Nghị lực vượt qua bóng tối của một nhà báo

GD&TĐ - Đang là một thanh niên khỏe mạnh với đôi mắt sáng và ước mơ được trở thành nhà báo nay đây mai đó, phản ánh đời sống xã hội chân thực nhất, thế nhưng, năm 30 tuổi, bỗng nhiên, anh không còn nhìn thấy được sự vật chuyển động xung quanh. Đó là câu chuyện dài cảm động của anh Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân, biên tập viên báo Điện tử Thương trường.

Nhà báo Nguyễn Tiến Thành
Nhà báo Nguyễn Tiến Thành

Sống chung với bóng tối!

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, anh Nguyễn Tiến Thành mơ ước trở thành một nhà báo chân chính, có thể đi nhiều nơi, phản ánh đậm nét hơi thở cuộc sống. Ước mơ ấy thành hiện thực khi anh trúng tuyển vào Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương. Được làm báo trong một môi trường chuyên nghiệp, anh quyết định chọn nơi này là điểm dừng chân trong hành trình theo đuổi niềm đam mê. Vậy nhưng, năm 30 tuổi, chàng thanh niên đang nhiệt huyết cống hiến thì bị mắc bệnh glocom - thiên đầu thống.

Tưởng căn bệnh đơn giản và không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Thế nhưng, càng ngày anh càng không chịu được những cơn đau đầu vật vã. Đi khám, anh phát hiện ra bệnh tình đã nặng có thể sẽ ảnh hưởng đến thị lực. Thế rồi, liên tiếp 6 lần phẫu thuật nhưng vẫn không cứu được đôi mắt, anh Thành dường như tuyệt vọng; Khó chấp nhận bản thân từ một người sáng mắt thành người không nhìn thấy bên ngoài thay đổi ra sao, xung quanh chỉ toàn một màu đen đến kinh hoàng. Anh nhớ lại những tháng ngày miệt mài bên máy tính, gõ bài, biên tập, chỉnh sửa thật kỹ trước khi đăng. Giờ, đôi mắt hỏng, có lẽ công việc mà mình yêu thích phải dừng lại.

Hạn chế giao tiếp với những người xung quanh bởi anh chưa chấp nhận được sự thật này. Giá như, khi sinh ra anh đã bị mù để anh khỏi tiếc nuối những tháng ngày tươi đẹp, giá như, anh quan tâm hơn tới sức khỏe của mình để không xảy ra điều đáng tiếc… Bao nhiêu câu “giá như” cứ lởn vởn khiến anh day dứt.

Được nghe nhiều chuyện về những người khiếm thị, biết bao người mù chỉ ước một lần được nhìn thấy ánh mặt trời, được nhìn thấy khuôn mặt của mình trong gương, rồi lại sống trong bóng tối cũng cam lòng. Biết bao người chỉ mong được sống một thời sôi nổi như anh đã từng sống. Anh hơn họ, anh được nhìn thấy ánh sáng suốt 30 năm và được làm điều mình thích, không có lý gì anh lại thu mình sống cùng bóng tối vô vị.

Khó khăn lớn nhất khi anh trở thành người khiếm thị là vấn đề tâm lý. Không thấy ánh sáng xung quanh, mọi thứ đều là bóng đen, nhưng bản thân anh nghĩ, nếu không vượt qua được thì chính mình sẽ thất bại trong cuộc sống và còn mang đến đau khổ cho gia đình, người thân.

Từ ngày đôi mắt không còn nhìn thấy nữa, dường như đôi tai của anh thính hơn, các đầu ngón tay cũng nhạy bén hơn trước. Vận dụng những ưu điểm của bản thân, cộng thêm sự giúp sức của gia đình, anh đã vượt qua mặc cảm tâm lý gia nhập Hội Người mù quận Thanh Xuân. Nhờ tham gia tổ chức này, chàng trai có cơ hội gặp gỡ mọi người cùng cảnh ngộ và tìm lại được động lực sống.

Quyết tâm không bỏ phí khả năng viết lách cũng như thời gian rảnh rỗi. Anh nghĩ, bản thân phải sống thật có ích và có ý nghĩa. Nghĩ là làm, anh Thành tìm hiểu và bắt đầu học chữ nổi - Braille, học thêm về công nghệ thông tin.

Cống hiến cho công việc và cộng đồng

Chữ Braille đối với anh chính là ánh sáng trên chặng đường học tập, công việc của bản thân. Cuối năm 2012, anh Thành có thể sử dụng máy tính dành cho người khiếm thị và thành thạo chữ nổi Braille. Trở lại với công việc làm báo, anh không đi viết nữa mà nhận bài về biên tập và viết cho một thể loại mới ở chương trình phát thanh của VOV giao thông. Anh say sưa làm việc và cảm thấy cuộc sống vẫn may mắn bởi được làm đúng công việc mình yêu thích.

Không chỉ có vậy, anh vận dụng những gì đã học được từ chữ Braille để thu thập thông tin và viết về các bệnh của mắt để tuyên truyền cho cộng đồng. Anh mạnh dạn đề xuất với chương trình “Niềm tin ánh sáng” của Đài Tiếng nói Việt Nam mở chuyên mục “Tư vấn sức khỏe thị giác”, đề xuất đó đã được lãnh đạo Đài phê duyệt, anh trở thành cộng tác viên cho chuyên mục.

Năm 2012, anh Thành được nhận vào làm việc tại Tạp chí Thương trường. Cùng với công việc phản ánh, tuyên truyền về sự phát triển của các doanh nghiệp - doanh nhân, anh còn đảm nhiệm chuyên mục Nhân ái trên trang điện tử thuongtruong.com.vn.

Anh Thành chia sẻ: “Không ai trong cuộc đời hoàn hảo cả. Dù mắt không nhìn thấy nữa nhưng tôi đã quen và chấp nhận điều này. Với tôi, bây giờ, được chung tay giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ là một niềm hạnh phúc”.

Anh Thành chia sẻ: “Không ai trong cuộc đời hoàn hảo cả. Dù mắt không nhìn thấy nữa nhưng tôi đã quen và chấp nhận điều này. Với tôi, bây giờ, được chung tay giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ là một niềm hạnh phúc”.

Nói là làm, ngoài công việc báo chí, anh thường xuyên tham gia sinh hoạt ở Hội Người mù quận Thanh Xuân. Tháng 5/2019, anh được tín nhiệm vào vị trí Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân nhiệm kỳ 2019 - 2024. Anh thường xuyên giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. Anh hướng dẫn nhiều bạn trẻ cách viết báo và chia sẻ những câu chuyện xung quanh nghị lực sống vượt qua hoàn cảnh khó khăn giúp mọi người mạnh mẽ, tự tin hơn.

Với sự nỗ lực hoạt động trong phong trào Hội và hoạt động báo chí, anh đã được tặng Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội; Giấy khen của UBND quận Thanh Xuân, Hội Người mù thành phố Hà Nội, Hội Người mù quận Thanh Xuân và Giải báo chí của thành phố Hà Nội. Bài viết về chữ Braille của anh được Hội Người mù Việt Nam gửi đi dự thi cấp khu vực châu Á - Thái Bình Dương...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.