Những chứng chỉ đượm tình hữu nghị Việt - Lào

GD&TĐ - Được nhìn thấy niềm vui rạng ngời của học viên khi cầm những tờ chứng chỉ trên tay, chắc có lẽ bất kỳ người Việt nào cũng dâng trào cảm xúc: hữu nghị, thân tình.

Những học viên khóa học năm 2021 vừa được nhận chứng chỉ.
Những học viên khóa học năm 2021 vừa được nhận chứng chỉ.

Cán bộ, công nhân viên chức và người dân 4 tỉnh phía Nam của đất nước Lào đã không còn xa lạ với Trung tâm Tiếng Việt tại trường Đại học Chămpasắc.

Trung tâm đã được xây dựng hơn 20 năm qua. Mục tiêu bồi dưỡng ngôn ngữ Tiếng Việt cho tất cả những học viên có nhu cầu nói và viết Tiếng Việt. Mỗi năm Trung tâm chỉ mở được một khóa học, chia thành nhiều lớp và thời gian bồi dưỡng kéo dài trong 9 tháng.

Thầy Bualay, phụ trách trung tâm cho biết: Nhiều năm qua, trung tâm đã tổ chức thành công hơn 20 khóa đào tạo Tiếng Việt cho những học viên là những cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân lao động có nhu cầu hiểu biết Tiếng Việt. Đội ngũ giảng viên tại Trung tâm có nhiều kinh nghiệm nên những học viên của chúng tôi rất dễ dàng hoàn thành Chương trình dự bị Tiếng Việt.

Chương trình bồi dưỡng chú trọng rèn luyện 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết. Nghe và hiểu, hiểu để nói được Tiếng Việt là mục tiêu hàng đầu đặt ra. Mặc dù ngữ nghĩa Tiếng Việt rất đa dạng và phong phú, nhưng được sự trợ giúp tận tình của các thầy cô đến từ Đà Nẵng, các học viên đã hoàn thành tốt mục tiêu. Kết thúc khóa học, học viên phải hoàn thành 4 bài kiểm tra đạt từ trung bình trở lên.

Chứng chỉ Tiếng Việt của học viên khóa học năm 2021.

Chứng chỉ Tiếng Việt của học viên khóa học năm 2021.

Cô Anonglak, giảng viên chính dạy Tiếng Việt tại trung tâm còn bộc bạch: Khi nhận được chứng chỉ, nhiều học viên đã được sang Việt Nam làm việc, lao động, du học, đã hoàn thành tốt luận văn Thạc sĩ, Tiến sĩ tại Việt Nam và đã thành công trong nhiều lĩnh vực khác.

Năm 2022 trung tâm dự kiến sẽ khai giảng khóa học mới vào trung tuần tháng 2. Nhằm giúp các học viên dễ dàng tiếp cận và hiểu biết nhanh Tiếng Việt các giảng viên tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy và hình thức học tập. Chú trọng việc học đi đôi với hành. Học viên không chỉ ngồi học trong lớp theo truyền thống mà sẽ được tham gia những tiết học thực hành trải nghiệm Tiếng Việt ngoài trời sinh động và hấp dẫn.

Hiểu biết và thông thạo thêm một ngôn ngữ quả thật không đơn giản chút nào. Sự kiên trì, vượt khó để học Tiếng Việt của cán bộ, viên chức và nhân dân Lào rất đáng trân trọng. Khi ngôn ngữ hai nước được giao thoa, tình hữu nghị hợp tác sẽ ngày một bền chặt hơn. Thiết nghĩ đây cũng là vấn đề trọng tâm thức đẩy kinh tế hai nước cùng đồng hành phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