"Giải thưởng là lời nhắc nhở tôi phải luôn bám sát, lắng nghe hơi thở cuộc sống"

GD&TĐ - Đó là lời chia sẻ của Nhà báo Phan Tuyết Nhung- Đài tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) - người vừa đoạt giải Báo chí " Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam năm 2021".

Nhà báo Phan Tuyết Nhung- Đài tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH)
Nhà báo Phan Tuyết Nhung- Đài tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH)

Với loạt bài "Năm học mới trong bối cảnh dịch bệnh", Nhà báo Phan Tuyết Nhung đã chuyển tải đến cho khán thính giả cái nhìn cận cảnh về những khó khăn và thách thức của ngành giáo dục TPHCM khi bắt đầu năm học mới một cách không thể đặc biệt hơn. 

Quá nhiều dấu ấn không thể quên cho một năm học đặc biệt

Đó là những gì nhà báo Phan Tuyết Nhung chia sẻ khi nói về những tháng ngày TPHCM nói chung, ngành giáo dục TP nói riêng bắt đầu năm học trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bủa vây.

Hàng năm, cứ vào đầu tháng 9 là tiếng trống khai giảng năm học mới vang lên khắp mọi miền đất nước với sự hân hoan, hồ hởi của cô và trò. Tuy vậy, năm học 2020-2021 của học sinh nhiều tỉnh thành cả nước trong đó có TPHCM lại bắt đầu theo cách trầm lặng không ngờ.

"Dịch bệnh tại TPHCM thời điểm ấy đang bước vào giai đoạn căng thẳng với nhiều đau thương mất mát nhất. Sự đau thương ấy không chỉ đến từ số ca bệnh, số ca tử vong gia tăng mỗi ngày, mà còn đến từ chính sự biệt ly, chia lìa của không ít những em học sinh khi vừa bước vào năm học mới. Hơn 1.500 học sinh mồ côi do đại dịch để lại trong lòng những người làm báo như chúng tôi sự hẫng hụt và trĩu nặng"- nhà báo Tuyết Nhung chia sẻ.

Là người bám mảng giáo dục nhiều năm, ngay thời điểm ấy tôi và những đồng nghiệp đã có thể hình dung ra sự khó khăn trùng trùng của ngành giáo dục. Năm học mới của TPHCM bắt đầu trong tình cảnh còn rất nhiều rối ren, nhưng bằng sự  quyết tâm và những giải pháp ứng phó linh hoạt, năm học 2020-2021 đến nay cũng đã triển khai đúng tiến độ, học sinh và giáo viên cũng bắt nhịp dạy và học online hiệu quả hơn.

"Để ghi nhận trực diện những khó khăn cho một năm học chưa từng có tiền lệ, những quyết sách đúng đắn và phù hợp của ngành từ Trung ương đến địa phương, nhất là các giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn cho học sinh (đơn cử như học sinh đang ở bất cứ tỉnh thành nào do ảnh hưởng bởi dịch bệnh đều có thể tham gia học tập tại địa phương đó), tôi đã quyết định thực hiện loạt bài trên để mang đến cho phụ huynh những thông tin chính thống nhất, giúp xã hội lắng nghe, đồng hành và chia sẻ cùng với ngành giáo dục"- nhà báo Tuyết Nhung nói.  

Vì dịch bệnh Covid-19, năm học 2020-2021 học sinh các cấp đã phải bắt đầu năm học bằng hình thức học online
Vì dịch bệnh Covid-19, năm học 2020-2021 học sinh các cấp đã phải bắt đầu năm học bằng hình thức học online

Một sân chơi giúp xã hội lắng nghe và hiểu hơn về ngành giáo dục

Nói về giải thưởng mình đạt được trong năm nay, nhà báo Phan Tuyết Nhung cho biết: Chị đã nhiều năm tham gia giải báo chí "Vì sự nghiệp Giáo dục" vì cảm thấy đây thật sự là một sân chơi giàu ý nghĩa với những người làm báo và bám mảng giáo dục như chị. Theo chị, giải thưởng không chỉ là sự ghi nhận, nó còn là sự tổng kết một chặng đường dấn thân, hoạt động của các nhà báo trong lĩnh vực giáo dục cũng như sự thay đổi, lắng nghe của ngành giáo dục.

"Lĩnh vực nào cũng vậy, vẫn luôn cần sự đóng góp ý kiến, ghi nhận và thiện chí xây dựng để phát triển. Giáo dục Việt Nam trong gần một thập niên vừa qua có sự phát triệt vượt bậc chính là nhờ sự phản ánh, lắng nghe và chia sẻ rất lớn từ xã hội, phụ huynh học sinh và những người làm báo. Giải thưởng năm nay với cá nhân tôi  thực sự là một niềm hạnh phúc lớn, là một dấu ấn cho sự nghiệp cầm bút, bám mảng của mình.

Giải thưởng như một lời tri ân đến quý thầy cô giáo luôn hết lòng vì nghề, đến những nhà quản lý trường học luôn đau đáu, suy tư với những quyết sách của nhà trường. Giải thưởng cũng là một lời nhắc nhở chính bản thân tôi phải bám sát hơi thở cuộc sống để có những tác phẩm hấp dẫn, để có thể ghi lại những dấu mốc trước những giai đoạn đặc biệt của xã hội. "- nhà báo Tuyết Nhung nói.

Với sự thay đổi và chịu tác động mạnh mẽ trong bối cảnh mới, nhất là dịch bệnh như hiện nay, nhà báo Phan Tuyết Nhung cho rằng: Để giữ vững thành quả và sự cố gắng của ngành, đội ngũ giáo viên cả nước trong thời gian qua, ngành giáo dục các địa phương cần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho giáo viên, học sinh nhiều hơn trong bối cảnh hậu Covid-19. Đẩy mạng tư vần tâm lý học đường cũng như tăng cường tập huấn ứng dụng CNTT nhiều hơn cho giáo viên. 

"Với bối cảnh và sự thay đổi hình thức học tập của ngành giáo dục như hiện nay, cá nhân tôi thấy ngành giáo dục và nhà trường cần nhanh chóng đẩy mạnh số hóa trong giáo dục. Bởi hiện nay vẫn còn nhiều trường, nhiều nơi chưa bắt kịp với ứng dụng CNTT trong giáo dục. Sự đồng bộ dữ liệu dùng chung cũng chưa thống nhất trong cả nước.

Đặc biệt, muốn đồng bộ và chuẩn hóa nguồn lực giáo viên ở các cấp và các môn học, ngành giáo dục cần phải gia tăng chế độ đãi ngộ một cách xứng đáng cho đội ngũ giáo viên để thực hiện chính sách giữ người trong bối cảnh mà xu hướng cạnh tranh nhân lực công- tư ngày càng cao. Giáo dục muốn phát triển thì phải xem đội ngũ giáo viên là hạt nhân cho sự chăm sóc và đãi ngộ"- nhà báo Tuyết Nhung gửi gắm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