Qua tìm hiểu được biết, điểm trường Pha Đón là một trong những cơ sở xa nhất và khó đi nhất của Trường Mầm non Lóng Sập. Điểm trường cách trường trung tâm khoảng 20km với nhiều đoạn đường đất dốc cao, khúc khuỷu.
Ngày nắng thì bụi mù đất đỏ, ngày mưa thì bùn đất nhão nhoét, để đến được trường, cô phải đi đôi ủng dài quá đầu gối, một bộ áo mưa rồi "cuốc bộ" đến trường. Có những hôm cô phải đi mất 2 tiếng mới đến được lớp. Khổ nỗi trời mưa nên học sinh nghỉ học nên lớp vắng tanh. Vậy là cô lại đi đến từng nhà, đón từng em học sinh đến lớp.
Cô tâm sự: "Học sinh ở đây thiếu thốn đủ bề. Có hôm các em đến lớp chỉ với chiếc áo trên người và không có quần để mặc, có em thì có quần nhưng lại không có áo. Trời rét thì đôi chân bé xíu của các em đỏ phồng lên không có tất và giày dép".
Bằng tất cả tình yêu và những gì mình có, bằng tất cả cái tâm không chỉ của cô giáo mà còn là tấm lòng của người chị, người mẹ, cô Thanh đã kiếm củi đốt lửa cho các bé sưởi ấm, nấu mì cho các bé ăn.
Cô kể: “Nhiều lần đến lớp các bé bị đói nên có bé khóc quá, nghĩ mà thương…, tôi mang cái bánh mì đến lớp để ăn trưa nhưng đành nhường cho cho các con …”. Vì thế khi nhận lương cô Thanh mua cả két mì tôm đến lớp phòng khi các con đói. Bằng tình thương yêu của cô mà trẻ em ở bản Pa Đón ít khi bỏ học, các bé thường gọi cô là mẹ Thanh.
Cô luôn tận tụy với công việc ngày ngày dạy các bé hát, đọc thơ, say mê với những trang giáo án để kịp mang đến cho các bé những bài giảng thật hay và ý nghĩa.
Cô Thanh trải lòng: Dù khó khăn đến mấy, tôi cũng sẽ vững lòng vượt qua để “cõng chữ lên non”, mang đến cho các bé niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng. Chẳng thế mà phụ huynh ở Pa Đón luôn dành cho cô Thanh những tình cảm đặc biệt như những người thân trong gia đình.
Cô tâm niệm: Không phải cứ làm thầy là sẽ nhận được sự kính trọng và niềm tin yêu của học sinh và phụ huynh. Điều quan trọng là phải yêu nghề, mến trẻ, sống chân tình và cởi mở.