Bộ GD&ĐT xem xét nghiệm thu đề tài dự báo nhu cầu nguồn nhân lực

GD&TĐ - Chiều 15/1, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì phiên họp xem xét, đánh giá kết quả thực hiện Đề tài Nghiên cứu dự báo nhu cầu nguồn nhân lực làm cơ sở xây dựng chương trình đào tạo đến năm 2025.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại phiên họp
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại phiên họp

Đề tài do PGS.TS Trần Thị Thái Hà (Viện Nghiên cứu khoa học Việt Nam) làm Chủ nhiệm, mã số KHGD/16-20.ĐT.001. Thời gian thực hiện 36 tháng (từ tháng 5/2017 đến tháng 5/2020).

Báo cáo trước Hội đồng, PGS.TS Trần Thị Thái Hà cho biết, mục tiêu chung của đề tài là dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực làm cơ sở định hướng xây dựng chương trình đào tạo đến năm 2025 và đề xuất các giải pháp triển khai (nghiên cứu trường hợp ngành công nghệ thông tin - CNTT).

Trao đổi về các mục tiêu cụ thể, PGS.TS Trần Thị Thái Hà chia sẻ, đề tài xây dựng cơ sở lý luận và bài học kinh nghiệm quốc tế đối với vấn đề đặt ra; Đồng thời xác định được nhu cầu nhân lực tổng thể có trình độ đại học, trong lĩnh vực CNTT đến năm 2025; Xác định mức độ phù hợp giữa cung và cầu nhân lực trình độ đại học ngành CNTT trên thị trường lao động; Chỉ ra được khoảng “trống” thiếu hụt giữa cung và cầu nhân lực làm cơ sở cho việc đề xuất chương trình đào tạo.

Ngoài ra, đề tài đưa ra các căn cứ khoa học cho cơ quan quản lý các cấp trong việc xây dựng chính sách liên quan đến định hướng phát triển nhân lực trình độ đại học ngành CNTT; Đồng thời, đưa ra hệ thống các giải pháp về chính sách đảm bảo điều kiện phát triển chương trình đào tạo. Tạo dựng một cơ sở dữ liệu về nhân lực ngành CNTT, phục vụ cho việc quản lý đào tạo và sử dụng nhân lực.

PGS.TS Trần Thị Thái Hà báo cáo trước hội đồng
PGS.TS Trần Thị Thái Hà báo cáo trước hội đồng

Tại phiên họp, các thành viên hội đồng ghi nhận và đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài. Đây là đề tài hay, có giá trị thực tiễn và có tính thời sự. Các khuyến nghị mà nhóm nghiên cứu đưa ra xác đáng. Hội đồng cũng khuyến nghị, nên có hướng để tiếp tục phát triển đề tài này.

Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được công bố qua 1 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế và 5 bài báo khoa học trong nước (vượt 2 bài); 1 cuốn sách chuyên khảo đã xuất bản và 1 bản dự thảo sách tham khảo (vượt 1 cuốn). Trong quá trình nghiên cứu, đề tài đã hỗ trợ đào tạo 2 nghiên cứu sinh chuyên ngành Quản lý Giáo dục tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu của đề tài là căn cứ quan trọng giúp nhóm nghiên cứu tham gia vào các hoạt động hỗ trợ, tư vấn cho Bộ GD&ĐT trong việc xây dựng chiến lược phát triển giáo dục đại học và phát triển nguồn nhân lực quốc gia.

Các thành viên của Hội đồng phản biện, góp ý cho nhóm nghiên cứu
Các thành viên của Hội đồng phản biện, góp ý cho nhóm nghiên cứu

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn ghi nhận, nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu sâu, toàn diện về các vấn đề được đặt ra. Hội đồng đánh giá, nhóm nghiên cứu đã thực hiện nghiêm túc, bài bàn và đáp ứng được các yêu cầu đề ra. Các thành viên trong Hội đồng thống nhất, đề tài ở mức đạt; Đồng thời đề nghị nhóm nghiên cứu cần sớm hoàn thiện đề tài theo góp ý của Hội đồng.

Một số sản phẩm của đề tài đã được Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT); Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực; Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội); Trung tâm Hỗ trợ Đào tạo và Cung ứng Nhân lực (Bộ GD&ĐT) tiếp nhận, sử dụng, phục vụ công tác quản lý. Đề tài đã tự đánh giá nghiệm thu ngày 28/9/2020 xếp loại “Đạt” và được Hội đồng đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét, đánh giá nghiệm thu cấp nhà nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