Giáo viên xếp bút nghiên vào tâm dịch: "Con ở nhà ngoan, hết dịch mẹ về!"

GD&TĐ - Biết vào “tâm dịch” sẽ “lành ít, dữ nhiều”, song hàng chục giáo viên vẫn quyết tâm đi. Vừa “nhận lệnh”, quần áo vo viên đút túi, ngoái đầu dặn lại con thơ: “Con ở nhà ngoan… khi nào hết dịch mẹ sẽ về!”.

Cung cấp thức ăn cho học sinh tại một điểm cách ly tập trung ở Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
Cung cấp thức ăn cho học sinh tại một điểm cách ly tập trung ở Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên

Nghẹn ngào ra đi vội vã…

Dù đang thuộc diện F3, chị Lương Thị Liên (giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Chà Tở, xã Chà Tở, huyện Nậm Pồ, Điện Biên) vẫn quyết tâm đi sau lời kêu gọi toàn ngành chung tay chống dịch của Phòng GD&ĐT huyện. Biết rằng vào đó “lành ít, dữ nhiều”, song vì hàng trăm đồng nghiệp và trẻ thơ đang chờ, chị Liên một mực "dứt áo ra đi".

“Từ lời kêu gọi của huyện và của ngành, chúng tôi tình nguyện xin sang xã bạn để hỗ trợ chống dịch thôi. Con tôi mới 4 tuổi, xa con cũng nhớ lắm. Nhưng biết làm sao được vì lúc đó chúng tôi chẳng có nhiều thời gian để đắn đo, suy tính. Gia đình cũng chẳng muốn cho đi, nhưng không ai dám nói gì bởi bố mẹ biết tính tôi rồi, nói là làm, không ai có thể can ngăn được”, chị Liên nhớ lại.

“Tôi cũng chỉ kịp vo quần áo lại, cho vào túi rồi đi. Trước khi đi, tôi mang con sang nhờ ông bà chăm hộ trong lúc vắng nhà vì chồng tôi ở xa, không chăm cháu được. Con tôi cứ hỏi: “Khi nào mẹ về?”. Tôi chỉ kịp dặn lại: Con ở nhà ngoan, khi nào hết dịch, mẹ sẽ về!”, chị Liên nghẹn ngào nhớ lại.

Thực phẩm của nhân dân hỗ trợ cho các khu cách ly được vận chuyển đến mỗi ngày
Thực phẩm của nhân dân hỗ trợ cho các khu cách ly được vận chuyển đến mỗi ngày

Khi dịch bùng phát dữ dội, huyện Nậm Pồ có hàng nghìn giáo viên, học sinh và người dân thuộc diện F1 phải vào khu cách ly tập trung. Khi đó, ở 15 khu cách ly, tất cả thiếu thốn đủ bề. Ngành GD&ĐT huyện phải kêu gọi giáo viên tình nguyện vào hỗ trợ chống dịch. Xã Chà Tở có 15 giáo viên tình nguyện xin đi. Chị Liên được bố trí ở tổ cấp dưỡng.

“Chắc suốt đời tôi không thể quên được những kỉ niệm đó. Buổi đầu tiên, nhiệm vụ của chúng tôi là nấu ăn, chuyển thức ăn vào cho đồng nghiệp và học sinh F1. Mỗi bữa chuẩn bị 200 suất ăn, thế mà trong bếp không còn thanh củi nào. Bếp ga lúc đó các nhà tài trợ chưa chuyển đến. Tôi huy động mọi người ra bìa rừng nhặt củi khô song cũng chẳng được bao nhiêu. Tôi cùng mọi người kêu gọi lên trang facebook cá nhân xin bà con hỗ trợ. Thật bất ngờ, chỉ sau 3 tiếng kêu gọi, bà con mỗi nhà góp một chút, thế là có đủ 10m3 củi để nấu ăn”, chị Liên kể.

Cứ thế, thấm thoắt đã 29 ngày trôi qua, cô Liên cùng đồng nghiệp cứ ngày lại ngày nhận thực phẩm, lên thực đơn rồi mỗi người mỗi việc lo toan bếp núc vẹn toàn. Các cô chỉ muốn mỗi ngày đưa vào khu cách ly chừng 600 suất ăn có đủ dinh dưỡng, đảm bảo an toàn để đồng nghiệp và học sinh có sức khỏe chống chọi với bệnh tật. Họ chẳng đoái hoài đến quyền lợi của bản thân, chấp nhận “ăn xó, nằm bếp” đợi dịch qua mau.

Mỗi ngày, hàng nghìn suất cơm đảm bảo dinh dưỡng được giáo viên và cán bộ, nhân dân trong huyện hỗ trợ chuẩn bị
Mỗi ngày, hàng nghìn suất cơm đảm bảo dinh dưỡng được giáo viên và cán bộ, nhân dân trong huyện hỗ trợ chuẩn bị

Thương quá… vì các cháu cũng như con mình!

Cho đến tận hôm nay, cô Liên vẫn không quên được hình ảnh hai bạn học sinh nghèo trong khu cách ly. Đó là chị em Vừ Thị Hà (lớp 5) và Vừ A Chung (lớp 2). Cả hai chị em diện F1, phải chăm sóc nhau trong suốt thời gian cách ly.

