Giao lưu trực tuyến “Bữa ăn học đường: An toàn và đảm bảo dinh dưỡng”

Giao lưu trực tuyến “Bữa ăn học đường: An toàn và đảm bảo dinh dưỡng” do Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức từ 9h-10h30 ngày 3/12/2020.

Giao lưu trực tuyến “Bữa ăn học đường: An toàn và đảm bảo dinh dưỡng”

Khách mời là chuyên gia, cán bộ quản lý ngành, cơ sở giáo dục chia sẻ cách làm, giải pháp để mang đến cho HS bữa ăn an toàn, đủ đầy dinh dưỡng.

Giao lưu có sự tham gia của:

-Ông Phạm Khương Duy, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc;

-Bà Lê Thị Nga, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ, Hà Nội;

-TS. BS Vũ Thị Thanh, Trung tâm Dinh dưỡng, Bệnh viện Bạch Mai.

Những năm gần đây, tỷ lệ HS các cấp học ăn bán trú tại trường  ngày càng tăng. Điều này đòi hỏi công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trường học, đặc biệt là bữa ăn học đường phải được quan tâm đúng mức, coi đây là nhiệm vụ quan trọng bên cạnh việc dạy và học

Cùng với tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, công tác VSATTP được các ngành chức, nhà trường đặc biệt chú trọng. Trong đó, hầu hết các trường đã thành lập ban chỉ đạo ATVSTP; thực phẩm, suất ăn có sự tham gia của phụ huynh học sinh…

Tuy nhiên, đây đó vẫn xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học, khiến phụ huynh không khỏi lo lắng. Công tác thanh tra, kiểm tra của lực lượng chức năng ở nhiều trường học đôi khi vẫn tồn tại những lỗ hổng. Công tác quản lý, giám sát bếp ăn bán trú của một số trường chưa được thường xuyên; vẫn còn tình trạng để lẫn thực phẩm sống - chín; đơn vị cung ứng không thực hiện đúng cam kết bảo đảm ATTP...

Bạn đọc có thể gửi câu hỏi tới các khách mời tại đây, hoặc gửi email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com, hoặc tương tác qua facebook: www.fb.com/giaoducthoidai.

Giao lưu trực tuyến “Bữa ăn học đường: An toàn và đảm bảo dinh dưỡng” ảnh 1
TS. BS Vũ Thị Thanh

TS. BS Vũ Thị Thanh

Trung tâm Dinh dưỡng, Bệnh viện Bạch Mai

Ông Phạm Khương Duy

Ông Phạm Khương Duy

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc

Bà Lê Thị Nga

Bà Lê Thị Nga

Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ, Hà Nội

Bạn đọc

Bạn minhquang@...:

Thực hiện Chương trình GDPT mới với lớp 1, tới đây là lớp 2 và lớp 6, HS học 2 buổi/ngày, ăn bán trú tại trường. Vậy ngành GD Vĩnh Phúc đã chuẩn bị những điều kiện gì để đáp ứng yêu cầu trên, đặc biệt tại khu vực đông dân cư, nhiều khu công nghiệp?
Ông Phạm Khương Duy

Ông Phạm Khương Duy

Thực hiện Chương trình GDPT mới năm học 2020-2021 đối với lớp 1, năm học 2021-2022 là lớp 2 và lớp 6.

Trong đó một số học sinh tiểu học ăn bán trú tại trường (47,1%) bên cạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, đảm bảo đáp ứng yêu cầu trong việc dạy và học theo Chương trình mới, Sở GD&ĐT cũng đặc biệt quan tâm đến việc rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp, đề xuất với UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố tích cực đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà trường đáp ứng yêu cầu dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới và đáp ứng nhu cầu ăn bán trú của học sinh tiểu học.

 Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản số 807/TTr-SGDĐT ngày 22/6/2020 trình UBND tỉnh cho phép đầu tư 27 nhà ăn bán trú cho 27 trường tiểu học và 27 công trình sân thể thao ngoài trời cho 27 trường THCS tại 9 huyện, thành phố, nội dung này UBND tỉnh đang giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Giáo duc và Đào tạo, UBND các huyện thành phố kiểm tra các điều kiện báo cáo UBND tỉnh quyết định.

Bạn đọc

Bạn tranloan@...:

Hiệu trưởng đóng vai trò quan trọng trong điều hành, kiểm soát chất lượng bữa ăn bán trú. Công tác bồi dưỡng, tập huấn với đội ngũ này thực hiện thế nào. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở GD khi không may xảy ra ngộ độc?
Ông Phạm Khương Duy

Ông Phạm Khương Duy

Công tác bồi dưỡng, tập huấn đối với nâng cao vai trò trong điều hành, kiểm soát chất lượng bữa ăn bán trú của hiệu trưởng các nhà trường được Sở và các Phòng GD&ĐT tổ chức thường xuyên trong các dịp hè và trong năm học. Sở cũng quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục khi không may xảy ra ngộ độc nên lãnh đạo các nhà trường đều nêu cao ý thức trong việc phòng ngừa rủi ro. Có biện pháp cụ thể để kiểm soát chất lượng bữa ăn và vệ sinh an toàn thực phẩm ngay tại cơ sở giáo dục do mình quản lý.

Bạn đọc

Bạn vankhanh@gmail.com:

Nhiều trẻ chưa có kiến thức cần thiết về bữa ăn đủ dinh dưỡng. Thưa bác sĩ, bữa ăn học đường có phải cơ hội giúp trẻ thay đổi nhận thức về dinh dưỡng không?
TS. BS Vũ Thị Thanh

TS. BS Vũ Thị Thanh

Ở trường, trẻ cũng được tiếp cận kiến thức về dinh dưỡng qua một số môn học như Khoa học (Tiểu học) và Công nghệ (THCS).

Bên cạnh đó, nhà trường và gia đình có thể phối hợp lồng ghép giữa lý thuyết và thực hành. Có thể tổ chức các buổi thực hành để trẻ hiểu rõ hơn về bữa ăn đủ dinh dưỡng là thế nào. Hoặc, trước bữa ăn (đối với trẻ bán trú), giáo viên có thể phân tích ý nghĩa bữa ăn, các chất trẻ được ăn trong bữa. Qua đó, giúp các con hiểu hơn về bữa ăn đủ dinh dưỡng.

Giao lưu trực tuyến “Bữa ăn học đường: An toàn và đảm bảo dinh dưỡng” ảnh 11

 

Bạn đọc

Bạn Hà Thị Thanh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội:

Theo bà, cơ chế giám sát việc đảm bảo VSATTP học đường cần được triển khai thế nào cho hiệu quả và phù hợp với thực tế giáo dục, chăm sóc HS của các nhà trường?
Bà Lê Thị Nga

Bà Lê Thị Nga

Đại biểu thăm quan gian trưng bày tại Ngày hội dinh dưỡng quận Tây Hồ.
Đại biểu thăm quan gian trưng bày tại Ngày hội dinh dưỡng quận Tây Hồ.

 

Để quản lý và giám sát an toàn thực phẩm trong trường học, chất lượng bữa ăn bán trú đảm bảo đúng qui định, các trường cần phối hợp với các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn để làm sao cung cấp thực phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn, đủ chất dinh dưỡng cho học sinh.

Trong đó, cần tăng cường việc phối hợp với phụ huynh học sinh để thống nhất kế hoạch giám sát, kiểm tra và đánh giá các tiêu chuẩn, chất lượng bữa ăn của học sinh với mục tiêu đảm bảo đủ dinh dưỡng tốt nhất cho các em.

Các trường kiểm soát, bảo đảm thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn, nhà ăn, cơ sở cung cấp suất ăn cho học sinh, căng tin trong trường học bảo đảm an toàn theo quy định, tuân thủ quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, sử dụng chất phụ gia thực phẩm.

