“Lớp Một ơi lớp Một”

GD&TĐ-Trưa hè nắng nóng, tôi đội chiếc mũ nan, tay cầm sách chạy từ nhà  ở xóm dưới lên nhà chú ở xóm trên để học bài. Căn nhà gỗ xoan ba gian mái lợp rạ, cửa là phên liếp yên bình giữa vườn nhãn có bà và cô chú tôi ở.

Vợ chồng nhà giáo Đỗ Đăng Khoa (ngoài cùng bên phải) và các anh chị em.
Vợ chồng nhà giáo Đỗ Đăng Khoa (ngoài cùng bên phải) và các anh chị em.

Chú là thầy giáo Đỗ Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường Phổ thông cấp I xã Bình Nguyên (huyện Kiến Xương, Thái Bình). Chú cũng là thầy giáo đầu tiên của tôi. 

Nét chữ đầu tiên

Dù làm Hiệu trưởng, buổi sáng chú đến trường vẫn đứng dạy trên lớp như giáo viên khác. Và khi tan trường, một tay chú cắp cặp giáo án “ba dây”, tay kia cắp một tập vở của HS mang về nhà chấm bài kiểm tra...

Chờ chú ăn xong lưng cơm độn khoai khô được úp bằng chiếc bát “chiết yêu”, tôi mới dám lại gần để chú dạy học. Tôi thường nằm dưới nền nhà đất, hai tay chắp sau gáy làm gối, ngửa mặt nhìn lên nơi sang trọng nhất của căn nhà, có treo ảnh Bác Hồ với hàng chữ: “Tặng chiến sĩ diệt zốt - Hồ Chí Minh”. Bên cạnh là Bằng khen của Tổng Công đoàn Việt Nam, có chữ ký tươi mực xanh Cửu Long của Chủ tịch Hoàng Quốc Việt, lồng trong khung không có kính nhưng trang trọng. Chú ngồi bên chiếc bàn gỗ mộc đã cũ, viết chữ mẫu vào đầu dòng trang mới để tôi nắn nót viết theo: “Lớp Một ơi lớp Một/ Đón em vào năm trước/ Nay giờ phút chia tay/ Gửi lời chào tiến bước...”. Chú vừa chấm bài vừa nghiêm nghị theo dõi tôi học. Có lần bị cảm nắng, tôi nằm ở chiếc giường cái tròn đóng bằng gỗ xoan trải chiếc chiếu cói, nôn mửa và thiếp đi. Khi tỉnh dậy tôi biết bà đã gột phần chiếu bẩn đi, phần khô sạch cho tôi nằm, vì giường của bà chỉ có một chiếc chiếu không có chiếc khác để thay...

Ông bà sinh nở mấy lần chỉ nuôi sống được mình chú. Ông đi chợ tỉnh bán gánh củi, rồi kiệt sức trên đường không về được đến nhà. Bà tần tảo ở vậy nuôi con. Nhà nghèo chú không được đến trường học đầy đủ như bạn cùng lứa, chỉ học hết lớp 6 thì phải bỏ dở. Vậy mà bằng ý chí, nghị lực của một người ham học, chú chịu thương, chịu khó cùng mẹ vật lộn lo toan cuộc sống để giữ nếp gia phong của ông cha. Chú quyết không thể rời xa sự học.

Vừa học bổ túc văn hóa, chú được chọn học lớp Sư phạm cấp tốc 45 ngày của huyện mở tại xã Quang Bình. Và cũng từ đây, chú đã bước lên bục giảng với tên gọi “Giáo viên danh dự”, được dạy học nhưng không được hưởng lương. Suốt 2 năm chú mới được chuyển giáo viên “dân lập”, mà lương được cấp bằng thóc do Hội Phụ huynh thu trả theo mùa vụ. Tháng 8/1960, học hết cấp II bổ túc văn hóa với điểm thi tốt nghiệp đỗ Thủ khoa, chú được biên chế chính thức vào ngành Giáo dục và được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Phổ thông cấp I xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải. Đến năm 1961, chú được điều về làm Hiệu trưởng Trường Phổ thông cấp I xã Bình Nguyên. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Hiệu trưởng, lại có kinh nghiệm và uy tín, chú được điều về Phòng Giáo dục huyện Kiến Xương quản lý phụ trách cấp I và cấp II, Bí thư Chi bộ, tham gia Ban cán sự Đảng Đoàn giáo dục huyện Kiến Xương. 

Cánh chim không mỏi

Vợ chồng nhà giáo Đỗ Đăng Khoa.
Vợ chồng nhà giáo Đỗ Đăng Khoa.

