Nhọc nhằn con chữ giữa núi rừng Ea Đah

GD&TĐ - Mặc dù ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng các em nhỏ vùng đất cằn sỏi đá Ea Đah (Đắk Lắk)  thay vì nhận được sự chăm sóc của bố mẹ đã phải tự chăm sóc và lo cho bản thân mình.

 Những ngôi nhà ở khu tái định cư đã xuống cấp, hư hỏng.
Những ngôi nhà ở khu tái định cư đã xuống cấp, hư hỏng.

Làng chỉ toàn học sinh

Vào những ngày giữa tháng 10, chúng tôi tìm về thôn Giang Đông (xã Ea Đah, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk). Dưới cái nắng như muốn “cháy da, cháy thịt” nhưng các em nhỏ ở thôn Giang Đông vẫn đầu trần, chân đất đội nắng chơi tạt hình, bắn bi…

Khi thấy có người lạ đến làng các em với gương mặt ngơ ngác nhìn chúng tôi rồi chỉ trỏ nhưng không tỏ vẻ sợ hãi. Khi chúng tôi hỏi thăm sao trưa nắng mà các em không ở nhà ăn uống, nghỉ ngơi mà ra đây chơi?

Lúc này, cả lũ nhóc cười lớn rồi nhanh nhảu đáp lại “Chúng em mới đi học về nên chưa đói, khi nào đói mới ăn anh chị ạ. Bọn em tranh thủ chơi kẻo chiều các bạn khác lại đi học mất”. Vừa đáp xong, các em nhanh chóng quay lại với trò chơi của mình, bỏ lại sau là những gương mặt ngây thơ cùng nụ cười vô lo vô nghĩ.

Hờ Thị Dở khoe về bữa cơm “thịnh soạn” của mình gồm rau và cơm trắng.
Hờ Thị Dở khoe về bữa cơm “thịnh soạn” của mình gồm rau và cơm trắng. 

Ghé thăm ngôi nhà chỉ vỏn vẹn vài chục mét vuông của em Hờ Thị Dở (học sinh lớp 6) sống cùng với người chị học lớp 8 và em họ lớp 2, chúng tôi cảm nhận được sự thiếu thốn và xập xệ. Do không có bàn tay của người lớn nên ngôi nhà của 3 trẻ nhỏ trở nên bừa bộn hơn bao giờ hết.

Tài sản giá trị nhất trong nhà của các em có lẽ là 2 chiếc giường đã cũ cùng chăn màn và quần áo đã nhàu, vứt ngổn ngang. Do bố mẹ bận làm nương rẫy ở thôn Giang Đông cũ, cách thôn mới hơn 10km nên 3 chị em Dở phải tự ở lại đây để thuận tiện cho việc đi học. Theo đó, tất cả mọi công việc từ tắm rửa, giặt giũ, nấu cơm các chị em đều phải tự làm.

Dưới căn nhà nhỏ với chi chít lổ hổng mà mưa nắng có thể xuyên thấu bất cứ lúc nào, Dở đang hí hoáy dưới bếp ăn vội bữa cơm trưa để kịp giờ học buổi chiều. Thấy chúng tôi, Dở đặt chén cơm xuống dưới nền nhà rồi nhanh nhảu mời mọi người ăn cùng. Với gương mặt có phần ngại ngùng, Dở “khoe” với chúng tôi bữa trưa “thịnh soạn” của mình gồm cơm trắng và đậu cô – ve xào mặn.

“Bình thường bọn em thường nấu nhiều cơm để ăn 1-2 ngày luôn và món đậu này là món ăn thường xuyên của chúng em. Do nhà xa nên đầu tuần bố mẹ lại lấy lương thực gồm gạo và rau mang ra ngoài này, còn cuối tuần chúng em mới về nhà một lần. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên lâu lắm chúng em mới được ăn thịt cá một lần.”, Dở tâm sự.

Cách đó không xa là ngôi nhà của anh em nhà Sùng Thị Phượng (học sinh lớp 2 – Trường Tiểu học Ea Đah). Hiện nay, Phượng đang sống với 5 anh chị em họ trong căn nhà nhỏ, lụp xụp này. Người anh lớn chỉ mới học lớp 10 đã nghỉ học để đi làm. Còn 4 anh em Phượng sớm tối sống ở đây nên đều đặn mỗi ngày khi mặt trời chưa lên đến đỉnh núi thì phải chia nhau dậy nấu cơm ăn rồi đến trường.