Cơ chế giám sát còn cần đặt ra yêu cầu cao đối với đơn vị liên kết thứ 2 của đơn vị cung ứng thực phẩm. Thực phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng thông qua hóa đơn, chứng từ của cơ sở sản xuất, chế biến, phân phối, phải đạt các chuẩn quy định, được ban kiểm soát chất lượng ATTP kiểm duyệt hồ sơ và thẩm duyệt thực địa thực tế. Yêu cầu có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc các giấy chứng nhận quan trọng khác về an toàn thực phẩm.

Bạn đọc

Bạn tuedang@gmail.com:

Bữa ăn đảm bảo an toàn thực phẩm cần đảm bảo các khâu nào, thưa bác sĩ?
TS. BS Vũ Thị Thanh

TS. BS Vũ Thị Thanh

Bữa ăn đảm bảo an toàn thực phẩm cần đảm bảo về khâu lựa chọn thực phẩm, khâu chế biến và khâu phân phối, thời gian để thực phẩm.

Ví dụ, nếu thực phẩm chất lượng, nhưng khâu chế biến không đảm bảo vệ sinh cũng có thể gây ra nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, thực phẩm nên được chế biến trong ngày.

Bạn đọc

Bạn honghoa@...:

Gần đây, tình trạng ngộ độc thực phẩm liên quan đến bữa ăn bán trú xảy ra tại nhiều địa phương. Vĩnh Phúc đã ghi nhận trường hợp nào chưa và biện pháp chấn chỉnh thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Khương Duy

Ông Phạm Khương Duy

Với sự chỉ đạo nghiêm túc, quyết liệt của Sở GD&ĐT, các Phòng GD&ĐT đối với nhà trường, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc không xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm trong các nhà trường. Tuy nhiên, chúng tôi luôn nhận thức rằng, vẫn còn nguy cơ tiềm ẩn có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm nếu như không kiểm soát tốt về nguồn gốc thực phẩm và công tác chế biến thực phẩm, do vậy, Sở GD&DDT Vĩnh Phúc thường xuyên chỉ đạo, phối hợp với cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm soát nguồn thực phẩm chế biến bữa ăn học đường cho các em học sinh bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ của thực phẩm đảm bảo chất lượng và giàu chất dinh dưỡng. Yêu cầu các nhà trường thực hiện việc lưu mẫu thức ăn, sổ kiểm thực đủ ba bước theo quy định, việc làm này sẽ giúp truy xuất được nguồn thực phẩm khi cần thiết. Các nhà trường phối hợp hội cha mẹ học sinh, ban giám sát ATTP, công đoàn, cán bộ y tế nhà trường… kiểm tra thường xuyên, đột xuất về nguồn gốc thực phẩm, khâu vệ sinh, chất lượng bữa ăn cho học sinh tại bếp ăn bán trú nhằm hạn chế tình trạng thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, an toàn.

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường học ở Vĩnh Phúc luôn được đảm bảo.

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường học ở Vĩnh Phúc luôn được đảm bảo.

Bạn đọc

Bạn Tuanvu77@gmail.com:

Việc xây dựng thực đơn theo mùa cần các nhà trường quan tâm thế nào để đảm bảo có những bữa ăn học đường an toàn, đảm bảo dinh dưỡng, thưa bà?
Bà Lê Thị Nga

Bà Lê Thị Nga

Việc xây dựng thực đơn theo mùa cần các nhà trường quan tâm để luôn đảm bảo thực phẩm tươi ngon theo mùa, giá thành phù hợp, từ đó có thể thiết kế thực đơn phong phú giàu dinh dưỡng. Kỹ thuật chế biến các món ăn cũng cần đảm bảo  theo mùa (nóng hay lạnh) vừa đủ để trẻ có thể ăn ngon miệng, ấm áp mùa đông và mát mẻ mùa hè.

Mỗi trường học đều xây dựng riêng biệt thực đơn mùa đông- mùa hè để tổ chức bữa ăn bán trú phù hợp, an toàn và đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh. Đây là yếu tố quan trọng, cần thiết và luôn được duy trì tại các cơ sở giáo dục, là tiêu chí trong chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ một cách khoa học và hiệu quả.

Bạn đọc

Bạn phuckhang@gmail.com:

Nhiều trường hợp học sinh ngộ độc hàng loạt sau khi ăn tại trường. Theo bác sĩ, nhà trường và gia đình cần làm gì để ngăn ngừa những trường hợp đáng tiếc như vậy?
TS. BS Vũ Thị Thanh

TS. BS Vũ Thị Thanh

Nhà trường và phụ huynh cần phối hợp, yêu cầu công ty cung cấp suất ăn cho học sinh tuân thủ đúng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, cần chú trọng thực hiện kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm bằng các loại test của Bộ Công an bởi chúng ta không thể kiểm tra chất lượng thực phẩm bằng mắt thường.

Bạn đọc

Bạn honganh@...:

Một số địa phương, trường học công khai, minh bạch trong giám sát bữa ăn đường. Vậy tại Vĩnh Phúc, có quy định cụ thể nào về việc tham gia giám sát của phụ huynh, ban đại diện cha mẹ học sinh đối với bữa ăn học đường của trẻ không, thưa ông?
Ông Phạm Khương Duy

Ông Phạm Khương Duy

Ông Phạm Khương Duy (phải): Công khai, minh bạch trong giám sát bữa ăn học đường là việc cần thiết.
Ông Phạm Khương Duy (phải): Công khai, minh bạch trong giám sát bữa ăn học đường là việc cần thiết.

 

Công khai, minh bạch trong giám sát bữa ăn học đường là việc cần thiết.

Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc đã có văn bản số 1451/SGDĐT-GDTH ngày 30/11/2017 hướng dẫn tổ chức học 2 buổi/ngày và ăn bán trú tại các trường tiểu học trong văn bản đã quy định rất rõ về công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với tổ chức ăn bán trú, đồng thời Sở Giáo dục và Đào tạo rất khuyến khích Ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện tổ chức giám sát công tác bán trú, tham gia nấu ăn, kiểm tra thực phẩm, tổ chức cho trẻ ăn tại lớp, hỗ trợ xây dựng bếp ăn 1 chiều, đóng góp nâng cao mức ăn cho trẻ.

Bạn đọc

Bạn tuyetnhung@gmail.com:

Chào bác sĩ, con tôi đang học lớp 5 và hơi béo. Khi ăn bán trú ở trường, cháu thường đổi rau cho bạn khác để lấy thịt. Con cũng ăn khá nhiều khi ở nhà. Tôi nên làm gì để giúp con không béo phì?
TS. BS Vũ Thị Thanh

TS. BS Vũ Thị Thanh

Cha mẹ cần trao đổi với giáo viên chủ nhiệm và cô trông trưa. Các cô cần nhắc nhở trẻ không nên đổi thức ăn cho nhau. Khi đổi thức ăn cho nhau, con sẽ ăn không đa dạng, thừa chất này nhưng thiếu chất khác.

Để kiểm soát cân nặng, không gây thừa cân, béo phì ở trẻ, cha mẹ cần tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng. Nhờ vậy, có chế độ dinh dưỡng đúng, đủ, cũng như chế độ tập luyện.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể yêu cầu con cùng tham gia làm việc nhà, thay vì xem tivi, hoặc sử dụng các thiết bị điện tử khác.

Bạn đọc

Bạn Chi Mai, Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội:

Được biết nhiều trường MN trên địa bàn quận Tây Hồ đã tổ chức rất hiệu quả mô hình bữa ăn tự chọn (buffet) cho trẻ. Bà đánh giá thế nào về cách làm này, mô hình có nên nhân rộng không thưa bà?
Bà Lê Thị Nga

Bà Lê Thị Nga

Nhân viên nuôi dưỡng quận Tây Hồ thể hiện tay nghề chế biến bữa ăn học đường.
Nhân viên nuôi dưỡng quận Tây Hồ thể hiện tay nghề chế biến bữa ăn học đường.

