Cô gái Khơ Mú từ đồng ruộng bước vào nghị trường

GD&TĐ - Quàng Thị Nguyệt trở thành đại biểu Quốc hội trẻ tuổi nhất nước với số phiếu là 77,26%. Cô gái người dân tộc Khơ Mú ở Điện Biên ấy đang đứng trước một hành trình đầy thử thách.

Quàng Thị Nguyệt tranh thủ làm các công việc trong nhà.
Quàng Thị Nguyệt tranh thủ làm các công việc trong nhà.

Địu con… về cơ sở

Púng Giắt là bản vùng biên với nhiều khó khăn của huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên). Đây cũng là nơi cô gái Quàng Thị Nguyệt (sinh năm 1997) sinh ra và lớn lên.

Nguyệt học và tốt nghiệp Học viện Phụ nữ Việt Nam (chuyên ngành Công tác xã hội, năm 2019). Về địa phương, Nguyệt phải đối mặt với thực trạng chung đó là không có việc làm. Lấy chồng, sinh con rồi trở về làm nông dân, quẩn quanh với cây lúa, cây ngô. Dù vậy, Nguyệt vẫn nuôi khát vọng tìm kiếm việc làm. Tất cả chỉ với mong muốn thay đổi cuộc sống bản thân, gia đình và quê hương.

Cơ hội đến khi Nguyệt được giới thiệu tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Kể từ đó, cô dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu sâu về “cơ quan quyền lực” cũng như chức năng, nhiệm vụ của mỗi đại biểu. “Khi ứng cử, em tìm hiểu nhiều hơn về Quốc hội, rồi tìm hiểu xem nếu như được tín nhiệm, làm đại biểu thì mình sẽ phải làm những công việc gì? Mình sẽ phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân rồi tháo gỡ ra sao?… Từ đó, em đã lên kế hoạch xem mình sẽ làm gì, làm như thế nào”, Nguyệt tâm sự.

19/4 là lần đầu cô Nguyệt đến với nghị trường Quốc hội, tham gia lớp tập huấn. “Khi đứng tại nghị trường giới thiệu về bản thân, trước toàn các cô, bác, anh, chị có vị trí trong xã hội, lúc đầu em rất hồi hộp và lo lắng. Vừa nói sinh năm 1997, là nông dân, mọi người đều hướng ánh nhìn về em rồi ồ lên bảo: “Trẻ quá!”. Khi ấy em càng tâm lý hơn. Khi nói chuyện với một vị đại biểu lớn tuổi, dày dặn kinh nghiệm ở đó, cô động viên nên em bắt đầu thấy tự tin hơn hẳn”, Nguyệt bộc bạch.

Suốt quá trình tập huấn, rồi cả hành trình nhiều ngày tiếp xúc cử tri căng thẳng sau đó, liên tục đi và đến nhiều nơi cách xa nhà. Thậm chí, có lần phải đi cả trăm km, Nguyệt vẫn phải “tay xách nách mang” theo con nhỏ mới chưa đầy 7 tháng tuổi đi cùng. Thời gian hành chính bận rộn với các nhiệm vụ của ứng cử viên, rảnh giờ nào Nguyệt lại xoay vần với đứa con khát sữa. May mắn có bà ngoại đi cùng đỡ đần nên đã có thêm quyết tâm thực hiện nhiệm vụ.

Xóa bỏ bất bình đẳng giới từ ngành Giáo dục…

Với sự tín nhiệm của cử tri, vừa qua Quàng Thị Nguyệt đã trúng cử và chính thức trở thành đại biểu Quốc hội khóa XV, với tỷ lệ phiếu đạt 77,26%. Cô xếp thứ 3 trong danh sách Đơn vị bầu cử số 1 của tỉnh Điện Biên.

Vinh dự, tự hào là rất lớn, song áp lực cũng chẳng kém bởi Nguyệt hiểu rõ điều này hơn ai hết. Cô hiểu mình là đại biểu trẻ tuổi, kinh nghiệm chưa nhiều, lại bận con nhỏ. Nhưng với khát vọng mang đổi thay, cô quyết tâm sẽ chủ động sắp xếp công việc, cuộc sống gia đình để thực hiện tốt trọng trách mà cử tri đã tin tưởng bầu chọn.