Với bộ quần áo trắng đã ngã sang vàng cùng mồ hôi nhễ nhại trên trán, Phượng cho biết, em vừa mới ở trường về và vẫn chưa kịp ăn cơm.

“Do sống xa bố mẹ từ nhỏ nên ngay từ lớp 1 em đã được tập cho nấu nướng, giặt giũ. Ở xa bố mẹ nên nhiều đêm em nhớ bố mẹ lắm, nhưng cuối tuần mới được về nhà một lần. Thấy bố mẹ khổ nên em cũng không giám đòi hỏi. Em ước mơ sau này lớn lên sẽ trở thành đầu bếp để nấu những món ăn ngon cho bố mẹ và làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn”, em Phượng nghẹn ngào nói.

Vì con chữ cho thế hệ tương lai

Không có bàn tay của bố mẹ và gia đình, các em nhỏ đầu trần chân đất chơi giữa trời nắng.

Không có bàn tay của bố mẹ và gia đình, các em nhỏ đầu trần chân đất chơi giữa trời nắng.

Sau khi đi một vòng quanh làng với chỉ toàn trẻ em, khó khăn lắm chúng tôi mới gặp được một người chững tuổi. Bà Sổng Thị Hoa (SN 1979, thôn Giang Đông) cho biết, trước đây gia đình bà sống ở thôn Giang Đông cũ, đến năm 2004-2005 nhà nước xây nhà ở khu tái định cư mới nên chính quyền gọi các hộ dân lên.

Những tưởng lên khu vực mới có đầy đủ điều kiện điện, nước và gần trường học giúp cho cuộc sống của người dân đổi khác. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian sinh sống tại đây, với 5 sào rẫy được cấp, nhưng đất đai cằn cỗi khiến cây trồng khó phát triển, do đó người dân lũ lượt kéo nhau về làng cũ.

Theo bà Hoa, căn nhà của bà chỉ vỏn vẹn vài chục mét vuông nhưng hiện nay là nơi che mưa che nắng cho 7 con người. Ở đây gia đình bà cũng gặp nhiều khó khăn khi nước thiếu, cả làng chỉ có 1-2 cái giếng. Tuy nhiên, đến mùa khô, hết nước cả làng phải mua nước bình hoặc dùng nước suối.

“Trên đây cuộc sống khó khăn hơn nhiều so với ở làng cũ, nhưng vì muốn các con thuận lợi cho việc học nên chúng tôi đành chấp nhận. Gia đình tôi cứ sáng sớm về làng cũ để canh tác, tối lại về đây để lo cho các con ăn học. Tuy nhiên, nhiều gia đình khác đành để con ở lại đây rồi tự mấy đứa trẻ chăm sóc và đi học còn người lớn về hết làng cũ để tiện canh tác”, bà Hoa nói.

Ông Đinh Xuân Hạnh, chủ tịch UBND xã Ea Đah cho hay, khu nhà tái định cư được xây dựng theo chương trình 134 - Chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn. Theo đó, mỗi hộ dân được xây dựng một căn nhà có diện tích hơn 24m2 và được hỗ trợ khoảng 5 sào đất rẫy để canh tác và có đầy đủ điện, nước.

Tuy nhiên, theo vị chủ tịch, năm 2006 sau khi xây dựng xong chính quyền đã vào tận nơi vận động người dân ra khu vực mới ở. Tuy nhiên, chỉ được 1-2 năm do đất đai khô cằn, không thể phát triển được nên cuộc sống của người dân ngày càng khó khăn. Bên cạnh đó diện tích nhà ở không đủ để phục vụ nhu cầu của các hộ dân…Do đó, người dân lần lượt kéo nhau về làng cũ.

Vị chủ tịch cho hay, mặc dù sau đó, chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động nhưng người dân không ra sinh sống ở làng mới mà chỉ để con, cháu của mình ở lại để tiện cho việc học hành. Tuy nhiên, do các cháu còn rất nhỏ nên điều kiện sống rất khó khăn, thiếu thốn…

Ông Hạnh cho hay, chính quyền địa phương cũng đã có ý kiến lên các cấp chính quyền về vấn đề hỗ trợ, giúp đỡ để người dân có thể ổn định cuộc sống ở khu tái định cư mới. Tuy nhiên, đến nay tình trạng người dân sống lay lắt vẫn diễn ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