Việc tổ chức bữa ăn tự chọn ở lứa tuổi mầm non nhằm đa dạng hóa bữa ăn, cho trẻ được mô phỏng hoạt động trong thế giới bé nhỏ của mình như người lớn sẽ là yếu tố giáo dục thật nhất và gần gũi nhất với trẻ.

Qua thực tế thấy rằng hiệu quả của mô hình này có thể nhân rộng. Trong bữa ăn buffet trẻ thường thấy hào hứng, hạnh phúc. Trẻ được ăn một cách thoải mái, tự nguyện. Các món ăn phong phú, giàu dinh dưỡng và có nhiều lựa chọn đa dạng. Trong quá trình ăn, trẻ rất vui vẻ, bữa ăn mang màu sắc ngày hội, trẻ có cảm giác mình đi ăn tiệc.

Giờ ăn buffeet giúp trẻ có kỹ năng văn minh trong ăn uống, kỹ năng tự phục vụ, biết lấy thức ăn vừa đủ, xếp hàng chờ đợi, nhường nhịn, chia sẻ thức ăn, đi lại nhẹ nhàng và biết lấy, cất đồ dùng ăn uống đúng vị trí quy định. Giúp trẻ có giao lưu, giao tiếp ứng xử văn minh.

Bạn đọc

Bạn Trần Thị An, quận Long Biên, Hà Nội:

Bà nghĩ sao về khái niệm: bữa ăn học đường hạnh phúc?
Bà Lê Thị Nga

Bà Lê Thị Nga

Bữa ăn trường học hạnh phúc là bữa ăn khiến trẻ cảm thấy hạnh phúc khi ngon miệng, có nhiều cảm xúc tích cực.

Trẻ cảm thấy các món ăn hấp dẫn, bắt mắt, đánh thức mọi giác quan của trẻ từ mùi thơm, vị vừa, màu sắc món ăn tươi đẹp, trình bày hấp dẫn sẽ là bữa ăn đủ dinh dưỡng, cung cấp năng lượng cho trẻ hoạt động hàng ngày, tăng sức đề kháng và sức khỏe cho trẻ. Bữa ăn mà trẻ thấy vui, được giao lưu cảm xúc, được quan tâm và yêu thương là điều mà các nhà trường cần quan tâm khi xây dựng và tổ chức bếp ăn học đường.

Bạn đọc

Bạn giangthanh@gmail.com:

Bác sĩ có thể chia sẻ cách giúp con chịu ăn các loại rau củ quả trong bữa ăn?
TS. BS Vũ Thị Thanh

TS. BS Vũ Thị Thanh

Cha mẹ cần chọn loại rau non. Cần chế biến theo 3 tiêu chí: Nhỏ, nhừ, mềm. Phụ huynh có thể tập cho con ăn ít rau lúc ban đầu, sau đó tăng dần lượng đạt theo quy định, tuỳ vào từng lứa tuổi.

Bạn đọc

Bạn hoanglamcva@gmail.com:

Ban đại diện cha mẹ học sinh có vai trò thế nào trong việc phối hợp với nhà trường thường xuyên kiểm tra chất lượng bữa ăn bán trú, thưa bà?
Bà Lê Thị Nga

Bà Lê Thị Nga

Trong Điều lệ hoạt động Ban đại diện CMHS của các trường đều có mục kiểm tra giám sát chất lượng bữa ăn bán trú. 

Theo lịch trình hoặc đột xuất đều có thể thực hiện được công tác giám sát kiểm tra này. Và đây là kênh thông tin tuyên truyền tốt nhất với nhân dân.

Bạn đọc

Bạn theson@gmail.com:

Con tôi không thích ăn cá và hải sản, chỉ thích ăn thịt gà và thịt lợn. Nếu chỉ ăn các loại thịt như vậy có đủ chất không thưa bác sĩ?
TS. BS Vũ Thị Thanh

TS. BS Vũ Thị Thanh

Việc ăn không đa dạng thực phẩm không tốt cho cơ thể. Bởi, các thành phần về dinh dưỡng được phân bố đều ở các nhóm thịt, cá. Vì vậy, đối với trẻ, cần cho con tập ăn đa dạng.

Thời gian tiêu hoá đối với cá sẽ nhanh hơn thịt (dễ dàng hơn), giúp hấp thu nhanh hơn.

Bạn đọc

Bạn ngannamvu88@gmail.com:

Cách xử trí khi HS bị ngộ độc thực phẩm có được tập huấn đến CBGV-NV trường học để có thể sơ cứu kịp thời không hay phụ thuộc vào ngành Y tế, thưa bà?
Bà Lê Thị Nga

Bà Lê Thị Nga

Đây là việc làm mà ngành GD và ngay cả các cơ sở giáo dục đều rất chủ động. Có thể có suy nghĩ khối ngoài công lập thường thì bị động hơn trong việc tập huấn đó. Nhưng thực tế thì các phường đều có các buổi tập huấn theo nhóm và hiệu quả công tác cũng rất cao.

Đầu năm học, việc kiểm tra lại kiến thức của các GV-NV được thể hiện qua việc tổ chức hội thi Quy chế chăm sóc nuôi dưỡng trẻ, được viết lại kiến thức, thể hiện lại kỹ năng sơ cấp cứu và đề xuất những ý kiến mới để làm tốt hơn nữa công tác CSGD trẻ trong trường.

Bạn đọc

Bạn Phạm Thị Yên, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc:

Tôi có con 3 tuổi, muốn cho cháu đi học nhưng băn khoăn về chế độ dinh dưỡng ở trường. Xin ông cho biết rõ hơn về quy trình xây dựng thực đơn cho trẻ các độ tuổi ở các cấp học hiện nay như thế nào?
Ông Phạm Khương Duy

Ông Phạm Khương Duy

Trước tiên, thay mặt lãnh đạo Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, tôi xin được gửi lời cám ơn chị Phạm Thị Yên đã gửi câu hỏi đến buổi giao lưu. Nỗi băn khoăn của chị cũng như nhiều phụ huynh khác khi có con bước vào tuổi mẫu giáo, mầm non là điều chúng tôi luôn cảm thông và thấu hiểu.

Như chúng ta đã biết nhu cầu dinh dưỡng hằng ngày của trẻ hết sức quan trọng nhưng trái lại trẻ không thể ăn một lượng thức ăn lớn. Do vậy trong bữa ăn của trẻ ta phải tổ chức và tính toán làm sao để đáp ứng đầy đủ 5 yêu cầu là: Đảm bảo đủ lượng calo; Cân đối các chất P (protêin ) – L ( Lipid) – G ( Glucid); Thực đơn đa dạng phong phú, dùng nhiều loại sản phẩm; Thực đơn theo mùa, phù hợp với trẻ; Đảm bảo chế độ tài chính.

Hiện nay, ở hầu hết các nhà trường trên địa bàn tỉnh, Ban giám hiệu các trường đều giao 1 hiệu phó phụ trách nuôi dưỡng, chịu trách nhiệm chính tính khẩu phần ăn bằng phần mềm dinh dưỡng. Sau đó, thực đơn được xây dựng theo tuần và được công khai trên website của nhà trường hoặc dán ở bảng tin vào đầu tuần để các bậc phụ huynh có thể theo dõi, giám sát.

Với sự hỗ trợ của công nghệ, sự chỉ đạo sát sao của các nhà trường, chị hoàn toàn có thể yên tâm, tin tưởng đưa trẻ đến trường mà không nên quá lo lắng về vấn đề dinh dưỡng đối với trẻ.

