Công đoàn Giáo dục Việt Nam tạo được niềm tin từ đội ngũ nhà giáo

GD&TĐ - Làm thế nào để tạo được niềm tin và tiếp tục đồng hành cùng các nhà giáo trước những yêu cầu mới là câu hỏi luôn được các cán bộ Công đoàn Giáo dục Việt Nam suy nghĩ và trăn trở.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đi tìm những câu trả lời mới cho những vấn đề không mới

Bước sang thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới, quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đạt những thành tựu quan trọng. Chính trị - xã hội ổn định, an ninh - quốc phòng được tăng cường, kinh tế tăng trưởng nhanh, đời sống của cán bộ nhà giáo người lao động được nâng lên, không còn những nỗi lo về “cơm áo gạo tiền” như thời kỳ trước...

Cùng với đó, các Nghị quyết Đại hội Đảng về giáo dục, đào tạo, đặc biệt Hội nghị Trung ương 8 của Ban chấp hành Trung ương khóa 11 đã ban hành Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo đã mang đến cho ngành Giáo dục và các thầy, cô giáo những cơ hội mới và thách thức mới.

Trong bối cảnh đó, với phương châm “đi tìm những câu trả lời mới cho những vấn đề không mới”, cũng với chức năng chăm lo, đại diện và bảo vệ cán bộ, nhà giáo, người lao động trong Ngành, nhưng ở giai đoạn này nhiều hoạt động sáng tạo đã được Công đoàn Giáo dục Việt Nam tích cực triển khai.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã đồng hành cùng ngành Giáo dục đẩy mạnh thi đua đổi mới, sáng tạo trong toàn ngành, triển khai hiệu quả phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” và “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.

Theo đó, những nhóm “Nhà giáo cùng nhau phát triển” được thành lập và thành quả là các đề tài, sáng kiến đổi mới hướng đến việc thay đổi của nhà giáo vì chất lượng giảng dạy và đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Nhiều công trình, sáng kiến, sáng chế khoa học được ứng dụng vào sản xuất và đời sống có giá trị làm lợi hàng trăm tỷ đồng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Minh chứng cho sự thành công của quá trình đổi mới là việc ngày càng nhiều trường đại học có tên trong các bảng xếp hạng chất lượng trong khu vực và trên thế giới. Đã xuất hiện những giáo viên toàn cầu với những lớp học xuyên biên giới. Hàng nghìn nhà giáo tiêu biểu, gương người tốt việc tốt được tuyên dương khen thưởng mỗi năm học; những giải thưởng Kovalepskaia; những Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới được vinh danh làm rạng rỡ và tự hào hơn về đội ngũ nhà giáo, về tổ chức công đoàn và các nhà trường.

Với tinh thần đổi mới đó, Đại hội XV Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đột phá bằng những chương trình hành động cụ thể, thiết thực. Đã có hàng trăm chuyến đi vượt khó, vượt núi băng rừng, hàng trăm cuộc hành trình của những cán bộ công đoàn ngành Giáo dục đến với những người thầy ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...

Biết bao câu chuyện cảm động về những người thầy, những cung bậc cảm xúc, có nước mắt, có nụ cười. Tất cả đều chan chứa một niềm hạnh phúc, ấm áp và vững tin vào điểm tựa, vào mái nhà chung của họ, đó chính là Công đoàn giáo dục Việt Nam.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam thực hiện chức năng chăm lo, bảo vệ nhà giáo người lao động
Công đoàn Giáo dục Việt Nam thực hiện chức năng chăm lo, bảo vệ nhà giáo người lao động

Từng bước đổi mới cùng xu thế hội nhập

Vượt qua chặng đường 70 năm đầy gian nan kể từ ngày thành lập, đến nay bước vào chặng đường mới, kỷ nguyên của thời hội nhập và phát triển, Công đoàn giáo dục Việt Nam cũng từng bước đổi mới cùng với xu thế hội nhập, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới.

Công đoàn thực hiện chức năng chăm lo, bảo vệ nhà giáo người lao động với nội hàm mới. Đó là cùng các nhà giáo, nhà trường tháo gỡ những khó khăn trong lao động nghề nghiệp, những bất cập về cơ chế quản lý, quản trị trường học khi cả nước triển khai triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; khi các trường đại học thực hiện cơ chế tự chủ theo Luật Giáo dục mới. 

Các buổi đối thoại trực tuyến, tham gia xây dựng các chính sách cho nhà giáo, các diễn đàn “Giáo viên trong thời đại hiện nay - những áp lực vô hình”, “Đồng hành cùng nhà giáo”, “công đoàn với tự chủ đại học”... đã lan tỏa đến giáo viên trên mọi miền Tổ quốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho mỗi thầy cô trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.

Các chương trình chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, tư vấn phát thuốc miễn phí; thăm hỏi, động viên, tặng quà đã làm ấm lòng nghĩa tình đồng nghiệp. Những cuộc thi viết về tấm gương nhà giáo tiêu biểu là diễn đàn để học sinh sinh viên và cộng đồng bày tỏ tình cảm, sự trân quý và biết ơn đối với hy sinh lặng thầm của các nhà giáo.

Sáng kiến thực hiện chương trình “Thay lời tri ân” vào dịp 20/11 hàng năm đã có hiệu ứng mạnh tới xã hội. Những thành tích của nhà giáo được ghi nhận; những khó khăn của nhà giáo được chia sẻ; những thành tựu về giáo dục-đào tạo được lan tỏa. 

Hành trình 5 năm “Tết sum vầy - tết cho giáo viên cắm bản vùng xa xôi, hẻo lánh” đã mang đến những cảm xúc vô cùng ấm ấp với những thầy cô giáo, với các em học sinh vùng biên cương xa xôi hẻo lánh, với những chiến sĩ biên phòng, những con người đã cùng nhau “gieo chữ, giữ đất” nơi địa đầu tổ quốc mỗi khi Tết đến xuân về.

Việc Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động xây dựng “Trường học hạnh phúc” đã giúp cho các giáo viên và cán bộ quản lý có thêm công cụ hữu hiệu để vận hành nhà trường theo hướng đổi mới, đáp ứng với nhu cầu của xã hội, đáp ứng với xu thế giáo dục hiện đại, tạo nên những mối quan hệ tích cực trong trường học.

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, trải qua 15 kì Đại hội, Công đoàn giáo dục Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng; được Đảng, Nhà nước và Công đoàn Việt Nam, ngành Giáo dục ghi nhận, trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Độc lập Hạng nhất, Hạng Nhì, Hạng Ba, Huân chương Lao động Hạng Nhất, nhiều bằng khen, cờ thi đua xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ; của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam..

Trong chặng đường xây dựng và phát triển, đội ngũ cán bộ công đoàn đã và đang thắp sáng niềm tin của nhà giáo, người lao động. Sự hy sinh lặng thầm, những cống hiến bền bỉ của họ đã mang lại cho những người thầy giáo, cô giáo động lực để tận hiến vì sự nghiệp trồng người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".