Hỗ trợ, tạo điều kiện nhưng không làm thay
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Các cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể ở đây là Bộ GD&ĐT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho quan hệ cung cầu nhưng không làm thay.
Bộ trưởng nêu rõ, ngành Nông nghiệp là một trong những ngành kinh tế lớn, giải quyết tốt được vấn đề việc làm, không chỉ về kinh tế mà cả vấn đề xã hội. Theo Bộ NN&PTNT, ngành này chiếm khoảng 37% tổng lượng lao động trên toàn quốc, rải rộng các lĩnh vực, trong đó đặc biệt là những lĩnh vực cần có yếu tố công nghệ, từ giống vật nuôi, cây trồng cho đến phát triển thu hoạch, chế biến...
Hiện nay, có khoảng 54 các cơ sở giáo dục ĐH nghiên cứu, đào tạo đại học, sau đại học - có liên quan đến các ngành nông nghiệp. Hàng năm cho tốt nghiệp hàng vạn cử nhân phục vụ cho các hoạt động khác nhau trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển nông thôn.
Về chất lượng đào tạo, qua khảo sát vừa rồi (năm 2018), trong một vạn sinh viên tốt nghiệp thì khoảng 75% có việc làm đúng theo ngành nghề đào tạo. Như vậy còn 25% nữa chưa có việc làm hoặc phải đổi nghề. Vấn đề này đặt ra một thách thức.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi Tọa đàm |
Tâm điểm là đổi mới sáng tạo
Theo Bộ trưởng, phần lớn các cơ sở giáo dục còn bị động, đào tạo ra những gì mà chúng ta có thế mạnh dẫn đến đến những ngành đào tạo truyền thống rất nhiều, còn những ngành về công nghệ mới phục vụ cho nông nghiệp thì còn khiêm tốn.
Mặc dù nông nghiệp chúng ta rất phát triển, rất quan tâm đến nhân lực nhưng những năm gần đây, tuyển sinh vào các ngành nông nghiệp cũng chưa thực sự hấp dẫn. Từ đó đặt ra một vấn đề về tính dự báo của chúng ta còn hạn chế.
Thứ nữa là chương trình đào tạo chưa sát với thực tiễn, quy trình xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo chưa được đổi mới nhiều, dẫn đến sản phẩm đào tạo chưa thực sự thích nghi ngay, doanh nghiệp phải mất nhiều công đào tạo lại. Đây cũng là vấn đề, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà vì khi ra trường sinh viên còn thiếu rất nhiều thứ, thậm chí thiếu cả những kỹ năng cần thiết.
Cũng theo Bộ trưởng, phương thức tổ chức đào tạo vẫn chủ yếu thầy dạy, chưa tạo ra được hệ sinh thái đào tạo, đổi mới sáng tạo...
Bộ trưởng nhấn mạnh, tới đây, khi thực hiện tự chủ đại học, các cơ sở có cơ hội rất lớn, được chủ động cao để quyết định hoạt động của mình, nhưng cũng đứng trước một thách thức mà nếu không có năng lực tự chủ thì rất lúng túng.
Như vậy vấn đề cung đang đặt ra một nhiệm vụ rất lớn cho các trường đại học. Và chúng ta phải quan điểm rộng hơn là, không phải các trường đại học nông – lâm - ngư nghiệp thì mới đào tạo nhân lực cho ngành nông nghiệp.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Luôn tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho quan hệ cung - cầu nhưng không làm thay |
Quan điểm của Bộ GD&ĐT là hỗ trợ, thúc đẩy tất cả các cơ sở GD-ĐT có những điều kiện thuận lợi mà phục vụ tốt cho phát triển nông nghiệp với hướng mới, quan điểm mới là không phải truyền thống cây gì, con gì, mà ứng dụng mạng khoa học công nghệ vào để tăng năng suất lao động, tạo được thực sự cạnh tranh cao.
Điều này không chỉ dừng lại khâu sản xuất, mà sau thu hoạch, thậm chí phân phối và đến tận khâu tiêu thụ phụ sản phẩm. Với quan điểm đấy nguồn cung rất đa dạng.
Bộ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT có tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học với tinh thần tự chủ rất cao. Bộ đang trình Chính phủ 2 nghị định mà tới đây sẽ ban hành, đó là: Nghị định tự chủ đại học trên cơ sở Quyết định 77 của Chính phủ và Nghị định thực hiện Luật trên.
Dưới đó có một số thông tư hướng dẫn, để tạo điều kiện thuận lợi cho các trường nhưng cũng siết chặt chất lượng. Một mặt tạo điều kiện thuận lợi để các trường tự chủ; mặt khác các trường nâng cao trách nhiệm giải trình thông qua kiểm định.
Bộ cũng đang rà soát để sửa đổi quy định về mã ngạch linh hoạt; không nhất thiết một ngành chạy suốt theo, mà có thể liên ngành thích hợp, để tạo thuận lợi phù hợp với thực tiễn.