Khu vực tẩm ướp thực phẩm tại Trường MN Trung Nguyên, huyện Yên Lạc

Khu vực tẩm ướp thực phẩm tại Trường MN Trung Nguyên, huyện Yên Lạc

Bạn đọc

Bạn Đoàn Phúc Liên, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội:

Việc tập huấn kiến thức, kỹ năng về VSATTP trường học; cách nhận biết thực phẩm tươi sống; phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm… cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà bếp được ngành GD&ĐT quận triển khai thế nào, thưa bà?
Bà Lê Thị Nga

Bà Lê Thị Nga

Bà Lê Thị Nga (trái) giao lưu cùng độc giả Báo GD&TĐ.
Bà Lê Thị Nga (trái) giao lưu cùng độc giả Báo GD&TĐ.

Đây là nội dung được chúng tôi thực hiện định kỳ hàng năm.

Phòng Y tế- Trung tâm Y tế sẽ phối hợp việc tập huấn kiến thức, kỹ năng về VSATTP trong trường học. Đặc biệt các đợt cao điểm về phòng chống dịch bệnh liên quan đến ATTP càng được quan tâm và triển khai sâu rộng.

Bên cạnh đó, kết hợp với việc tự bồi dưỡng của các trường sẽ cung cấp đủ thông tin, kiến thức, kỹ năng cần thiết để thực hiện tốt công tác đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể nhà trường.

 

Bạn đọc

Bạn lehang@gmail.com:

Chào bác sĩ, con tôi năm nay học lớp 3 và bán trú ở trường. Tuy nhiên, cháu chỉ thích ăn thịt và không ăn rau. Tình trạng này có gây hại tới sức khỏe không?
TS. BS Vũ Thị Thanh

TS. BS Vũ Thị Thanh

Rau sẽ cung cấp chất xơ, vitamin. Nếu không ăn, cơ thể sẽ thiếu những thành phần này. Từ đó, gây ra táo bón, giúp hấp thu chất dinh dưỡng không đầy đủ. Trong trường hợp táo bón, trẻ sẽ có cảm giác sợ đi vệ sinh do đau.

Cụ thể, nếu thiếu vitamin, trẻ sẽ không hấp thu hết được năng lượng từ cơm, bún, phở hay thịt, cá... Đặc biệt, vitamin chỉ có ở rau, quả và sữa. Vì vậy, đối với trẻ không ăn rau, cha mẹ cần chọn những loại rau mềm, nhừ, không dai, không cứng. Cha mẹ có thể cắt nhỏ rau, hoặc nấu canh. Cha mẹ có thể để trẻ ăn hoa quả như cam, quýt... Hãy bóc vỏ, cắt nhỏ quả. Khi đó, con sẽ có cảm giác nhai, nuốt dễ dàng hơn, không bị gợn. Phụ huynh có thể kết hợp tập cho con ăn rau để trẻ dễ dàng chấp nhận hơn.

Nếu tình trạng trẻ không ăn rau kéo dài, con có thể bị thừa cân, béo phì hoặc suy dinh dưỡng. Ngoài ra, trẻ sẽ luôn có cảm giác khó chịu bụng, ảnh hưởng đến tinh thần.

Bạn đọc

Bạn trianhmn@gmail.com:

Nhiều trường học liên kết với các công ty cung ứng suất ăn để phục vụ HS ăn bán trú. Vậy, công tác kiểm soát việc phối hợp này thế nào để đảm bảo các qui định VSATTP trường học, thưa bà?
Bà Lê Thị Nga

Bà Lê Thị Nga

Các nhà trường phải rà soát hồ sơ năng lực các đơn vị cung cấp yêu cầu các sản phẩm bao gói đảm bảo có công bố chất lượng sản phẩm, chứng minh được nguồn gốc thực phẩm (nguồn hàng của công ty cấp 2), chứng minh quy trình kiểm soát thực phẩm.

Thực phẩm phải gắn tem truy xuất hàng hóa và thực hiện kiểm nghiệm, thử nghiệm chứng minh thực phẩm. Nội dung hợp đồng phải rõ trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm kinh tế của công ty khi xảy ra sai sót trong quy trình đảm bảo an toàn xảy ra ngộ độc .

Thành lập ban chỉ đạo ban quản lý bán trú, phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên. Thực hiện nghiêm túc các quy trình giao nhận, chế biến thực phẩm đảm bảo an toàn. Cập nhật chính xác thông tin trong hồ sơ quản lý công tác bán trú theo quy định ATTP.  Lưu giữ bao bì, nhãn mác hàng hóa, lưu nghiệm thức ăn theo quy định.

Phối hợp ban đại diện CMHS định kỳ, đột xuất giám sát kiểm tra việc cung cấp, chất lượng dịch vụ các công ty,  kiểm tra giao nhận thực phẩm, kiểm tra khâu chế biến, cũng như giám sát các bữa ăn của trẻ, đảm bảo các quy định về VSATTP.

Bạn đọc

Bạn vanthan121@...:

Ở trường mầm non, bữa ăn học đường đóng vai trò quan trọng, góp phần làm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi. Vậy với nhóm, lớp trẻ độc lập hoặc trường MN ngoài công lập, bữa ăn học đường có được kiểm soát không, thưa ông?
Ông Phạm Khương Duy

Ông Phạm Khương Duy

Đầu tiên phải khẳng định rằng, Vĩnh Phúc là tỉnh có hoạt động công nghiệp phát triển mạnh mẽ. Với sự phát triển này, nhiều nhà máy, xí nghiệp đã thu hút được lượng lớn người lao động tập trung trong các khu, cụm công nghiệp. Từ đó, những nhóm, lớp trẻ độc lập, trường tư MN ngoài công lập cũng phát triển theo nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ huynh học sinh là người địa phương và đặc biệt là các công nhân tại các khu, cụm công nghiệp.

Để bữa ăn bán trú tại các cơ sở này vừa đủ chất dinh dưỡng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở GD&DDT thường xuyên chỉ đạo các Phòng GD địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với công tác nuôi dạy và tổ chức bữa ăn cho trẻ. Ngoài ra, Sở cũng khuyến khích sự tham gia giám sát của phụ huynh học sinh, cộng động trách nhiệm với các ngành chức năng và đặc biệt là cơ quan chuyên môn để công tác nuôi dưỡng chăm sóc trẻ ở nhóm, lớp trẻ độc lập, trường MN ngoài công lập được thực hiện đảm bảo theo yêu cầu.

Một điều nữa là, hiện nay đa số các trường tư thục, các lớp trẻ ngoài công lập đều lắp camera giám sát, qua hệ thống này, phụ huynh có thể theo dõi, giám sát hoạt động dạy học và bữa ăn bán trú của trẻ một cách dễ dàng.

Bạn đọc

Bạn linhnhi@...:

Tôi được biết liên Bộ GD&ĐT - Y tế có quy định cụ thể với đội ngũ chế biến bữa ăn bán trú. Xin ông cho biết, ngành GD Vĩnh Phúc rà soát, kiểm tra công tác này ra sao?
Ông Phạm Khương Duy

Ông Phạm Khương Duy

Việc thực hiện các quy định đối với đội ngũ chế biến bữa ăn bán trú trên địa bàn được Sở GD&ĐT thực hiện thường xuyên và liên tục. Tất cả nhân viên nuôi dưỡng đều phải khám sức khỏe định kỳ và phải có sức khỏe tốt, không mắc bệnh truyền nhiễm mới được hợp đồng nấu ăn.

Bên cạnh đó, Sở phối hợp chặt chẽ với Chi Cục vệ sinh ATTP, Trung tâm y tế địa phương tổ chức tập huấn kiến thức về vệ sinh ATTP cho cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường mầm non và dịch vụ cung ứng thực phẩm vào các trường học. Tại các cơ sở giáo dục, giáo viên, nhân viên chủ động xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng chế biến món ăn; tổ chức cho trẻ ăn ngon, ăn hết suất. Tạo điều kiện, thời gian, cơ hội cho nhân viên nuôi dưỡng làm tốt nhiệm vụ chính và nhiệm vụ hỗ trợ mỗi ngày. Nâng cao kỹ năng làm sạch thực phẩm, sơ chế, chế biến nhanh, gọn, khéo...

