Kết nối trường ĐH và trường Phổ thông nâng tầm hoạt động NCKH

GD&TĐ - Với mục đích giúp học sinh làm quen với nghiên cứu khoa học (NCKH), nhiều trường học đã tổ chức thực hành hoạt động nghiên cứu; đưa các em đến với các trường đại học để trải nghiệm thực tế…

Những hoạt động này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả mà còn khuyến khích HS sáng tạo trong học tập.

Từ thực tế trải nghiệm

Một trong nhiều hoạt động gắn kết dạy học và thực tế, Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP Nam Định, Nam Định) đã đưa các học sinh đến Học viện Nông nghiệp Việt Nam để tham quan học tập trải nghiệm thực tế. Tại đây, các em được tiếp cận với các thiết bị nghiên cứu hiện đại cùng không gian thí nghiệm tiên tiến; bổ sung thêm kiến thức khoa học mới mẻ, mang tính thực tiễn.

Dưới sự hướng dẫn của các giảng viên đại học, HS được theo dõi trực tiếp các thí nghiệm hóa sinh về nuôi cấy vi khuẩn, tách DNA, bảo quản gen… Các bạn cũng hiểu hơn về cách nhuộm màu, làm thuốc, gây đột biến gen của các sinh vật khác… bằng con đường tìm kiếm các loại vi sinh mới.

Giảng viên Trường ĐH Thủy lợi và em Trần Thu Thủy, Vương Ngọc Bảo Linh (thứ 2 và 3 từ phải sang) đoạt giải Ba, Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông năm học 2019 - 2020 TP Hà Nội.
Giảng viên Trường ĐH Thủy lợi và em Trần Thu Thủy, Vương Ngọc Bảo Linh (thứ 2 và 3 từ phải sang) đoạt giải Ba, Cuộc thi  Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông năm học 2019 - 2020 TP Hà Nội. 

Cách tạo ra các giống cây có kích thước, sản lượng, chất lượng phù hợp với điều kiện môi trường, nhu cầu của con người trên cơ sở nghiên cứu điều kiện nuôi trồng, chăm sóc các mô tế bào… khiến các em ồ lên thích thú.

Theo cô Trần Thị Mai – Hiệu trưởng Trưởng THPT Trần Hưng Đạo (TP Nam Định, Nam Định), nhờ có những gợi dẫn cụ thể, chi tiết của  thầy cô, các em học sinh bắt đầu tìm thấy nhu cầu, động cơ học tập và nghiên cứu để mở rộng đường biên đề tài khoa học bản thân đang ấp ủ; hoặc nhen nhóm những hứng thú tìm hiểu, khám phá tri thức mới liên quan đến công nghệ vi sinh.

Học sinh đều hào hứng khi trực tiếp nghe các nhà khoa học giải đáp thắc mắc về từng quy trình nghiên cứu, cũng như nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà nghiên cứu. Các bạn cũng được các GS, TS của Học viện chia sẻ thực tế hoạt động nghiên cứu và phát triển nông nghiệp quốc gia những năm gần đây, cũng như gợi ý khả năng triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) phù hợp với HS phổ thông.

Ông Cao Xuân Hùng – Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định, chia sẻ: Hoạt động tham quan học tập, trải nghiệm thực tế cho thấy tính hiệu quả cao, mang đến cho HS kiến thức bổ ích, hấp dẫn, sinh động về nông nghiệp, cùng những kỹ năng thiết yếu để triển khai đề tài NCKH. Trong các trường phổ thông vẫn có những hoạt động nghiên cứu khoa học, nhưng ở môi trường này điều kiện có hạn nên chủ yếu là khơi dậy niềm đam mê.

Từ những nghiên cứu nhỏ bé ở trường phổ thông, HS được tiếp cận với phòng nghiên cứu ở các trường đại học, được trải nghiệm thực tế nghiên cứu từ chính các nhà khoa học sẽ thổi bùng ngọn lửa đam mê nghiên cứu trong mỗi em. Điều này chắc chắn sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường.

Học sinh Trường THPT Đa Phúc, Hà Nội thực hành tại phòng thí nghiệm Trường ĐH Thủy lợi. Ảnh: TG
Học sinh Trường THPT Đa Phúc, Hà Nội thực hành tại phòng thí nghiệm Trường ĐH Thủy lợi. Ảnh: TG

Đến hỗ trợ trực tiếp

Ở Trường Đại học Thủy lợi (Hà Nội), nhiều năm trở lại đây, giảng viên ngành Kỹ thuật Hóa học, Khoa Hóa và Môi trường đã đồng hành cùng các trường THCS, THPT trong hướng dẫn nghiên cứu khoa học.

Năm 2020, giảng viên ngành Kỹ thuật Hóa học hướng dẫn 2 nhóm HS Trường THPT Đa Phúc và Trường THCS Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Trước đó, dưới sự hướng dẫn của các giảng viên nhà trường, đề tài “Nghiên cứu sử dụng tổ hợp các chất hoạt động bề mặt và đánh giá khả năng tăng thu hồi dầu” của nhóm học sinh Trần Thu Thủy, Lớp 11A1, Trường THPT Nguyễn Trãi (huyện Thường Tín, Hà Nội) và Vương Ngọc Bảo Linh, Lớp 9G, Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) thực hiện tại phòng Thí nghiệm Kỹ thuật Hóa học - Trường Đại học Thủy lợi đã giành giải Ba tại cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông năm học 2019 - 2020 thành phố Hà Nội.

Với đề tài “Nghiên cứu sử dụng vật liệu nano SiO2 điều chế từ tro trấu để xử lý nước thải” được thực hiện tại phòng Thí nghiệm Kỹ thuật Hóa học – Trường Đại học Thủy lợi đã xuất sắc giành giải Nhất tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp tỉnh.

Tác giải đề tài, em Trần Thiện Vũ – HS lớp 10 chuyên Hóa Trường THPT chuyên Bắc Giang cho biết: Yêu thích khoa học và mong muốn có được nghiên cứu là đam mê không chỉ của riêng em mà nhiều bạn khác. Đề tài của em hướng đến xử lý nước thải chống ô nhiễm từ chính tro trấu ở các vùng quê.

Khi được các thầy là giảng viên đại học hướng dẫn nghiên cứu, em đã thuận lợi hơn rất nhiều, từ cách làm cho đến được tạo điều kiện thực hành trong phòng thí nghiệm hiện đại. Mong rằng sẽ nhiều bạn có tình yêu khoa học, được tiếp cận và hỗ trợ nghiên cứu hiệu quả như em.

Nói về việc đồng hành cùng HS phổ thông trong các hoạt động nghiên cứu, GS.TS Nguyễn Trung Việt – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi trao đổi: Đi đầu trong hoạt động nghiên cứu về các vấn đề thủy lợi, thủy văn…, nhà trường hệ thống các phòng thí nghiệm hiện đại hỗ trợ tốt cho hoạt động nghiên cứu.

Chúng tôi luôn sẵn sàng đón nhận và khuyến khích các trường phổ thông đến để các nhà khoa học của trường chia sẻ, hỗ trợ HS làm quen với các hoạt động nghiên cứu. Giáo dục phổ thông và các trường đại học có mối liên hệ hữu cơ, khi chất lượng GD phổ thông tốt thì nguồn tuyển cho GD đại học càng chất lượng.

Thực tế cho thấy, trường đại học đồng hành với trường phổ thông, hỗ trợ HS làm quen với nghiên cứu khoa học, đã và đang phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 29 về đổi mới GD-ĐT. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.