Giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn - Hà Nội trước nguy cơ mất việc: Công đoàn Giáo dục đề nghị có chính sách ưu tiên

GD&TĐ - Trước việc 256 giáo viên TH, THCS tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) kêu cứu vì có nguy cơ bị ra khỏi ngành, Công đoàn GD Việt Nam đã có văn bản đề nghị UBND thành phố Hà Nội có chính sách ưu tiên thích hợp hoặc xem xét đặc cách đối với các giáo viên.

Các giáo viên ở Sóc Sơn đang rất lo lắng trước kỳ thi viên chức Ảnh: T.G
Các giáo viên ở Sóc Sơn đang rất lo lắng trước kỳ thi viên chức Ảnh: T.G

Lo lắng trước kỳ thi

Tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội 2 năm 1993, cô Lê Thị Thu Nguyệt về dạy văn tại Trường THCS Minh Phú, một trong những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn của huyện Sóc Sơn. Khi đó, địa phương đón những giáo viên như cô Nguyệt giống những “người hùng”, đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để họ yên tâm công tác.

Trong suốt 26 năm qua, cô Nguyệt đã rất nỗ lực, đạt nhiều thành tích trong giảng dạy, nhưng cũng chưa bao giờ có một đợt thi tuyển viên chức nào vì vướng điều kiện “thi viên chức của huyện là phải có hộ khẩu Hà Nội”. Vì thế, suốt 26 năm, mặc dù chỉ là giáo viên hợp đồng, nhưng cô vẫn nỗ lực vì tình yêu với nghề.

Sau nhiều năm phấn đấu, giờ đây cô Nguyệt có khả năng sẽ mất việc sau kỳ thi viên chức sắp tới. Cô Nguyệt cho biết: Theo quy định, trước khi thi chuyên môn ở vòng hai sẽ phải thi tiếng Anh ở vòng một, môn mà chúng tôi không dùng đến trong nhiều năm qua, thậm chí có người trước đây còn không được học. Chúng tôi làm sao có thể so sánh về ngoại ngữ với những thế hệ trẻ hơn. Vì thế, nếu thi thì chúng tôi chắc sẽ trượt ngay từ vòng một.

Đây cũng là nỗi lòng chung của 256 giáo viên đang dạy hợp đồng tại huyện Sóc Sơn trước quyết định phải tham gia kỳ thi viên chức sắp tới. Các giáo viên cho rằng việc phải thi tiếng Anh là môn điều kiện để tham dự tiếp vào vòng hai là nhiệm vụ bất khả thi đối với họ.

Thầy Nguyễn Văn Nam - giáo viên Trường THCS Xuân Giang tâm sự: Tôi mong muốn các cấp lãnh đạo xét đặc cách, nhất là đối với các giảng viên cao tuổi, đã có thâm niên công tác và cống hiến nhiều năm. Quá trình cống hiến của họ xứng đáng với một kỳ thi viên chức, xứng đáng được đặc cách. Bởi vì, bài thi viên chức là bước đầu đánh giá một cử nhân nào đó có trình độ, năng lực chứ không đánh giá được toàn bộ phẩm chất của một giáo viên.

Ông Lê Hữu Mạnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho rằng, việc thi viên chức là chưa công bằng với giáo viên có thời gian công tác lâu năm, nhưng việc thực hiện xét tuyển không thuộc thẩm quyền của huyện. Vào ngày 21/1/2019, UBND huyện Sóc Sơn đã có văn bản đề nghị Sở Nội vụ Hà Nội điều chỉnh lại chỉ tiêu tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2018. Trong đó, đề nghị số chỉ tiêu xét tuyển đặc biệt đối với 256 trường hợp giáo viên kể trên bên cạnh số chỉ tiêu đề nghị thi tuyển là 429 người. Tuy nhiên, đề nghị này vẫn chưa được Sở Nội vụ Hà Nội trả lời.

Xét đặc cách hoặc có chính sách ưu tiên thích hợp

Trao đổi với báo GD&TĐ, ông Vũ Minh Đức - Chủ tịch Công đoàn GD Việt Nam cho biết: Công đoàn GD Việt Nam đã nhận được đơn kêu cứu của các giáo viên ở Sóc Sơn và đã có công văn đề nghị lãnh đạo thành phố Hà Nội xem xét đặc cách cho họ.

Ông Đức cho rằng việc thực hiện chủ trương và các quy định hiện hành của Chính phủ về thi tuyển viên chức để bảo đảm đội ngũ giáo viên có chất lượng tốt, đạt chuẩn về trình độ, chuẩn nghề nghiệp nhất định là việc làm đúng và cần thiết. Tuy nhiên, trong điều kiện cụ thể với những giáo viên đã có nhiều năm công tác trong ngành, để có sự ghi nhận đối với quá trình cống hiến cho ngành Giáo dục, tạo được sự đồng thuận, tin tưởng của người lao động khi thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước, Công đoàn GD Việt Nam đề nghị thành phố Hà Nội quan tâm, có giải pháp để có thể xem xét đặc cách hoặc có chính sách ưu tiên thích hợp trong quá trình thi tuyển viên chức.

Đối tượng xem xét là các giáo viên tham gia giảng dạy lâu năm, tâm huyết với nghề, có trình độ chuyên môn tốt, dạy giỏi các cấp, có nhiều thành tích trong công tác, tham gia công tác quản lý, từ tổ trưởng các tổ chuyên môn trở lên, cán bộ công đoàn từ tổ trưởng tổ công đoàn trở lên, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn.

Chia sẻ và ghi nhận 256 thầy cô đã cống hiến nhiều năm với nền giáo dục địa phương, ông Vũ Minh Đức cho biết: Sẽ rất khó có thể tuyển hết 256 giáo viên hợp đồng tại Sóc Sơn. Bởi việc thi tuyển hiện nay yêu cầu chuẩn trình độ, chuẩn nghề nghiệp, giáo viên dù có kinh nghiệm nhiều năm dạy học cùng thi tuyển viên chức với các giáo viên trẻ cũng khó thi được.

Do đó, Công đoàn GD Việt Nam đề xuất, đối với số giáo viên không trúng tuyển nhưng đã có thời gian công tác trong ngành Giáo dục nhiều năm thì xem xét, tiếp tục ký hợp đồng và bố trí ở những nơi còn thiếu. Còn đối với những người không trúng tuyển và không bố trí được thì ngoài các chế độ theo quy định của Nhà nước, cần có sự quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ để họ có cơ hội chuyên đổi công việc, tìm kiếm việc làm mới, sớm ổn định cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