Nhân viên chế biến, nuôi dưỡng trẻ có sức khỏe tốt, được khám sức khỏe định kỳ

Nhân viên chế biến, nuôi dưỡng trẻ có sức khỏe tốt, được khám sức khỏe định kỳ

Bạn đọc

Bạn hongthanh@gmail.com:

Thưa bác sĩ, bữa ăn học đường có đóng vai trò quan trọng với trẻ không?
TS. BS Vũ Thị Thanh

TS. BS Vũ Thị Thanh

Bữa ăn học đường vô cùng quan trọng đối với trẻ.

Dù là ăn ở nhà hay trường, bữa ăn cũng cần đảm bảo yếu tố "đủ" về năng lượng theo nhu cầu lứa tuổi. Từ đó, giúp trẻ phát triển về cân nặng, chiều cao đạt chuẩn theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Bên cạnh đó, việc ăn "đủ" năng lượng cũng sẽ giúp trí não trẻ phát triển, khiến con học tốt và đạt kết quả cao trong học tập.

Ngoài ra, nhờ bữa ăn học đường, con có thể nâng cao ý thức, trách nhiệm, hình thành thói quen tốt, độc lập, tự giác hơn.

 

Bạn đọc

Bạn Vũ Thị Mai, huyện Mỹ Đức, Hà Nội:

Xin bà chia sẻ rõ hơn khái niệm cho trẻ ăn no, ăn đủ nhờ phần mềm xây dựng khẩu phần ăn đã được định lượng một cách cụ thể phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý của từng độ tuổi mà nhiều nhà trường đang áp dụng?
Bà Lê Thị Nga

Bà Lê Thị Nga

Với phần mềm PMS, thực đơn ăn hàng ngày của trẻ được xây dựng đảm bảo đủ định lượng calo, tỷ lệ % theo từng bữa, tỷ lệ các chất đạm, chất béo, đường đạt theo chuẩn quy định.

Phần mềm có chia 2 độ tuổi để tính calo riêng là lứa tuổi nhà trẻ (trẻ từ 24-36 tháng tuổi) và lứa tuổi mẫu giáo (từ 36 đến 72 tháng tuổi). Với mỗi lứa tuổi nhu cầu calo và tỷ lệ các chất của trẻ là khác nhau, nhà trẻ nhu cầu calo cần từ 600- 651 kcalo, nhưng với lứa tuổi mẫu giáo thì trẻ cần lượng calo cao hơn từ 615 – 726 kcalo. Do vậy lượng thực phẩm cho mỗi lứa tuổi để đáp ứng lượng calo cần cho trẻ cũng là khác nhau, nhà trường phải cân đối, điều chỉnh để lựa chọn những thực phẩm phù hợp với độ tuổi của trẻ nhưng vẫn phải đảm bảo đủ calo từng bữa cho trẻ và phải cân đối hài hoà tỷ lệ giữa đạm động vật với đạm thực vật, chất béo động vật với chất béo thực vật.

Thực đơn đảm bảo đủ lượng, đủ chất, đủ calo nhưng không hấp dẫn trẻ, không phù hợp với lứa tuổi khiến trẻ sẽ không ăn hoặc ăn không hết suất. Bữa ăn như vậy cũng chưa đạt yêu cầu, vì vậy việc xây dựng món ăn sao cho đa dạng, chế biến kết hợp thực phẩm màu sắc đẹp mắt hấp dẫn trẻ, kết hợp các loại thực phẩm phù hợp để đảm bảo trẻ ăn hết suất cũng là những điểm mà nhà trường rất chú trọng.

Bạn đọc

Bạn Thu Ngọc, Phúc Yên, Vĩnh Phúc:

An toàn vệ sinh thực phẩm luôn là nỗi lo của cha mẹ cũng như thầy cô. Vậy ngành GD Vĩnh Phúc quán triệt, chỉ đạo công tác trên thế nào?
Ông Phạm Khương Duy

Ông Phạm Khương Duy

Hàng năm, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đều có văn bản chỉ đạo các Phòng GD&ĐTcác trường phổ thông dân tộc nội trú cùng các cơ sở giáo dục thực hiện đúng, đầy đủ công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Chỉ đạo hướng dẫn nhà trường thực hiện  đầy đủ trình tự các khâu kiểm soát thực phẩm đầu vào. Tất cả các hợp đồng cung cấp lương thực, thực phẩm, (thịt cá, trứng, sữa…) đều được cung cấp trong ngày, và có sự kiểm tra, giám sát trực tiếp của nhân viên y tế nhà trường. Đặc biệt, sữa uống dùng trong khẩu phần ăn của trẻ được ký hợp đồng cung cấp với các cá nhân, tổ chức có tư cách pháp nhân, đủ điều kiện cung ứng sữa đảm bảo chất lượng uy tín và được chứng nhận của ngành y tế về đảm bảo an toàn thực phẩm…

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tổ chức tập huấn, mở hội thảo, tư vấn, trực tiếp hướng dẫn các trường MN triển khai xây dựng bếp ăn một chiều đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến nay, 90% trường MN có bếp ăn đạt chuẩn, 100% trường có chứng nhận bếp ăn đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vĩnh Phúc là một trong số ít tỉnh đầu tư hệ thống thiết bị hiện đại như máy nấu cơm, tủ sấy bát, máy hấp khăn phục vụ cho bữa ăn bán trú của trẻ

Vĩnh Phúc là một trong số ít tỉnh đầu tư hệ thống thiết bị hiện đại như máy nấu cơm, tủ sấy bát, máy hấp khăn phục vụ cho bữa ăn bán trú của trẻ

Tỉnh Vĩnh Phúc cũng đặc biệt quan tâm đến công tác này, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách, đầu tư cho các trường học xây dựng bếp ăn bán trú khang trang, đồng bộ, hiện đại như: tủ nấu cơm, máy sấy bát, máy hấp khăn, thiết bị nấu ăn đồng bộ bằng inox nhằm giúp các đơn vị nhà trường làm tốt hơn công tác nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ.

Bạn đọc

Bạn bichlien@gmail.com:

Nhiều phụ huynh thường cho con ăn theo sở thích cá nhân. Tình trạng này xảy ra có phải do các gia đình chưa thực sự hiểu đúng về vai trò của việc cân bằng dinh dưỡng?
TS. BS Vũ Thị Thanh

TS. BS Vũ Thị Thanh

Việc để con ăn theo sở thích sẽ vô tình cung cấp cơ thể thừa chất này, nhưng lại thiếu chất khác. Từ đó, làm thay đổi chuyển hoá trong cơ thể và có thể gây rối loạn chuyển hoá, hoặc bệnh lý. Ví dụ, trẻ thường xuyên ăn đồ ngọt, đồ chiên, rán sẽ bị thừa mỡ trong cơ thể. Từ đó, gây tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, thậm chí là chậm phát triển.

Trong trường hợp ăn không đúng, đủ cũng gây ra tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu máu. Hậu quả là trẻ sẽ chậm phát triển về cả thể chất và trí nào. Bởi, khi đó, cơ thể sẽ không đủ năng lượng để duy trì phát triển, cũng như tập trung học tập.

Trong khi đó, việc ăn đúng, đủ các chất dinh dưỡng sẽ giúp cơ thể phát triển về thể chất, trí não tốt.

Tình trạng nhiều gia đình để con ăn theo sở thích cũng cho thấy, không ít phụ huynh chưa thực sự hiểu đúng về vai trò của việc cân bằng dinh dưỡng. Do đó, nếu con có một trong những dấu hiệu của hai trường hợp trên, cha mẹ cần tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng.

