Bộ GD&ĐT phát động Cuộc thi xây dựng thiết bị dạy học số lần thứ I năm 2022

GD&TĐ - Hôm nay (10/6), Bộ GD&ĐT tổ chức Lễ phát động Cuộc thi xây dựng thiết bị dạy học số lần thứ I, năm 2022. Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cùng đại diện Ban tổ chức cuộc thi ấn nút phát động. Ảnh Ngô Chuyên.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cùng đại diện Ban tổ chức cuộc thi ấn nút phát động. Ảnh Ngô Chuyên.

Thiết bị dạy học là một phần không thể thiếu trong quá trình dạy học. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, dạy và học trực tuyến đã trở thành xu hướng tất yếu. Tiếp nối truyền thống của những thế hệ nhà giáo trước đây, các nhà giáo Việt Nam đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, tạo ra các thiết bị dạy học số để đổi mới phương pháp dạy học.

Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2022) và khơi dậy niềm say mê sáng tạo của nhà giáo, huy động sức mạnh của cá nhân, tổ chức vì sự nghiệp giáo dục, Bộ GD&ĐT tổ chức “Xây dụng thiết bị dạy học số” lần thứ I năm 2022.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu. Ảnh Ngô Chuyên.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu. Ảnh Ngô Chuyên.

Phát biểu tại Lễ phát động, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nói: “Hơn 2 năm qua, ngành giáo dục đã trải qua nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19. Việc dạy và học bị gián đoạn, học sinh không thể đến trường, thầy và trò không gặp nhau trực tiếp, chỉ qua màn hình máy tính, điện thoại. Trong bối cảnh đó, toàn ngành đã nỗ lực vượt khó”.

Theo đó, ngành giáo dục đã thực hiện thành công mục tiêu kép vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, giáo viên, vừa hoàn thành kế hoạch năm học và kiên trì mục tiêu chất lượng. Để đạt được mục tiêu đó, ngoài sự nỗ lực của các thầy cô, ngành giáo dục. Kết quả này càng cho thấy sức mạnh và vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong bố cảnh cuộc cách mạng lần thứ 4.

Quang cảnh buổi lễ phát động. Ảnh Ngô Chuyên.
Quang cảnh buổi lễ phát động. Ảnh Ngô Chuyên.

Theo Thứ trưởng, nhu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số quốc gia nói chung và ngành giáo dục nói riêng vừa là nhiệm vụ, vừa là nhu cầu hết sức cấp thiết.

Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia năm 2025, định hướng đến năm 2030, lĩnh vực giáo dục và đào tạo là lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số trước. Quyết định số 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục giai đoạn 2022-2025, định hướng năm 2030 đã đề ra mục tiêu “Đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học”.

Nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy – học góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục theo đúng mục tiêu của chương trình chuyển đổi số quốc gia và của Bộ GD&ĐT, một trong những nhiệm vụ quan trọng là xây dựng và phát triển kho học liệu số về thiết bị dạy học số có chất lượng, được chia sẻ và sử dụng rộng rãi trong các cơ sở giáo dục.

Đại biểu dự lễ phát động.
Đại biểu dự lễ phát động.

Để triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, Bộ GD&ĐT tổ chức Cuộc thi Xây dựng thiết bị dạy học số lần thứ I năm 2022 với mục đích: Khuyến khích phong trào thiết kế, sáng tạo, làm thiết bị dạy học trong giáo viên và tổ chức, cá nhân để bổ sung thiết bị dạy học tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là những nơi chưa có điều kiện mua sắm đầy đủ trang thiết bị dạy học, góp phần hỗ trợ các cơ sở giáo dục chuẩn bị thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định.

Theo đó, các sản phẩm của cuộc thi sẽ được tuyển chọn để chia sẻ miễn phí đến cộng đồng, qua đó hỗ trợ cơ sở giáo dục, giáo viên, học sinh lựa chọn những thiết bị dạy học số có chất lượng sử dụng trong hoạt động dạy và học, góp phần quan trọng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ tin, phù hợp với các phương thức dạy học trong bối cảnh hiện nay.

Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chính thức phát động “Cuộc thi Xây dựng thiết bị dạy học số lần thứ I năm 2022”.

