xa nhất của xứ Thanh. Tình cờ, tôi gặp vợ chồng cô giáo Bùi Thị Giang Châu và Lê Văn Thành, giáo viên Trường THCS Mường Chanh.

Trong lúc trò chuyện, nghe tôi nhắc đến Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), bất chợt, cô giáo Châu ngước về phía đỉnh núi cao vòi vọi, với ánh mắt xa xăm, giọng đượm buồn. Cô tâm sự: “Anh nhắc đến ngày Nhà giáo Việt Nam, khiến chúng em thấy tủi thân. Bởi, ngày ấy nếu là ở miền xuôi, nơi thị thành thì ai ai cũng phấn chấn, hân hoan khi được học trò của mình rồng rắn kéo đến thăm, chúc mừng thầy, cô giáo và kèm theo những bó hoa tươi thắm. Thế nhưng, đối với những giáo viên cắm bản, thực tình chưa bao giờ có được niềm vui trọn vẹn như vậy cả”.

Theo lời cô giáo Châu, mười năm về trước, cô Châu, thầy Thành lên nhận công tác ở huyện Mường Lát. Quê thầy Thành ở xã Yên Thọ, huyện Yên Định, còn cô Châu ở xã Nông Trường, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa). Thời điểm hai vợ chồng lên nhận công tác tại Trường THCS Mường Chanh, đường đi lối lại cách trở, điều kiện kinh tế - xã hội nơi này đang vô cùng khó khăn.

Xác định phải ở lại lâu dài để cống hiến sức lực và trí tuệ của mình cho ngành, hai vợ chồng thầy Thành, cô Châu tích cóp đồng lương ít ỏi của mình để dựng một ngôi nhà nhỏ gần trường học. Giờ đây, vợ chồng thầy Thành, cô Châu và hai đứa con của mình đã coi Mường Chanh như quê hương thứ hai của mình.

Ngày 20/11 hàng năm, vợ chồng em thường mời học trò của mình đến nhà chơi cho vui, rồi mua bánh, kẹo cho các em ăn. Có năm, nhìn thấy học sinh có vẻ đói bụng, em lại nấu cơm cho tất cả ăn cùng với gia đình. Thú thật với anh, không chỉ vợ chồng em, mà ở đây nếu học sinh đến chúc mừng thầy, cô giáo nhân dịp 20/11, thì gia đình nào cũng lo cho các em như vậy và cũng chưa ai được nhận một bó hoa tươi nào từ học trò của mình như ở dưới miền xuôi đâu.

Cứ vào mùa này, học sinh ở đây thường mang củ đậu đến nhà thầy, cô giáo để cùng bổ ra ăn cho vui. Các em đến với thầy, cô là vui, hạnh phúc rồi. Bởi thực tế, cuộc sống của bà con đang khó khăn vô cùng, vì thế giáo viên đều rất thương và thông cảm cho học trò của mình” - cô Châu bộc bạch.

Ở Trường THCS Mường Chanh, đa phần giáo viên đều là người ở dưới xuôi lên công tác. Nhiều thầy giáo đang phải đi thuê nhà của người dân để ở, vì đợt mưa lũ lịch sử cuối tháng 8/2018 đã làm sập hết dãy nhà công vụ.

Thầy giáo Trần Văn Liêm – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Do điều kiện rất khó khăn, nên một số giáo viên phải đi ở nhờ nhà dân hoặc thuê của bà con làm nơi tá túc. Nhà trường đang được UBND huyện đầu tư, xây dựng thêm dãy nhà công vụ và khu nhà hiệu bộ. Tới đây, khi công trình này được bàn giao, thì cảnh đi thuê trọ của giáo viên cũng sẽ được xóa.

Cô giáo Bùi Thị Giang Châu (áo đỏ) đón học sinh về nhà mình chung vui nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Cô giáo Bùi Thị Giang Châu (áo đỏ) đón học sinh về nhà mình chung vui nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. 

Hết lòng vì học sinh

Là người ở huyện Triệu Sơn, năm 2002, thầy giáo Phạm Xuân Trình lên Mường Lát nhận công tác. Sau đó, thầy Trình được điều động về Trường THCS Mường Chanh. Năm nay, thầy Trình tròn 40 tuổi, đã có 17 năm gắn bó với ngành Giáo dục của huyện miền núi vùng biên xa xôi này.

Thầy Trình tâm sự: “Cách đây 17 năm, lúc đó tôi mới 23 tuổi. Vừa tốt nghiệp đại học, mang theo bầu nhiệt huyết của mình lên vùng biên này với mong muốn truyền thụ được thật nhiều kiến thức cho các lớp học trò. Rồi thời gian cứ thế trôi đi, đến khi ngoảnh lại thấy mình không còn trẻ trung gì nữa. Thú thực, có những lúc chúng tôi cũng cảm thấy mủi lòng, vì so với bạn bè đồng nghiệp ở dưới xuôi, thì mình vất vả, gian nan hơn nhiều.

Đặc biệt, vào dịp 20/11 hàng năm, khi đọc báo, xem tivi thấy đưa tin những hình ảnh học sinh tặng hoa, chúc mừng thầy, cô giáo sao mà vui, hạnh phúc thế. Ngày trước, khi mới lên được vài năm, tôi cũng đã có ý định xin về xuôi công tác. Nhưng cứ nghĩ, nếu ai cũng rời bỏ nơi khó khăn, vất vả để tìm chốn tốt đẹp, an nhàn thì học sinh ở đây sẽ như thế nào. Cũng vì suy nghĩ như vậy, nên tôi quyết định gây dựng gia đình ở trên này, để yên tâm công tác” - thầy Trình chia sẻ.

Cùng chung nỗi niềm như thầy Trình, cô Châu ở Mường Chanh, thầy giáo Hoàng Sỹ Xuân - Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Mường Lý (Mường Lát) lại ngồi trầm ngâm nghĩ về dịp 20/11 hàng năm.

Là người ở xã Quảng Tâm, TP Thanh Hóa, cách đây 22 năm, thầy Xuân lên nhận công tác tại huyện Mường Lát. Ngần ấy năm trời, thầy Xuân cũng chưa một lần được nhận bó hoa tươi thắm trong ngày Tết nhà giáo. “Kể cả bây giờ, dù cuộc sống của bà con đồng bào đã có thay đổi đáng kể so với trước kia, nhưng thực tình phụ huynh và học sinh vẫn rất khó khăn.

Mà kể cả phụ huynh học sinh có tiền đi chăng nữa, muốn cho con mình để mua một bó hoa tươi như ở thành thị, đem đi tặng thầy, cô giáo thì cũng chẳng ai bán cả. Vì vậy, những ngày này hàng năm, chúng tôi thường mua bánh, kẹo về rồi mời học sinh đến cùng ăn cho vui thôi”, thầy Xuân nói.

Học sinh ở đây còn nhút nhát, e ngại mỗi khi gặp thầy, cô giáo. Cũng có một số em tự tin, mạnh dạn khi đến chơi mà đói bụng là xin thầy, cô giáo vài gói mì tôm để ăn. “Những lúc như vậy, chúng tôi cảm thấy rất ấm lòng. Chúng tôi chỉ mong sao cuộc sống của các em được cải thiện, đời sống kinh tế - xã hội phát triển hơn để học sinh được đến trường đông đủ, không còn cảnh bỏ học giữa chừng... là chúng tôi cảm thấy hạnh phúc lắm rồi”, thầy Xuân trải lòng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.