Giáo viên tích cực đổi mới, sáng tạo sẽ có những giờ học hay, tiết học tốt

GD&TĐ - Đó là bộc bạch của cô Nguyễn Thị Thu Hằng – Giáo viên Trường Tiểu học Nông nghiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội), tác giả đoạt giải cuộc thi Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác năm học 2020-2021.

Cô Nguyễn Thị Thu Hằng bên học trò thân yêu.
Cô Nguyễn Thị Thu Hằng bên học trò thân yêu.

Lan tỏa những việc làm tốt, hành động đẹp

Tham gia cuộc thi viết về “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” năm học 2020-2021 với tác phẩm “Cô giáo Đỗ Thị Hoàng Mai: Một tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác", cô Nguyễn Thị Thu Hằng chia sẻ: Tôi rất bất ngờ, vui, tự hào và vinh dự khi biết bài viết của mình đã được BTC cuộc thi đánh giá và ghi nhận. 

Theo cô Hằng, cuộc thi được tổ chức và triển khai sâu rộng tới đông đảo cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong các trường học ở thành phố Hà Nội nói chung và huyện Gia Lâm nói riêng là dịp để mỗi nhà giáo học sinh rèn luyện đạo đức, lối sống văn hóa, phong cách, tác phong làm việc theo tấm gương của Bác. Cuộc thi cũng giúp cho các nhà trường tìm những tấm gương điển hình tiêu biểu trong các phong trào thi đua để kịp thời động viên, khích lệ và lan tỏa những việc làm tốt, hành động đẹp tới bạn bè, đồng nghiệp.

Cô Nguyễn Thị Thu Hằng.

Cô Nguyễn Thị Thu Hằng.

Ở ngôi trường Tiểu học Nông nghiệp, bên cạnh các thầy cô giáo đang ngày đêm miệt mài, tận tụy với công việc, tâm huyết với nghề không thể không kể đến cô giáo Đỗ Thị Hoàng Mai, một giáo viên luôn tràn đầy nhiệt huyết, hăng say chuyên môn, có uy tín với đồng nghiệp, được phụ huynh và học sinh tin yêu. Cô giáo Hoàng Mai là một nhân vật có thật, việc thật đã được cô Nguyễn Thị Thu Hằng “phác họa” sâu sắc trong tác phẩm dự thi của mình.

Cô Hằng bày tỏ: Bản thân tôi và cô Mai là chị em sống cùng tổ dân phố và đồng nghiệp được hơn chục năm nên tôi hiểu và nắm được rất rõ sự nhiệt tình, tâm huyết, yêu nghề, mến trẻ của cô. Tôi rất ngưỡng mộ và khâm phục tài năng và sự sáng tạo không mệt mỏi của cô Mai trong công việc. Ngoài ra, cô luôn là người dạy học truyền cảm hứng và tan tỏa sự sáng tạo của mình tới đồng nghiệp trong và ngoài nhà trường.

Học theo Bác để không ngừng đổi mới, sáng tạo

Tốt nghiệp trường Đại học Thể dục thể thao Từ Sơn - Bắc Ninh, năm 1997 cô Nguyễn Thị Thu Hằng nhận công tác tại trường THCS Bát Tràng. Từ năm 2003 đến nay, cô công tác tại Trường Tiểu học Nông nghiệp.

Viết về tấm gương nhà giáo tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác, bản thân cô Hằng cũng luôn nỗ lực đổi mới, phát huy năng lực, lòng yêu nghề để dạy học, rèn luyện học sinh đạt chất lượng, hiệu quả. Nhiều năm, cô được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp huyện, Giáo viên dạy giỏi cấp huyện, đạt danh hiệu “Người tốt, việc tốt” huyện Gia Lâm, là Chủ tịch công đoàn tiêu biểu…

Nhìn nhận về tầm quan trọng của sự đổi mới, sáng tạo, tâm huyết, học và làm theo lời Bác với nghề dạy học, cô Hằng cho biết: Việc đổi mới, sáng tạo với mỗi giáo viên vô cùng cần thiết; đòi hỏi người giáo viên phải thực hiện thường xuyên và liên tục. Giáo viên có tích cực đổi mới và sáng tạo trong từng tiết học thì mới có được những tiết học hay, giờ học tốt; học sinh mới tích cực, tự giác tham gia các hoạt động. Qua đó, giáo viên sẽ đạt được mục tiêu của bài học. Chất lượng dạy học ngày một nâng cao.

Cô Nguyễn Thị Thu Hằng đổi mới, sáng tạo trong các giờ dạy thể dục.

Cô Nguyễn Thị Thu Hằng đổi mới, sáng tạo trong các giờ dạy thể dục.

Theo cô Hằng, làm việc gì cũng vậy, nếu chúng ta tâm huyết thì sẽ đạt hiệu quả công việc cao. Người giáo viên tâm huyết trong giảng dạy thì sẽ luôn sáng tạo, đổi mới không ngừng để làm mới các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học phù hợp với nội dung chương trình, sách giáo khoa nhất là trong thời điểm chúng ta đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cô Hằng bộc bạch: "Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta đã đi xa nhưng những câu chuyện, những bài học, những việc làm, những cử chỉ, hành động của Bác lúc sinh thời đã có ý nghĩa giáo dục sâu sắc cho các thế hệ người dân Việt Nam. Việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách của Bác không những giúp cho giáo viên có đạo đức tốt, lối sống giản dị, chân thật mà còn có tác phong làm việc khoa học, nghiêm túc… Đó là những phẩm chất không thể thiếu của mỗi giáo viên. Chúng ta cần tiếp tục phấn đấu, học tập và làm theo lời Bác để để gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp của nghề giáo mà các thế hệ cha anh đã để lại".

Là giáo viên dạy môn Giáo dục thể chất, qua nhiều năm công tác, cô Hằng luôn tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, đồng thời thường xuyên và tích cực đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp dạy học cho phù hợp với từng đối tượng học sinh.

“Mỗi giờ lên lớp, tôi thường tổ chức cho học sinh tham gia các bài khởi động hấp dẫn, các trò chơi sinh động, các động tác thể dục theo nhạc nhẹ nhàng giúp cho học sinh được thư giãn và cảm thấy yêu thích môn học”- cô Hằng chia sẻ.

“Những tấm gương được tôn vinh trong các bài viết đã giúp tôi và đồng nghiệp nhìn nhận và đánh giá lại những việc mình đã làm. Từ đó tạo động lực để chúng tôi tiếp tục rèn luyện, học tập và phấn đấu, không ngừng đổi mới sáng tạo trong giảng dạy, tâm huyết với nghề cùng với nhà trường hoàn thành nhiệm vụ năm học”- cô Nguyễn Thị Thu Hằng nhìn nhận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