Bạn đọc

Bạn Thanhminh78@...:

Phụ huynh chúng tôi cho rằng, để có bữa ăn học đường an toàn, đủ dưỡng chất cho học sinh, trách nhiệm cao nhất vẫn thuộc về các nhà trường và những người trực tiếp "đứng bếp". Ngành GD quận làm thế nào để các nhà quản lý và đội ngũ nhân viên nuôi dưỡng “làm tròn” trách nhiệm của mình?
Bà Lê Thị Nga

Bà Lê Thị Nga

Đúng là nếu quy trách nhiệm thì cán bộ quản lý các trường và đội ngũ nhân viên có trách nhiệm cao nhất bởi từ khâu kiểm soát, lựa chọn, kiểm tra, giám sát cho đến thực hiện đầy đủ nghiêm túc về quy chế chăm sóc nuôi dưỡng, quy định với nhân viên khi thực hiện dây chuyền bếp 1 chiều của các trường, lực lượng này đều có vai trò quan trọng.

Ngoài việc xây dựng hệ thống văn bản quản lý thì việc tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức chung và kỹ năng tay nghề của nhân viên, sự phối hợp kiểm tra, giám sát của các cấp quản lý sẽ làm tốt công tác VSATTP trong trường học.

Hơn nữa, chúng ta đều biết hiện nay, để có được lực lượng nhân viên nuôi dưỡng có tay nghề, say nghề và yên tâm công tác là một vấn đề khó khăn. Bởi đồng lương thấp, áp lực cộng việc nhiều, đa số các trường đều thiếu nhân viên nuôi dưỡng... Việc xây dựng môi trường làm việc thân thiện, trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc nuôi dưỡng được hiện đại dần, cơ chế chính sách thỏa đáng sẽ khiến cho đội ngũ nhân viên yêu nghề hơn, có trách nhiệm với việc làm của mình để thực hiện tốt nhất mục đích đảm bảo ATTP, xây dựng bếp ăn tập thể an toàn.

Mỗi cha mẹ học sinh hãy cùng nâng cao trách nhiệm trong việc phối hợp giám sát các nội dung này. Và hãy trân trọng thành quả của các cấp quản lý và đội ngũ GV- NV để hoàn thành tốt mục tiêu của mỗi cá nhân, mỗi nhà trường trong công tác đảm bảo ATTP, xây dựng bếp ăn học đường an toàn, đảm bảo dinh dưỡng, thể chất cho học sinh.

Bạn đọc

Bạn quocdung@gmail.com:

An toàn thực phẩm có phải là yếu tố quan trọng hàng đầu để bảo đảm bữa ăn học đường, thưa bác sĩ?
TS. BS Vũ Thị Thanh

TS. BS Vũ Thị Thanh

An toàn vệ sinh thực phẩm tức là thực phẩm đó phải đảm bảo chất lượng, như: có hạn sử dụng, không có chất bảo quản.

Ví dụ, gạo cần có chất lượng tốt, còn hạn sử dụng, không mốc, ẩm. Bún, phở phải tươi, không có chất làm giòn...

Thịt cần tươi, không ôi, thiu. Rau không có các thuốc bảo vệ thực phẩm.

Trong bệnh viện, trước khi Covid-19 bùng phát, chúng tôi thực hiện kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm hằng ngày. Ví dụ, thịt không có chất tạo nạc, giò, chả không có hàn the, rau không có chất bảo vệ thực phẩm, dầu ăn không có ôi khét.

Đối với khâu chế biến, cần tuân thủ quy trình, đảm bảo dụng cụ theo quy định. Khâu chia suất ăn phải theo quy định và phải tính toán thời gian đảm bảo an toàn trong việc chia suất ăn.

Do đó, vệ sinh an toàn thực phẩm là vô cùng quan trọng. Nếu ăn không đảm bảo, trẻ sẽ bị rối loạn tiêu hóa (ngộ độc nhẹ). Khi đó, con sẽ đau bụng, đi vệ sinh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Từ đó, mất giờ học, không tiếp thu bài trên lớp.

Vì vậy, tôi cho rằng, mỗi trường học cần kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuỳ từng trường, tần suất kiểm tra có thể là ngẫu nhiên hoặc định kỳ.

Bạn đọc

Bạn Trần Hoàng Nam, quận Tây Hồ, Hà Nội:

Ngành GD&ĐT quận thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra VSATTP bếp ăn học đường thế nào? Qua kiểm tra có những nội dung gì cần chấn chỉnh không, thưa bà?
Bà Lê Thị Nga

Bà Lê Thị Nga

Cũng như các đơn vị quản lý tại các quận, huyện khác trên địa bàn thành phố, Quận Tây Hồ đã và đang thực hiện nghiêm túc việc quản lý đảm bảo VSATTP tại các bếp ăn tập thể trong trường học.

Với việc ra văn bản chỉ đạo về công tác này ngay từ đầu các năm học sẽ là tiêu chí cứng để nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong lĩnh vực này. Việc thanh kiểm tra quá thường xuyên cũng sẽ làm mệt mỏi, nặng nề cho các đơn vị. Tuy nhiên để không quá cồng kềnh việc thanh kiểm tra mà vẫn hiệu quả cao trong công tác quản lý thì hàng năm UBND- HĐND quận đã có sự phối hợp liên ngành Y tế- giáo dục- an ninh- kinh tế, giám sát hội đồng để có những kế hoạch, thời điểm kiểm tra sao cho mang lại hiệu quả nhất. Để việc thực hiện nghiêm túc đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể diễn ra thường xuyên, là trách nhiệm, là kinh nghiệm của các nhà quản lý và đội ngũ GV- NV các nhà trường.

Kết hợp với đại diện CMHS trong việc quản lý này cũng là một nội dung không thể tách rời để phối hợp tốt hơn nữa gia đình- nhà trường- xã hội trong việc cung cấp và duy trì bữa ăn an toàn cho học sinh khi ở trường.

Qua các đợt kiểm tra thì có thể thấy hệ thống các trường học thuộc hệ thống công lập thực hiện rất tốt nội dung này.

Với hệ thống ngoài công lập, việc cần lựa chọn nguồn thực phẩm đảm bảo, thực hiện nghiêm túc việc không bớt xén khẩu phần ăn của trẻ và đảm bảo dây chuyền bếp 1 chiều tốt vẫn luôn được các cấp quản lý nhắc nhở và yêu cầu các đơn vị thực hiện. Qua đó để thực hiện công bằng và thu hẹp khoảng cách về việc đảm bảo bữa ăn tại các trường thuộc các hệ thống được tốt hơn. Không có trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Bạn đọc

Bạn menhimsoc90@gmail.com:

Có một thực tế gây không ít lo lắng cho phụ huynh học sinh, đó là thời gian qua vẫn xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học. Dù đây chỉ là hiện tượng cá biệt, nhưng nỗi lo về chất lượng bữa ăn học đường của phụ huynh không phải là không có cơ sở. Bà nhận định thế nào về điều này?
Bà Lê Thị Nga

Bà Lê Thị Nga

Nỗi lo của phụ huynh về chất lượng bữa ăn học đường tại các cơ sở trường học không phải là không có cơ sở vì thực tế trong thời gian quan vẫn xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học.

Tôi thấy, để hạn chế việc xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học thì mỗi nhà trường cần quan tâm hơn nữa đến các khâu từ việc lựa chọn các đơn vị cung cấp thực phẩm có uy tín và lương tâm trách nhiệm nghề nghiệp; kiểm soát nguồn nhận thực phẩm tươi sống đến khâu chế biến, chia và vận chuyển về cho các lớp; trước khi cho trẻ ăn phải đảm bảo quy trình, đảm bảo vệ sinh, có nắp, có vung đậy cẩn thận. Đặc biệt là vào mùa có nhiều côn trùng như ruồi, muỗi… các đơn vị tự bổ sung các lưới phòng chống côn trùng, động vật gây hại có thể xâm nhập vào thức ăn của trẻ.