Với ý chí vươn lên trong học tập, công tác thời chiến nhưng buổi tối và ngày nghỉ, Chủ nhật chú theo học hàm thụ Trung cấp Sư phạm của tỉnh Thái Bình từ năm 1964 đến năm 1968 mới hoàn thành khóa học. Như cánh chim không mỏi, năm 1978, chú lại theo học chuyên tu Cao đẳng Sư phạm Thái Bình, đến năm 1980 nhận bằng Cao đẳng Ngữ văn được mở lần đầu ở Thái Bình. Gần 50 năm công tác trong ngành Giáo dục, năm 1990 chú được nghỉ hưu tại quê nhà. Chú là người thầy, người chú chúng tôi nhất mực quý mến. Người cán bộ của ngành Giáo dục có nghị lực phi thường vượt qua mọi gian khó, hy sinh, hết thảy vì học sinh thân yêu. 

Khi vào nghề chú mới 16 tuổi, vừa đi học vừa dạy học ở địa phương nhưng vẫn khiến dân làng trầm trồ: “Lớp anh Khoa phụ trách nghiêm túc lắm!”. Khi làm cán bộ quản lý ở Phòng Giáo dục huyện Kiến Xương, bao lớp giáo viên có thâm niên đứng lớp và dạy rất giỏi thường truyền tai nhau: “Anh Khoa làm việc nghiêm cẩn và công minh! Nhưng cứ gặp anh là thấy tình cảm ấm áp”. 

Năm 1963, chú được kết nạp Đảng, bản chất của người đảng viên với người thầy thấm đậm trong chú. Làm việc ở cơ quan giáo dục của huyện nhưng về nhà chú sống chan hòa gần gũi với dân làng, trực tiếp tham gia việc vui buồn hiếu hỷ không hề có phân biệt khoảng cách. Có lần chú nói: “Suốt đêm không ngủ được” vì thương xót người hàng xóm mới mất, cả đời vất vả vật lộn với cuộc sống mà khi nằm xuống không có bộ quần áo mới. Vợ chú là bà Phạm Thị Đon (là cô ruột của tôi), một đảng viên, cán bộ phụ nữ trẻ và năng động. Khi cô đang làm Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp, rất triển vọng nhưng chú động viên cô thi vào trường sư phạm. Cô chú tôi có 3 người con. Con út Đỗ Thanh Hải học trường chuyên, học giỏi nên được Bộ Giáo dục cử đi du học nước ngoài. Sau này Hải về công tác theo chuyên ngành đã học. Còn con trai lớn là Đỗ Minh Đường và con gái Đỗ Thanh Huyền, chú đều định hướng cho các em học các trường sư phạm và trở thành nhà giáo. Trong gia đình nhà giáo thanh bạch ấy, chú là tấm gương mẫu mực cống hiến hết mình cho ngành, cho nhiều thế hệ HS thân yêu. 
Những thầy giáo “vàng”

Đất nước ta đã có nhiều người thầy như chú, lớn lên và trưởng thành từ buổi sơ khai của ngành Giáo dục. Đó là thế hệ vàng được Đảng, Bác Hồ nuôi dưỡng để có nghị lực, có tài, có đức trong sự nghiệp trồng người. Bao lớp HS chúng tôi được học những người thầy như chú, đã trưởng thành trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Anh hùng. Những người thầy như chú chưa bao giờ được nhận một danh hiệu hay phần thưởng nào của nghề giáo, nhưng mãi mãi được nhân dân và các thế hệ HS, đồng nghiệp rất trân trọng. Thời gian nghỉ hưu, chú là Chủ tịch Hội Khuyến học đầu tiên trong nhiều năm tại xã Thanh Tân. Vẫn là người thầy, người đảng viên mẫu mực, chú được cử là đại biểu xuất sắc của tỉnh Thái Bình dự Đại hội Tôn vinh các Giáo chức của cả nước tại Thủ đô Hà Nội. Nay tuổi đã cao, sức không còn khỏe nhưng chú vẫn tâm huyết đóng góp trí tuệ xây dựng làng xóm quê hương, động viên con cháu trong việc họ, việc làng.

Học trò nhỏ của thầy giáo Đỗ Đăng Khoa ngày nào nay đã trưởng thành qua bao năm chiến đấu và công tác, được Quân đội rèn luyện, đào tạo nhiều năm học ở các nhà trường, học viện chính quy của Quân đội đã là Phó Giáo sư, Tiến sĩ được phong Quân hàm cấp Tướng. Tôi luôn nhớ đến trọn đời được học từ người thầy giáo “Vàng”, những dòng chữ mẫu tươi nét mực tím viết ngòi bút “lá răm” trên trang vở học trò: “Lớp Một ơi lớp Một...”.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