Lớp học tình người trên đảo Bạch Long Vĩ

GD&TĐ - Cách đất liền khoảng 110 km, là hòn đảo xa bờ nhất vịnh Bắc Bộ - Bạch Long Vĩ (Hải Phòng). Đây là huyện đảo tiền tiêu chủ yếu phục vụ hậu cần nghề cá, cứu hộ cứu nạn và bảo đảm an ninh quốc phòng. Với những người đã từng đặt chân đến Bạch Long Vĩ sẽ thấy nơi đó là miền nhớ bởi tình cảm chân thành, đôn hậu của những người dân.

Bạch Long Vĩ  từ trên cao.
Bạch Long Vĩ từ trên cao.

Tòa án nhân dân quanh năm “thất nghiệp”

“Đến Bạch Long Vĩ quả là một trải nghiệm thú vị, một hành trình khám phá vùng đất mới nơi không có gì ngoài sóng, gió, cát trắng và tình người bao la”, bạn trẻ Đinh Hữu Quyền (huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) đã chia sẻ như vậy khi nói về hòn đảo tiền tiêu Bạch Long Vĩ. Đó không chỉ là nhận xét của Quyền mà với những ai đã từng đặt chân lên “cái đuôi rồng trắng” ấy sẽ có chung một cảm nhận như thế.

Để ra đảo Bạch Long Vĩ, người dân có thể đi theo tàu chở hàng, xuất phát từ cảng cá Mắt Rồng, xã Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng). Hoặc tàu khách của huyện đảo Bạch Long Vĩ, xuất phát từ cảng Máy Chai (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) và tàu cao tốc Bạch Long của Thành đoàn Hải Phòng. Tàu Bạch Long là phương tiện nhanh nhất để tới Bạch Long Vĩ, rút ngắn hành trình đến đảo còn 8 tiếng.

Trong hải trình 8 tiếng lênh đênh, điều du khách có thể cảm nhận được đầu tiên là cảm giác say sóng. Khi đang chếnh choáng với những con sóng bạc đầu, cảnh đẹp đầu tiên tại âu cảng Bạch Long Vĩ sẽ hút hồn du khách với biển xanh, cát trắng trong không gian mênh mông bao la. Âu cảng cũng là nơi sôi động, náo nhiệt nhất đảo, với hàng trăm chiếc tàu, thuyền neo đậu mỗi ngày. 

Ở Bạch Long Vĩ khách sẽ được nghe kể nhiều câu chuyện thú vị. Bạch Long Vĩ như là đơn vị hành chính cấp huyện nhưng nơi đây lại không có đơn vị hành chính cấp xã, phường mà chỉ có các tổ dân phố. Các cơ quan hành chính cấp huyện sẽ xử lý mọi vấn đề liên quan của từng khu dân cư. Bạch Long Vĩ chưa từng xảy ra việc trộm cắp, mất an ninh trật tự… Vì thế Viện KSND và TAND ở huyện này quanh năm “thất nghiệp”.

Cô Vũ Thị Hà âu yếm tạm biệt học trò.
Cô Vũ Thị Hà âu yếm tạm biệt học trò.

Học trò là những đứa con ngoan

Những người dân đầu tiên đặt chân trên đảo là lực lượng thanh niên xung phong. Bởi vậy, 28 năm kể từ ngày thành lập, dân số trên đảo Bạch Long Vĩ có tuổi đời rất trẻ. Năm 2019, hòn đảo tiền tiêu này đã đón đứa trẻ thứ 100 chào đời nơi đây.

Khi biết có đoàn khách đến thăm trường, cô giáo Vũ Thị Hà - GV Trường Tiểu học - Mầm non Bạch Long Vĩ tỏ ra vui mừng, phấn khởi. Cô Hà đến trường từ rất sớm để chào đón đoàn khách. Cô nói trong niềm vui: “Chị biết các em ra đảo nhưng bận dạy nên không ra âu tàu đón tiếp được, thật tiếc quá”.

