Bảo vệ Quyền trẻ em: Truyền thông, báo chí đóng vai trò quan trọng

GD&TĐ - Ngày 24/7, tại Vĩnh Phúc, Bộ LĐ,TB&XH - Cục trẻ em phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) tổ chức hội thảo về “Sự tham gia của truyền thông, báo chí trong công tác bảo vệ trẻ em” nhằm bồi dưỡng năng lực cho các nhà báo, phóng viên để nâng cao chất lượng và hiệu quả của báo chí trong việc đưa tin về trẻ em và bảo vệ trẻ em. 

 Hội thảo có sự tham gia của hơn 50 nhà báo, phóng viên tại miền Bắc
Hội thảo có sự tham gia của hơn 50 nhà báo, phóng viên tại miền Bắc

Hội thảo do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế hỗ trợ kinh phí tổ chức.

Bảo vệ trẻ em trên cả 3 cấp độ

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về Quyền trẻ em và đã xây dựng và ban hành khung pháp lý tương đối toàn diện để ghi nhận và bảo đảm thực thi các Quyền của trẻ em. Truyền thông, báo chí tại Việt Nam có vai trò vô cùng quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ Quyền trẻ em. Tuy nhiên, đưa tin về trẻ em là một trong những thách thức không nhỏ đối với các cơ quan báo chí và truyền thông.

Thực tế, không ít những bài báo, sản phẩm truyền thông đã vô tình hay cố ý vi phạm quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ khi đưa tin bằng việc sử dụng ngôn ngữ thiếu tính nhạy cảm hay hình ảnh thiếu tính chọn lọc. Điều này đã gây tác động rất lớn đến tâm lý và quá trình phát triển của trẻ.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em cho biết:“Báo chí đóng vai trò rất quan trọng, và đã tham gia tích cực trong việc truyền thông về các vấn đề trẻ em và tham gia bảo vệ trẻ em. Để chức năng này được thực hiện một cách có hiệu quả, lại không vi phạm các quyền riêng tư của trẻ em, báo chí cần được trang bị thêm các kiến thức và chia sẻ các giá trị đạo đức cụ thể trong truyền thông bảo vệ trẻ em và vì lợi ích tốt nhất của trẻ ”.

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em chia sẻ về Truyền thông Bảo vệ trẻ em phát biểu tại Hội thảo

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em chia sẻ về Truyền thông Bảo vệ trẻ em phát biểu tại Hội thảo

Bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD cũng chia sẻ “Chúng tôi rất mong muốn qua hội thảo ngày hôm nay các nhà báo sẽ tìm hiểu được thêm nhiều thông tin hữu ích và được truyền cảm hứng, động lực trong việc truyền thông cho các vấn đề trẻ em và bảo vệ trẻ em một cách hiệu quả.

Việc này không chỉ thực hiện được bằng một vài bài viết, một vài tít giật khi có các vấn đề xảy ra và nóng lên gần đây như xâm hại tình dục trẻ em, bắt nạt trên mạng, v.v. mà cần có chiến lược lâu dài, sự bền bỉ và tâm huyết của những ngòi bút quyết tâm bảo vệ trẻ em trên cả 3 cấp độ: giáo dục phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp”.

Truyền thông “Bảo vệ trẻ em” - Cũ mà mới

Từ trước đến nay, tại Việt Nam các hoạt động và điều luật hướng tới bảo vệ trẻ em luôn được chú trọng và được dư luận ngày càng quan tâm. Các tin bài về giáo dục trẻ, sự chăm sóc và quyền lợi của trẻ hay những vấn đề mà trẻ em đang gặp phải luôn là chủ đề bất tận, góp phần không nhỏ giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ trẻ em, hướng đến những điều tốt đẹp nhất cho trẻ.

Tuy nhiên, vì đây là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, nên đôi khi việc áp lực đưa tin nhanh, nóng để đáp ứng nhu cầu cộng đồng có thể khiến báo chí vô tình xâm hại trẻ em thay vì bảo vệ trẻ em. Ngoài ra, trong thời đại mạng xã hội, cạnh tranh với mạng xã hội cũng khiến việc truyền thông bảo vệ trẻ em trong giai đoạn mới cũng gặp rất nhiều thách thức.

Các đại biểu tham gia hội thảo
Các đại biểu tham gia hội thảo 

Ông Lê Quốc Vinh, Giám đốc tập đoàn truyền thông Lê chia sẻ: “Nghiệp vụ nhà báo trong thời đại ngày nay gặp rất nhiều thách thức, bị cạnh tranh với mạng xã hội. Thay vì báo chí đặt người đọc ở vai trò thụ động, mạng xã hội đưa tin rất nhanh, tin tức đến từ cuộc sống, do người dùng tạo ra và mỗi tài khoản đều có thể thực hành đưa tin, trở thành những nhà báo công dân. Tin trên mạng xã hội đặt người đọc ở vị trí trung tâm.

Chính vì thế, khi cạnh tranh với mạng xã hội, báo chí có thể đánh mất đi vai trò của mình mà chạy theo những tin giật gân, thậm chí lấy nguồn từ mạng xã hội. Chúng ta phải nhớ rằng, mạng xã hội chỉ là các mảnh ghép, báo chí có trách nhiệm cần cung cấp bức tranh đầy đủ, không nên đánh mất vị trí của mình, mà đảm bảo truyền thông chậm (slow media) với những bài báo có chất lượng, có chuyên môn nghiên cứu sâu, đa chiều, toàn vẹn, chính xác đảm bảo việc bảo vệ sự thật, vừa bảo vệ trẻ em.”

Chia sẻ thách thức của báo chí trong việc tôn trọng và bảo vệ trẻ em hiệu quả, bà Nguyễn Ngân – phóng viên Đài truyền hình Việt Nam chia sẻ những khó khăn, trở ngại, các nguyên tắc và cả các lỗi của báo chí trong truyền thông, đưa tin về trẻ em.

Bà Ngân cũng nhấn mạnh có các “ranh giới” rất mong manh và các tranh luận trong nghiệp vụ báo chí và nguyên tắc bảo vệ trẻ em, không có gì hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai, nhưng nhà báo có tâm cần phải đặt lên trên hết lợi ích của trẻ để có thể viết bài có trách nhiệm, để tránh tình trạng “trẻ em “vô tình” bị xâm hại một lần nữa bởi nhà báo”.

Thảo luận tại hội thảo, các nhà báo, phóng viên đã đưa ra rất nhiều quan điểm xoay quanh cách thức áp dụng quyền trẻ em vào hoạt động báo chí; những khó khăn gặp phải trong quá trình tác nghiệp và một số thắc mắc cần được giải đáp. Có thể thấy, mỗi người đang dần có ý thức và nghiêm túc trong việc thực hiện các nguyên tắc bảo vệ trẻ em, cam kết nói không với các hình thức lợi dụng trẻ để giật tít, câu view.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