“Nghĩ mà rơi nước mắt anh (PV) ạ! Trời thì nóng, dịch bệnh phức tạp như thế mà hai cháu phải xa bố mẹ, chăm sóc cho nhau dưới sự hướng dẫn của một cô giáo F1 tình nguyện vào đó hỗ trợ. Hôm hoàn thành cách ly, hai chị em cứ đứng bơ vơ đợi người thân đến đón. Nhà các cháu ở bản, bố mẹ đi nương xa, chúng em gọi mãi mà chẳng liên lạc được nên mới quyết tâm đợi, khi nào người nhà đón thì mới yên tâm. Nghĩ cho cùng thì các cháu cũng như con của chúng em thôi!”, cô Liên rơm rớm nước mắt.

“Có một cháu bé tầm 2 tuổi, lúc mọi người lấy đồ về hết, theo phản xạ tự nhiên, cháu ấy cũng chạy đến, ôm lấy cái ấm siêu tốc rồi cứ đứng ở cửa như thể đợi người nhà. Em có hỏi: "Con có muốn về nhà không?" Thì cháu bảo: "Không, con ở đây để học thôi! Khổ, trẻ con không biết gì". Cháu ấy nghĩ là vẫn đang đi học”, cô Liên cười nhẹ.

Cháu bé 2 tuổi cầm theo ấm siêu tốc bơ vơ tại khu cách ly
Cháu bé 2 tuổi cầm theo ấm siêu tốc bơ vơ tại khu cách ly

Nghe tin đám trẻ ở khu cách ly tại xã Chà Nưa khóc nhiều lắm. Hôm qua Cà Văn Nguyễn (Sn 2014) ngã giường rồi lại thiếp đi vì mệt và buồn ngủ. Hôm nay em Giàng Thị Pà lại bị ngã, phải khâu 3 mũi ở đầu… cô Lò Thị Mến (giáo viên trường Mầm non Si Pa Phìn, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ) cảm thấy xót xa.

Một ngày qua đi, cô Mến lại thêm trăn trở, lo âu thêm ngày đó vì cô luôn nghĩ về đứa con thơ mới tròn 3 tuổi tên Lò Điêu Chính Vĩnh Thiên. Chồng cô và Vĩnh Thiên cũng đang thực hiện cách ly tại Trường THCS Phìn Hồ, giáp ranh với xã Si Pa Phìn.

"Cả nhà em đều thuộc diện cách ly, mỗi người một nơi. Khi nghe tin các con ở khu cách ly trường Tiểu học Chà Nưa, xã Chà Nưa rất vất vả khi lần đầu xa nhà, các cháu khóc và chẳng chịu ăn thì em đã tình nguyện xin vào đó để hỗ trợ chăm sóc. Em nghĩ đơn giản rằng các con cũng như con em thôi”, cô Mến kể.

Dân bản gom củi đến để ủng hộ tại các khu cách ly
Dân bản gom củi đến để ủng hộ tại các khu cách ly

Cô Mến thuộc diện F1, vào khu cách ly tập trung ở trường PTDTBT Tiểu học Tân Phong (xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ) hôm 15/5. Ba ngày sau thì xin chuyển sang xã bên cạnh, đó là Chà Nưa.

“Ở đây em có trách nhiệm quản lý 1 khu riêng biệt với 24 cháu đều diện F1. Em cũng nghĩ, thôi thì đằng nào mình cũng nằm trong nhóm có nguy cơ cao rồi, các cháu cũng thế, nguy cơ lây chéo hoàn toàn có thể xảy ra, song sức khỏe ban đầu của các cháu là trên hết. Em nghĩ mình chăm các con ở đây thì ở các khu kia, đồng nghiệp mình sẽ lại giúp đỡ con mình như vậy thôi!”, cô Mến kể tiếp.

Thời điểm cô vào khu cách ly mới thì Giàng Thị Pà vừa bị ngã từ trên giường tầng xuống trong buổi đêm hôm trước. Pà không quen nên khi ngủ say đã bị rơi xuống đất, phải khâu 3 mũi trên đầu. Sau thời gian theo dõi, giám sát và hướng dẫn các em nề nếp, học sinh đã rèn được thói quen ngăn nắp, gọn gàng và không còn lo sợ nữa.

“Nhiều kỷ niệm lắm anh ạ!, nghĩ vừa buồn cười, vừa thương các con. Có đêm nằm ngủ, em Lờ Thị Mai Lan còn vùng dậy rồi khóc to bởi nhớ nhà. Em bấm máy, gọi video về cho phụ huynh. Bố con nói chuyện với nhau cả tiếng đồng hồ như thể lâu lắm chẳng được gặp. Sau khi bố, mẹ và cô khuyên thì Lan yên tâm ở lại. Ở các khu cách ly tại đây, chúng em tuy là giáo viên mầm non nhưng đã “thuần hóa” được hết các con ở cấp tiểu học rồi!”, cô Mến nói thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống TOS-1A hoạt động trong chiến dịch quân sự đặc biệt.

Vệ sĩ đặc biệt của pháo nhiệt áp TOS

GD&TĐ - Theo RIA, những hệ thống pháo nhiệt áp TOS Solntsepyok của Nga sẽ miễn nhiễm với các cuộc tấn công của UAV do được bảo vệ bởi hệ thống EW đặc biệt.