Trong những câu chuyện đời, chuyện nghề đan xen của cô Hà, tôi hiểu được tình yêu Bạch Long Vĩ trong người giáo viên ngoại tứ tuần này lớn đến nhường nào. Cô Hà kể, cô đến với Bạch Long Vĩ vì cái duyên, khi tình cờ gặp bác Chủ tịch huyện và được mời ra thăm đảo. Nhìn những đứa trẻ ngây thơ, cô Hà thương, yêu và muốn gắn bó với mảnh đất này để dạy dỗ chúng.

24 năm công tác trên đảo, cô Hà cũng như những giáo viên Trường Tiểu học - Mầm non Bạch Long Vĩ coi trường là nhà, đảo là quê hương thứ 2 và học trò là những đứa con ngoan của mình. Cô Hà kể, học trò ngoài đảo đa phần là con em bộ đội, công chức hoặc ngư dân đi biển.

Bố mẹ bận rộn, vất vả ít có thời gian quan tâm con, nên cả ngày lũ trẻ đều đến trường học tập, sinh hoạt cùng thầy cô. Vì thế, kể cả những ngày trống tiết cô Hà cũng như nhiều thầy cô giáo khác vẫn đến trường để dạy, chơi cùng học trò.

Thầy cô và phụ huynh học sinh thân thiết như ruột thịt. Hễ đi biển về, có con cá, mớ ốc lại mang biếu cô hoặc mời cô sang ăn cùng cho vui. Cứ như thế, tình làng nghĩa xóm quấn túm, chia ngọt sẻ bùi.

Hết giờ làm việc hoặc những ngày cuối tuần cô Hà còn đẩy hàng rong đi bán quanh xóm. Cô bán đủ thứ hàng phục vụ cho sinh hoạt của gia đình với giá không lợi nhuận, cô Hà gọi đó là “hàng bình ổn giá”.

Cô giáo Hà tâm sự: “Cuộc sống ngoài đảo chậm lắm, không vồ vập, vội vã như cuộc sống đô thị. Nếu có việc gia đình, chị vào đất liền vài ngày đã thấy cồn cào nhớ đảo”.

Lớp học ngoài đảo rộn vang tiếng cười.
 Lớp học ngoài đảo rộn vang tiếng cười.

Cống hiến sức trẻ 

Trong dịp tới Bạch Long Vĩ, tôi có dịp ngồi trò chuyện cùng bà Nguyễn Thị Bích, Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND huyện. Bà Bích là một trong 62 thanh niên xung phong đầu tiên ra xây dựng đảo từ năm 1993. Bà Bích kể, trước những năm 1992, trên đảo không có dân mà chỉ có lực lượng quân đội đóng chốt bảo vệ. Ngày 9/12/1992, Chính phủ ra Nghị định số 15 quy định thành lập huyện đảo Bạch Long Vĩ thuộc TP Hải Phòng. Năm 1993, 62 thanh niên xung phong được tàu của lực lượng Hải quân đưa ra đảo.

Ngày đó, đảo hoang sơ chỉ có vài dãy nhà của bộ đội, cây cối um tùm, chỉ có đá và cát trắng với những lối mòn. Cùng với đơn vị bộ đội, lực lượng thanh niên xung phong bắt tay xây dựng những ngôi nhà, rồi từng công trình, hạ tầng được xây lên. Tuy nguyên vật liệu xây dựng phải vận chuyển từ đất liền ra đảo vì thế mọi hoạt động khó khăn gấp nhiều lần trong điều kiện thiếu điện, khan hiếm nước ngọt.

Tuy nhiên với sức mạnh, ý chí của thanh niên, đến nay nhiều công trình như trường học, bệnh viện, trung tâm văn hóa, đền, chùa, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ được xây dựng trên đảo góp phần đáp ứng đời sống tâm linh của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, đồng thời cũng là những dấu tích khẳng định chủ quyền trên biển tại hòn đảo tiền tiêu này.

