Ngày 1/8, TAND TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) đưa vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” CSGT Tiền Giang ra xét sở thẩm. Các bị cáo trong vụ án gồm: Phan Dũng (SN 1964, ngụ quận 12, TP.HCM, PV báo Nhân Đạo và Đời Sống) và Nguyễn Văn Uần (SN 1979, ngụ TP Ban Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk, nghề nghiệp tài xế). Tòa cũng triệu tập Mai Xuân Hiển (SN 1980, ngụ Quảng Bình), người liên quan đến vụ án (giới thiệu là phóng viên hợp đồng của Báo Nhân Đạo và Đời Sống).
Tại phiên tòa, bị cáo Dũng khai nhận, trước hôm xảy ra vụ việc cùng uống nước với Uần tại TP.HCM. Hiển là người đã đưa giấy giới thiệu Dũng là phóng viên của Báo Nhân đạo và Đời sống. Cả nhóm (Hiển, Uần và Dũng) từ TP.HCM đi ôtô xuống miền Tây du lịch.
Nhóm người này đã quay clip Tổ tuần tra thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang làm nhiệm vụ trên đường dẫn cao tốc Trung Lương - TP.HCM. Do Dũng có quen biết với ông L.A.T, Đội trưởng CSGT Công an Tiền Giang từ trước nên gọi điện để làm việc nhưng không được nên Dũng nhờ Hiển gọi cho ông T, với mục đích xác minh hình ảnh trong clip đã quay.
Sau đó, Uần điều khiển ô tô chở Dũng và Hiển đến Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang. Tại đây, Hiển, Dũng đưa giấy giới thiệu là phóng viên và Hiển mở laptop cho ông T. xem bài báo do mình viết lưu trên máy tính với nội dung “…chặn dừng nhiều xe, kiểm tra chớp nhoáng…”. Hiển dọa, sáng hôm sau sẽ cho đăng bài báo này, còn Dũng mở máy quay phim cho ông T. xem các đoạn clip đã quay. Sau đó, cả nhóm ra về và bàn bạc, yêu cầu ông T. đưa 250 triệu đồng, thông qua ký hiệu bằng các ngón tay trong lúc ngồi trên ô tô cùng Hiển.
Vụ án cưỡng đoạt tài sản CSGT Tiền Giang được đưa ra xét xử sơ thẩm
Ngoài ra, bị cáo Dũng còn thừa nhận đã cùng với Uần thực hiện nhiều vụ ghi hình CSGT ở một số tỉnh, thành khác nhưng chỉ báo cáo về cho cơ quan. Đây là lần đầu tiên tham gia vụ việc nói trên.
Tuy nhiên, tại toà Hiển bác bỏ lời khai này và cho rằng mình chỉ là phóng viên hợp đồng. Hiển giải thích, có đi cùng Dũng, Uần đến miền Tây du lịch và có đến Phòng CSGT gặp ông T. để chào hỏi cá nhân, không có chuyện mở máy tính và đọc nội dung của bài báo và không tham gia việc cưỡng đoạt tài sản. Trong khi đó, ông T. cho rằng, Hiển đến phòng CSGT cung cấp giấy giới thiệu của Nhân Đạo và Đời Sống. Khi ông T. định chụp lại giấy tờ thì Hiển không cho và lấy lại giấy tờ, ông T. cũng không nhìn rõ giấy tờ đó như thế nào.
Còn bị cáo Uần phủ nhận việc tham gia quay clip CSGT để tống tiền và cho rằng, cả nhóm lên kế hoạch đi du lịch ở miền Tây và ghé Tiền Giang tham quan Cầu Rạch Miễu, thăm làng hoa... “Khi đến địa phần tỉnh Tiền Giang, Dũng đột nhiên yêu cầu dừng xe dùng máy ảnh ghi hình CSGT đang làm nhiệm vụ, Dũng có nhờ tôi quay giúp và cứ nghĩ tác nghiệp bình thường bởi bản thân làm nghề lái xe nên không hề biết dùng để làm mục đích gì”, bị cáo Uần khai.
Tòa cũng triệu tập Mai Xuân Hiển (SN 1980, ngụ Quảng Bình, áo xanh), người liên quan đến vụ án.
Theo cáo trạng, Uần và Dũng có ý định chiếm đoạt tài sản nên đã quay nhiều clip tổ tuần tra thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang đang làm nhiệm vụ. Sau đó, cả hai sử dụng các đoạn clip này đe doạ, yêu cầu Trung tá L.A.T., Đội trưởng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang đưa số tiền 250 triệu đồng nếu không sẽ cho đăng báo. Chiều 29/7/2018, Dũng hẹn ông T. đến khu vực Trạm thu phí Trung Lương - TP.HCM nhận 250 triệu đồng thì bị bắt quả tang. Uần cũng bị bắt giữ sau đó.
Theo kết luận điều tra: “Trong vụ án cưỡng đoạt tài sản này, ngoài Dũng, Uần thì cả hai còn khai Hiển cùng trực tiếp tham gia với vai trò chủ mưu. Tuy nhiên, Hiển chỉ thừa nhận trong hai ngày 28 và 29/7/2018 có cùng Dũng và Uẩn đến Tiền Giang nhưng không thừa nhận tham gia cưỡng đoạt, vì vậy không đủ cơ sở để khởi tố, đề nghị truy tố Hiển”.
Phiên toà xét xử vụ cưỡng đoạt tài sản sẽ được tiếp tục diễn ra vào ngày 2/8.