Kết nối làng nghề, lan tỏa giá trị truyền thống của Thủ đô

GD&TĐ - Hà Nội không chỉ thuộc Mạng lưới Thành phố sáng tạo, mà còn có tiềm lực đi đầu trong việc phát triển công nghiệp văn hóa.

Không gian triển lãm 'Dòng tranh dân gian Hàng Trống'.
Không gian triển lãm 'Dòng tranh dân gian Hàng Trống'.

Với 1.350 làng nghề, Hà Nội hiện đang chiếm trên 30% tổng số làng nghề trên cả nước. Nếu biết khai thác đúng cách, hệ thống làng nghề - phố nghề không chỉ hình thành các hệ giá trị văn hóa, mà còn tạo hành lang phát triển lĩnh vực văn hóa, du lịch, lan tỏa văn hóa truyền thống của Thủ đô văn hiến.

Tiềm lực từ nghề truyền thống

“Tọa đàm “Nghề thủ công truyền thống Hà Nội - Sáng tạo để phát triển” và triển lãm “Dòng tranh dân gian Hàng Trống” có thể kích thích sự quan tâm của giới trẻ cũng như của cộng đồng trước những vấn đề sống còn của các giá trị di sản văn hóa nói chung cũng như của nghệ thuật tranh dân gian Hàng Trống nói riêng. Đồng thời cũng khơi gợi tình yêu và sự trân quý các di sản văn hóa truyền thống giữa cuộc sống hiện đại, mà nhiều thứ đang dần mai một hoặc biến mất” - Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn.

Ngày 7/4, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Nghề thủ công truyền thống Hà Nội - Sáng tạo để phát triển” diễn ra tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội.

Tọa đàm nhằm tìm ra các sáng kiến và giải pháp thiết thực trong công tác bảo tồn các giá trị di sản nghề thủ công truyền thống; khuyến khích sự tham gia, kết nối của các làng nghề - phố nghề, giữa các nghệ nhân và thợ thủ công, giữa các tổ chức, các doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực sáng tạo để nâng cao chất lượng sản phẩm thủ công truyền thống phục vụ du lịch, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô.

Đồng thời, tọa đàm cũng tìm hướng xây dựng những điểm giới thiệu, trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ, lưu niệm, quà tặng của các làng nghề - phố nghề Hà Nội. Từ đó, có thể quảng bá tinh hoa làng nghề và tăng tính trải nghiệm cho du khách khi đến Hà Nội nói chung và khu phố cổ nói riêng.

Hà Nội được kỳ vọng là địa phương đi đầu trong công cuộc xây dựng và phát triển lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Không chỉ có vậy, Hà Nội cũng được UNESCO ghi danh trong số 246 thành phố tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu. Bởi vậy, sự kỳ vọng từ các hệ giá trị mà Hà Nội xây dựng sẽ thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đất nước.

Nguồn lực văn hóa Hà Nội có 5.922 di tích lịch sử, văn hóa; 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có tới 308 làng nghề truyền thống. Đây được coi là tiềm lực chính và mũi nhọn để thúc đẩy công nghiệp văn hóa.

Nếu biết khai thác đúng cách, hệ thống làng nghề - phố nghề sẽ trở thành những điểm đến không chỉ đem lại lợi nhuận kinh tế, mà còn là lợi thế để quảng bá và lan tỏa các giá trị truyền thống của đặc sắc của Thủ đô văn hiến.

Chỉ xét riêng tại huyện Thường Tín đã có hàng chục làng nghề và nhóm nghề thủ công mỹ nghệ độc đáo, như: Nghề thêu ở các làng Bình Lăng, Đào Xá, Hướng Dương, Khoái Nội (xã Thắng Lợi); Cổ Chất, Đông Cứu (xã Dũng Tiến), Quất Động, Bì Hướng, Đức Trạch, Quất Lâm, Quất Tỉnh, Lưu Xá (xã Quất Động), Từ Vân (xã Lê Lợi); Nghề khảm trai, sơn mài ở các làng Hạ Thái, Duyên Trường (xã Duyên Thái)…

Thống kê năm 2022 cho thấy, giá trị sản xuất của Hà Nội có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 - 20 tỉ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 - 50 tỉ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt hơn 50 tỉ đồng/năm. Khối làng nghề tạo công ăn, việc làm cho khoảng 740 nghìn lao động.

Tuy nhiên, nghề thủ công truyền thống của Hà Nội cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều nghề bị mai một, số nghệ nhân có tuổi qua đời trong khi lớp trẻ ít mặn mà giữ nghề. Bên cạnh đó là khả năng tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu, thiết kế và quảng bá sản phẩm.

Bởi vậy, Tọa đàm “Nghề thủ công truyền thống Hà Nội - Sáng tạo để phát triển” ngoài việc bàn định các kế hoạch phát triển, còn nhằm kết nối làng nghề hình thành giá trị công nghiệp văn hóa, tạo thương hiệu và những đóng góp cho Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu.

Đưa giá trị di sản vào đời sống

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên – người cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống.

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên – người cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống.

Trong khuôn khổ tọa đàm còn diễn ra triển lãm “Dòng tranh dân gian Hàng Trống”, giới thiệu tinh hoa của dòng tranh dân gian và các sáng tạo mới từ tranh dân gian của các nghệ sĩ đương đại. Triển lãm được khai mạc vào chiều tối 6/4 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội và kéo dài đến hết ngày 16/4.

Triển lãm giới thiệu 23 bức tranh Hàng Trống với các chủ đề tranh thờ và tranh trang trí của nghệ nhân Lê Đình Nghiên do nhà sưu tầm Nguyễn Quang Trung cung cấp. Bên cạnh đó, 23 tác phẩm của các họa sĩ trẻ lấy cảm hứng từ tranh dân gian Hàng Trống trên nhiều chất liệu khác nhau qua không gian sắp đặt của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết: “Triển lãm là cuộc đối thoại phối từng cụm tác phẩm gốc của nghệ nhân Lê Đình Nghiên và tác phẩm mới đương đại lấy cảm hứng từ tác phẩm gốc để so sánh từ dự án “Từ truyền thống tới truyền thống” được khởi xướng từ mô hình xưởng Lụa của tôi”.

Dự án gốc “Từ truyền thống tới truyền thống” do họa sĩ Nguyễn Thế Sơn khởi xướng và hướng dẫn sinh viên cũng như giám tuyển triển lãm từ năm 2020.

Mỗi tác phẩm là những phương án ứng tác, từ những tác phẩm mang xu hướng thiết kế cho đến những tác phẩm mang tính thử nghiệm có khả năng tương tác cao chứa đựng những suy tư về giá trị di sản của văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại.

“Không phải chỉ là sao chép lại hay học theo cách làm của nghệ nhân, chúng tôi muốn chuyển hóa tinh thần của dòng tranh Hàng Trống, tình yêu của nghệ nhân vào đội ngũ nghệ sĩ sáng tạo trẻ, được đào tạo bài bản và có cách tiếp cận mới”, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho hay.

Những bức tranh cũ - mới, của nghệ nhân hay họa sĩ đương đại cũng nhằm đưa các giá trị di sản vào đời sống. Đây không chỉ là cách làm mới hiện đại hóa các giá trị truyền thống, hay truyền thống hóa sản phẩm đương đại, mà còn thể hiện trách nhiệm sáng tạo, gìn giữ vốn cổ của nghệ nhân cũng như các họa sĩ trẻ - nhằm xây dựng một Hà Nội hiện đại - cổ kính và bản sắc độc đáo trong quá trình hội nhập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.