Anh Đồng Văn Cường - Trạm trưởng Trạm Hải đăng Bạch Long Vĩ lưu luyến chia tay đoàn khách.
Anh Đồng Văn Cường - Trạm trưởng Trạm Hải đăng Bạch Long Vĩ  lưu luyến chia tay đoàn khách.

Nhiều năm gắn bó với đảo Bạch Long Vĩ với công việc trông coi “ngọn đèn biển”, anh Đồng Văn Cường, Trạm trưởng Trạm Hải đăng Bạch Long Vĩ dần quen với cuộc sống đơn giản ngoài đảo xa. Vì xa nhà, xa người thân, nên anh Cường cũng như anh em ở trạm rất “khát” người.

Mỗi khi có đoàn khách trong đất liền ghé thăm, anh Cường luôn đon đả đón chào. Anh giới thiệu cho khách thăm về cây đèn biển, về vẻ đẹp của đảo với những thăng trầm, sóng gió nơi trùng khơi.

Anh Cường cho biết, ngoài đảo thiếu thốn nhiều so với đất liền nhưng điều mà nơi đây luôn sẵn đó là tình người. Anh em trong trạm như người thân. Mỗi lần ở trong đất liền có người thân ra thăm hoặc anh em ở trạm nghỉ phép ra đảo là mọi người lại xúm nhau lại nghe kể chuyện.

Ông Trần Quang Tường, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vĩ thông tin, dân số của đảo trên 600 người nhưng Bạch Long Vĩ có lực lượng quân sự đông gấp nhiều lần. Dù huyện đảo nhỏ nhưng có hạ tầng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Huyện có cả sân đỗ trực thăng và luôn giữ kỉ lục về các đoàn khách cấp cao Nhà nước tới thăm. Ngoài mục tiêu phát triển hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn phía Bắc, huyện có định hướng phát triển du lịch, đầu tư đóng tàu mới để rút ngắn thời gian ra đảo.

Được biết, từ đầu năm 2018, Tổng đội Thanh niên xung phong Hải Phòng đã tổ chức 2 đoàn khách gồm 160 người đi du lịch tới Bạch Long Vĩ. Tour du lịch khá độc đáo này đang có giá 2,5 triệu đồng/khách và đi 2 ngày 1 đêm. Theo tính toán, thời gian thích hợp nhất ra đảo là tháng 3, 4, 5 và 6 trong năm, thời điểm này ít mưa bão thuận lợi cho tàu di chuyển.

Các tour du lịch ra đảo Bạch Long Vĩ chỉ nhận khách trong nước và không đặt nặng mục đích kinh doanh, nhưng cũng sẽ có tác động tốt đến sự phát triển kinh tế của huyện đảo, đặc biệt sẽ tạo điều kiện cho người dân cả nước có cơ hội thăm đảo, ông Tường cho hay.

Huyện đảo Bạch Long Vĩ được thành lập từ năm 1992. Đến nay, hòn đảo nhỏ này có hạ tầng đầy đủ với điện, đường, trường, trạm với dân số trên 600 người. Một sự kiện quan trọng đánh dấu sự phát triển của Bạch Long Vĩ là vào 13/7 vừa qua, hạng mục Hồ chứa nước ngọt thuộc Dự án đầu tư xây dựng Hồ chứa nước ngọt, hệ thống thủy lợi phục vụ cấp nước cho đảo Bạch Long Vĩ (giai đoạn I) đã được khánh thành. Dự án đầu tư xây dựng Hồ chứa nước ngọt nhằm bổ sung vào nguồn nước ngọt hiện có trên đảo, qua đó, khuyến khích dân ra định cư, phát triển kinh tế - xã hội trên đảo và bảo vệ an ninh chủ quyền vùng biển đảo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