Thứ trưởng cũng đề nghị UBND các tỉnh, Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục, đào tạo tích cực hưởng ứng và tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, học sinh, sinh viên, các tổ chức, cá nhân được tham gia cuộc thi.

Các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên với tinh thần sáng tạo, yêu nghề sẽ có nhiều sản phẩm chất lượng, góp phần thành công của cuộc thi, góp phần thiết thực vào đổi mới phương pháp dạy- học trong chuyển đổi số của toàn ngành.

“Đây là cuộc thi có ý nghĩa thiết thực với ngành giáo dục lần đầu tiên được tổ chức, do đó tôi đề nghị Ban tổ chức cuộc thi chủ động chuẩn bị các điều kiện tổ chức tốt nhất, đảm bảo cuộc thi diễn ra nghiêm túc, khách quan, công bằng, thiết thức và hiệu quả”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thể lệ cuộc thi xây dựng thiết bị dạy học số lần thứ I, năm 2022 như sau:

Cuộc thi được tổ chức trên toàn quốc.

Đối tượng dự thi là các cá nhân hoặc nhóm cá nhân đang cư trú tại Việt Nam đều có thể nộp sản phẩm tham dự Cuộc thi; các cá nhân chưa đủ 18 tuổi khi tham dự Cuộc thi phải được sự đồng ý của người giám hộ.

Tư liệu dạy học gồm bộ tranh ảnh, video clip; phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo; thiết bị thí nghiệm thực hành được kết nối và có thể tương tác được trên máy tính…

Sản phẩm dự thi phải đảm bảo tính khoa học, thẩm mỹ và sư phạm, phù hợp với các hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; sản phẩm có thể thay thế các thiết bị dạy học truyền thống hoặc những thiết bị thí nghiệm, dụng cụ thí nghiệm không thể sử dụng được trong lớp học; sản phẩm dự thi không vi phạm các quy định của Luật sở hữu trí tuệ và các quy định pháp luật liên quan (nếu có).

Các sản phẩm dự thi được xây dựng, thiết kế, số hóa để sử dụng hoàn toàn hoặc một phần trên môi trường số phục vụ cho công tác dạy và học tại các cơ sở giáo dục phổ thông và thường xuyên; có thể thay thế các thiết bị dạy học truyền thống hoặc những thiết bị thí nghiệm/dụng cụ thí nghiệm không thể sử dụng được trong lớp học.

Các sản phẩm dự thi phải được đăng ký và nộp theo hình thức trực tuyến tại website của Cuộc thi: http://tbdhs.moet.gov.vn

Người thi cần nộp các tệp dữ liệu chưa sản phẩm dự thi, mô tả về sản phẩm dự thi, các video ứng dụng sản phẩm trong quá trình dạy học…

Thời gian tiếp nhận sản phẩm dự thi từ ngày 1/7/2022 đến ngày 15/8/2022. Thời gian tiếp nhận bình chọn của xã hội đối với các sản phẩm dự thi tại website của Cuộc thi từ ngày 10/10/2022 đến ngày 25/10/2022.

Dự kiến giải thưởng:

Giải Nhất: 1 máy tính xách tay;

Giải Nhì: 1 máy tính để bàn;

Giải Ba: 1 máy tính bảng

Giải Khuyến Khích và Giải thưởng do xã hội bình chọn: 1 máy tính bảng.

Các tác giả có sản phẩm đạt giải Đặc biệt, Nhất, Nhì trong Cuộc thi được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT.

Các tác giả có sản phẩm đạt giải Ba, giải Khuyến khích và giải thưởng do xã hội bình chọn được cấp Giấy chứng nhận đạt giải của Ban Tổ chức Cuộc thi.

Các tác giả có sản phẩm tham gia Vòng Chung khảo nhưng không đạt giải được cấp Giấy chứng nhận tham gia Vòng Chung khảo của Ban Tổ chức Cuộc thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tùy bút: Những ngày khói lửa

Tùy bút: Những ngày khói lửa

GD&TĐ - Chúng tôi đã sống nghèo nhưng trong sáng trong thời bao cấp, tự hào lên đường theo “tiếng gọi non sông” để lại một phần tuổi xuân trên chiến trường...