“Trong chương trình hành động của mình em quan tâm nhiều đến vấn đề bình đẳng giới. Bởi ở địa phương nơi em sống và nhiều nơi biên giới khó khăn cũng vậy, phụ nữ vẫn còn chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều người còn chưa thực sự được coi trọng. Một số nơi vẫn còn nạn tảo hôn, trẻ bỏ học giữa chừng để lấy chồng, sinh con, cuộc sống tiếp diễn khó khăn. Vì thế, em muốn góp tiếng nói của mình lên Quốc hội để xóa bỏ điều đó. Em sẽ bắt đầu việc này từ chuyện bình đẳng giới trong giáo dục”, Nguyệt cho hay.

“Đơn cử như tại địa bàn em đang sinh sống, dù các cấp, ngành đầu tư, quan tâm nhiều cho giáo dục, song vì phong tục tập quán, điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều em phải bỏ học giữa chừng. Đặc biệt, học sinh nữ chủ yếu chỉ học hết cấp 2, cấp 3 rồi ở nhà lấy chồng, làm ruộng. Chính vì vậy, trong gia đình ít có tiếng nói và sự tôn trọng của người chồng”, Nguyệt nói.

Hiện tại, bản Púng Giắt có khoảng chục em đã tốt nghiệp đại học đang chờ xin việc. Một nửa số đó là nữ sinh. Cũng bởi cơ hội tìm kiếm việc làm hiếm hoi nên một số gia đình đã không muốn cho con đi học cao. Bản có khoảng 20 gia đình có con em bỏ học giữa chừng đi làm thuê ở các địa phương khác. Cuộc sống vì thế vốn đã khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn.

“Em muốn các bé gái được học cao hơn nữa. Đi học đại học, hoặc học nghề cũng được, để có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm ổn định. Như thế mới thoát khỏi cái đói, cái nghèo và được coi trọng”, Nguyệt nói.

Truyền cảm hứng cho học sinh…

Bản Púng Giắt nơi Nguyệt sinh sống có 90 gia đình, với 435 nhân khẩu. Tất cả đều là dân tộc Khơ Mú. Cuộc sống người dân chỉ quẩn quanh với cây lúa, cây ngô, con ngựa, con bò. Giờ có một người con được bước chân lên nghị trường Quốc hội đóng góp tiếng nói, thật sự là tự hào lớn.

Em Lò Thị Giang hiện đang theo học tại Trường Phổ thông DTNT huyện Mường Chà, chia sẻ: “Em rất ngưỡng mộ chị Nguyệt. Vừa ít tuổi, lại ở vùng sâu, vùng xa như thế mà đã rất cố gắng nhận trọng trách lớn như vậy. Bố mẹ em và bà con trong bản kỳ vọng vào chị Nguyệt lắm. Em cũng muốn được như chị ấy nên sẽ cố gắng học tập để thi đỗ đại học”.

Trưởng bản Lò Văn Trung khi nhắc đến cô Nguyệt cũng không giấu được cảm xúc: “Chúng tôi tự hào lắm. Từ hôm biết tin cháu Nguyệt trúng cử đại biểu Quốc hội, tôi đã thông báo với các gia đình trong bản, nhắn nhủ các phụ huynh khuyên bảo con em mình cố gắng học tập, rèn luyện, lấy đó làm gương mà noi theo”.

Những năm gần đây, hệ thống trường lớp, chế độ, điều kiện học tập của con em đồng bào dân tộc đã được quan tâm nhiều hơn. Vì thế, việc học của con trẻ đã chuyển biến tích cực. Riêng tại Púng Giắt, năm nào cũng có học sinh thi đỗ các trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, do khó khăn trong tìm kiếm việc làm sau khi ra trường nên phần nào ảnh hưởng đến suy nghĩ của các bậc phụ huynh. Bởi thế, học sinh nữ thường được khuyên ở nhà lấy chồng, gắn bó với đồng ruộng.

“Xã Mường Mươn từ khi thành lập (năm 2006) đến giờ chưa có đại biểu Quốc hội nào, cháu Nguyệt là người đầu tiên. Đây là đại diện cho Mường Mươn, được góp tiếng nói trên nghị trường Quốc hội. Kỳ vọng cháu sẽ góp phần làm thay đổi địa phương, song chúng tôi cũng lấy cháu làm tấm gương để thúc đẩy phong trào học tập của con em đồng bào các dân tộc nói chung”, ông Lò Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Mường Mươn cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.