Lưu ý nhiều hơn đến việc giám sát bữa ăn học đường của một số nơi còn lỏng lẻo. Đặc biệt là các đơn vị cung cấp suất ăn sẵn cho học sinh, các khâu chế biến và nhân viên phục vụ phải đảm bảo có đủ sức khỏe . Các nhà trường cần làm tốt hơn công tác vệ sinh môi trường và cơ sở kinh doanh suất ăn cho trẻ.

Lưu nghiệm thức ăn đủ 24h theo quy định để phát hiện và tìm nguyên nhân xảy ra ngộ độc kịp thời và tìm cách tháo gỡ, giải quyết.

Bạn đọc

Bạn giaoanh@gmail.com:

Nhiều thông tin cho rằng, quan trọng nhất là bữa sáng để có năng lượng cả ngày. Bữa tối là ít quan trọng nhất. Theo bác sĩ, quan niệm này có chính xác với trẻ em không?
TS. BS Vũ Thị Thanh

TS. BS Vũ Thị Thanh

Tùy theo lứa tuổi. Mức năng lượng chia cân đối cho 3 bữa chính , 2 bữa phụ trong ngày, giúp cho trẻ không bị no quá hoặc đói quá , khi đó trẻ sẽ tập trung học tập tốt được, cơ thể trẻ đang phát triển.

Đối với học sinh, cần có đủ năng lượng giúp cơ thể phát triển về thể chất (cân nặng, chiều cao). Do đó, trẻ cần ăn đủ năng lượng so với lứa tuổi. Trong trường hợp không đủ năng lượng, trẻ sẽ dễ dàng đói và dễ dàng mất tập trung. Nếu trẻ cảm thấy quá no, cha mẹ cần để con nghỉ một khoảng dài hơn trước khi học. Ngoài ra, ăn quá no có thể khiến dạ dày giãn nhiều hơn. Lần sau, con có thể nạp năng lượng nhiều hơn, gây nguy cơ béo phì.

Bạn đọc

Bạn uyenlinh@gmail.com:

Trong trường hợp trẻ không ăn bán trú tại trường, cha mẹ cần cung cấp bữa ăn thế nào, một ngày mấy bữa để bảo đảm sức khoẻ con?
TS. BS Vũ Thị Thanh

TS. BS Vũ Thị Thanh

Ngay cả khi con không ăn bán trú tại trường, cha mẹ vẫn cần chú trọng cung cấp cho trẻ cơ cấu bữa ăn gồm: Cơm; món mặn (cá, thịt, trứng, ); rau; Quả; Sữa tươi.

Tuỳ từng độ tuổi, cha mẹ có thể để con ăn nhiều bữa trong ngày. Ví dụ, đối với trẻ tiểu học, con có thể ăn 3 bữa chính và 2 bữa phụ (chiều và tối). Lưu ý, nhà trường nên có thực đơn phù hợp với từng lứa tuổi. Qua đó, tránh tình trạng trẻ mất tập trung khi học, thừa cân, béo phì, nếu để trẻ ăn quá nhiều bữa phụ.

Bạn đọc

Bạn Lê Hằng, huyện Sóc Sơn, Hà Nội:

Xin bà cho biết, việc đưa công tác nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ trở thành một tiêu chí đánh giá chất lượng của mỗi nhà trường được ngành GD&ĐT quận thực hiện thế nào?
Bà Lê Thị Nga

Bà Lê Thị Nga

Bà Lê Thị Nga, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ, Hà Nội.
Bà Lê Thị Nga, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ, Hà Nội.

Như chúng ta đã biết, trong các trường MN chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục là hai lĩnh vực song song được tồn tại nhằm mục đích phát triển toàn diện cho trẻ MN về đức- trí- thể- mỹ.

Cùng với các hoạt động giáo dục để phát triển về trí tuệ cho trẻ thì sức khỏe, các yếu tố an toàn cho học sinh cũng là nội dung hết sức cần thiết. Qua đó sẽ góp phần phát triển trẻ toàn diện hơn, thể hiện được việc điều hành, quản lý chung của CBQL nhà trường và sự nhiệt huyết của nhà giáo trong việc chăm sóc giáo dục trẻ.

Bạn đọc

Bạn linhnga@...:

Tỷ lệ trường học, HS tham gia bữa ăn bán trú trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Khương Duy

Ông Phạm Khương Duy

Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 177 trường mầm non, trong đó, 163 trường công lập, 12 trường tư thục, 2 trường trực thuộc các đơn vị quân đội quản lý và 229 lớp mầm non độc lập tư thục. Tổng số trẻ ra lớp năm học 2020-2021 là 80.440 trẻ, trong đó, công lập 65.356 trẻ, tư thục 15.009 trẻ; dân lập là 75 trẻ. 100% các trường mầm non, các lớp độc lập trên địa bàn tỉnh tổ chức bữa ăn bán trú với tỷ lệ trẻ ăn bán trú bình quân là 98,2%.

Ở bậc tiểu học, năm học 2020-2021 có 145 trường tiểu học và 16 trường liên cấp Tiểu học & Trung học cơ sở; với 125.578 học sinh. Trong năm học có 97,1% học sinh được học 2 buổi/ngày; học sinh ăn bán trú, đạt 49,4%.

Tỷ lệ trẻ mầm non ăn bán trú tại Vĩnh Phúc đạt 98,2%

Tỷ lệ trẻ mầm non ăn bán trú tại Vĩnh Phúc đạt 98,2%

Bạn đọc

Bạn Nguyenhoanglan79@gmail.com:

Ngành GD&ĐT quận Tây Hồ đã chỉ đạo các trường thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bếp ăn trường học thế nào, thưa bà?
Bà Lê Thị Nga

Bà Lê Thị Nga

Giáo viên tham gia Ngày hội dinh dưỡng quận Tây Hồ
Giáo viên tham gia Ngày hội dinh dưỡng quận Tây Hồ

 

Ngay từ đầu năm học, UBND quận, ban chỉ đạo công tác VSATTP đã xây dựng văn bản số 1056/UBND-GDĐT ngày 25/8/2020 về việc Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong các nhà trường, yêu cầu Hiệu trưởng, BGH  các trường MN, TH,THCS công lập và ngoài công lập, chủ các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập thực hiện nghiêm túc các nội dung đảm bảo an toàn VSTP trong trường học.

Phổ biến, quán triệt kịp thời các quy định và chỉ đạo về ATTP cho CB quản lý, GV, NV nhà trường và PHHS để nâng cao nhận thức cùng phối hợp, kiểm tra, giám sát bảo đảm tuyệt đối ATTP trong các nhà trường.

Thống nhất trong BGH, Hội đồng sư phạm, Ban đại diện CMHS họp, lựa chọn các đơn vị cung ứng thực phẩm, suất ăn bán trú, nước uống là những công ty có quy mô lớn, uy tín và thương hiệu, áp dụng công nghệ hiện đại và an toàn trong sản xuất, bao gói vận chuyển, giao nhận và bảo quản. Đảm bảo hàng hóa phải truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng đúng yêu cầu, giá thành cạnh tranh, phù hợp với thị trường (yêu cầu này đối với cả đơn vị liên kết cấp 2 của doanh nghiệp) được ban kiểm soát năng lực các công ty cung cấp thực phẩm trường học của quận thẩm hồ sơ và lựa chọn đưa vào danh sách các công ty đã đủ điều kiện.

Các nhà trường rà soát hồ sơ năng lực các đơn vị cung cấp yêu cầu các sản phẩm bao gói phải đảm bảo có công bố chất lượng sản phẩm, chứng minh được nguồn gốc thực phẩm (nguồn hàng của công ty cấp 2), chứng minh quy trình kiểm soát thực phẩm. Thực phẩm phải gắn tem truy xuất hàng hóa và thực hiện kiểm nghiệm, thử nghiệm chứng minh thực phẩm. Nội dung hợp đồng phải rõ trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm kinh tế của công ty khi xảy ra sai sót trong quy trình đảm bảo an toàn xảy ra ngộ độc .

Xây dựng thực đơn khoa học, phù hợp theo mùa, đảm bảo cân đối các chất và quản lý chặt chẽ khẩu phần ăn cho học sinh. Thực hiện nghiêm túc công khai thực đơn, định lượng suất ăn, đơn vị cung ứng thực phẩm và  nguồn gốc thực phẩm theo chỉ đạo của UBND quận

Thành lập ban chỉ đạo quản lý bán trú, phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên. Thực hiện nghiêm túc các quy trình giao nhận, chế biến thực phẩm đảm bảo an toàn. Cập nhật chính xác thông tin trong hồ sơ quản lý công tác bán trú theo quy định ATTP. Lưu giữ bao bì, nhãn mác hàng hóa, lưu mẫu kiểm nghiệm thức ăn theo quy định.

Phối hợp các công ty cung cấp thực phẩm tiếp tục rà soát chỉnh trang bổ sung thêm CSVC trang thiết bị phục vụ công tác bán trú trong trường đảm bảo tiêu chuẩn bếp ăn 1 chiều, hiện đại, bố trí khoa học, sạch sẽ

Phối hợp ban đại diện CMHS định kỳ, đột xuất giám sát kiểm tra việc cung cấp, chất lượng dịch vụ các công ty, báo cáo UBND quận để có chỉ đạo, xử lý kịp thời.

Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất khi có sự cố ATTP với UBND quận, cơ quan y tế các cấp, phòng GD&ĐT. Phối hợp điều tra xử lý kịp thời thực hiện chế độ khai báo ngộ độc thực phẩm theo quy định

Hiệu trưởng các trường ký cam kết đảm bảo VSATTP và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước UBND quận khi để xảy ra các sự việc liên quan đến mất ATVSTP trong nhà trường.

Bạn đọc

Bạn Myle123@...:

Chế độ dinh dưỡng hợp lý là nền tảng để trẻ phát huy tối đa tiềm năng về thể chất và trí tuệ. Ông đánh giá thế nào về vai trò của bữa ăn bán trú trong việc nâng cao tầm vóc, thể trạng thế hệ trẻ?
Ông Phạm Khương Duy

Ông Phạm Khương Duy

Đối với trẻ em, việc cung cấp một chế độ dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò quan trọng, là nền tảng để trẻ phát triển tối đa tiềm năng về thể chất và trí tuệ. Về mặt thể chất, ở bậc mầm non, các bé đang ở giai đoạn phát triển nhanh nên việc cung cấp bữa ăn đầy đủ dưỡng chất, khoa học sẽ giúp các bé phát triển cân đối và toàn diện.

Ở học sinh tiểu học, đây là giai đoạn mà bộ não đã hoàn thiện, trẻ có thể học hỏi được rất nhiều nên nhu cầu về năng lượng cung cấp cho việc học tập tăng lên, đây lại là giai đoạn mà cơ thể trẻ tích lũy những chất dinh dưỡng cần thiết chuẩn bị cho giai đoạn phát triển nhanh chóng thứ hai trong cuộc đời là tuổi dậy thì, nên việc cung cấp chất dinh dưỡng cho trẻ ở giai đoạn này cần được quan tâm đúng cách và chu đáo.

Ở một khía cạnh khác, bữa ăn bán trú còn giúp trẻ xây dựng thói quen ăn uống đa dạng, khoa học, lạnh mạnh và thói quen này sẽ theo trẻ đến khi trưởng thành.

Bạn đọc

Bạn dangkhue@gmail.com:

Chế độ dinh dưỡng hợp lý khi ở trường sẽ tạo thuận lợi gì đối với thể chất và tinh thần trẻ?
TS. BS Vũ Thị Thanh

TS. BS Vũ Thị Thanh

Một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp cơ thể trẻ đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng khác. Nhờ đó, giúp tinh thần con sảng khoái, vui vẻ và có thể tập trung hơn trong việc nghe giảng, làm bài tập cũng như giải quyết vấn đề.

Bạn đọc

Bạn annhien@gmail.com:

Khẩu phần ăn ở trường của trẻ cần bao gồm những chất gì để đảm bảo con đủ dinh dưỡng, thưa bác sĩ?
TS. BS Vũ Thị Thanh

TS. BS Vũ Thị Thanh

TS.BS Vũ Thị Thanh (phải) trả lời câu hỏi của độc giả Báo GD&TĐ trong buổi GLTT.
TS.BS Vũ Thị Thanh (phải) trả lời câu hỏi của độc giả Báo GD&TĐ trong buổi GLTT.

 

Cơ cấu một bữa ăn cần đầy đủ các thành phần là: Cơm; món mặn (cá, thịt, trứng, ); rau; Quả; Sữa tươi. Những thành phần này sẽ cung cấp đủ năng lượng và các thành phần: Protein, glucid, lipid, các vitamin, chất khoáng, chất xơ cho trẻ.

Bạn đọc

Bạn trucanh@gmail.com:

Thưa bác sĩ, bữa ăn thế nào được coi là đầy đủ dinh dưỡng đối với trẻ?
TS. BS Vũ Thị Thanh

TS. BS Vũ Thị Thanh

Một bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng đối với trẻ sẽ bao gồm các nhóm thực phẩm: ĐẠM, ĐƯỜNG, BÉO, VITAMIN, CHẤT KHOÁNG, NƯỚC.

Cụ thể, đó là: Nhóm thịt, cá, trứng, tôm, cua; Nhóm gạo, ngô, khoai và các sản phẩm chế biến; Nhóm quả chín; Nhóm rau; Nhóm sữa.

Bạn đọc

Bạn Trà Linh, huyện Gia Lâm, Hà Nội:

Được biết, ngành GD&ĐT quận Tây Hồ đã tổ chức thành công Ngày hội dinh dưỡng cấp học MN. Bà có thể chia sẻ mục tiêu mà ngành GD quận hướng đến khi tổ chức những hoạt động như thế này?
Bà Lê Thị Nga

Bà Lê Thị Nga

Trân trọng cảm ơn bạn đã có câu hỏi cho chương trình.

Mỗi năm học, song song với hội giảng tại các trường thì tổ chức Ngày hội dinh dưỡng cũng là hoạt động được chúng tôi quan tâm tới. Mục tiêu mà ngành Giáo dục quận hướng tới khi tổ chức Ngày hội dinh dưỡng đó là:

Củng cố nâng cao kiến thức về dinh dưỡng, sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm, kỹ thuật chế biến món ăn cho trẻ đảm bảo quy trình cho đội ngũ nhân viên nuôi dưỡng trong các trường mầm non

Tuyên truyền tới các bậc phụ huynh, ban ngành đoàn thể và cộng đồng về kiến thức chăm sóc nuôi dưỡng trẻ theo khoa học và đảm bảo vệ sinh ATTP. Giới thiệu với PHHS và nhân dân nguồn thực phẩm sạch được cung cấp trong các trường học của Quận. Đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trao đổi chia sẻ kinh nghiệm về công tác chăm sóc nuôi dưỡng trẻ trong các nhà trường.

Và cuối cùng, kết quả của Hội thi chính là cơ sở để đánh giá công tác quản lý, chỉ đạo chăm sóc nuôi dưỡng trẻ trong các trường mầm non. Hội thi còn khuyến khích động viên cán bộ giáo viên nhân viên học hỏi, trao đổi, chia sẻ nâng cao  nghiệp vụ và phổ biến kinh nghiệm chăm sóc nuôi dưỡng trẻ. Qua đó nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ tại các nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