Phát triển công nghiệp văn hóa là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Hà Nội trong vai trò “đầu tàu” theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Hội thảo khoa học Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” vào ngày 21/3 nhằm nhận diện rõ các giá trị cũng như nguồn lực văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
Hội thảo cũng nêu ra những băn khoăn để làm sao Hà Nội thực sự là một thành phố sáng tạo? Đặc biệt, cách nào để Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa?
Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước
Làng làm đàn Đào Xá thuộc xã Đông Lỗ (Ứng Hòa) là địa chỉ mà khách du lịch châu Âu tìm đến. |
Hà Nội có nguồn lực từ vốn di sản không chỉ dồi dào mà còn đa dạng, nhưng nếu không có kế hoạch cụ thể cùng các quyết định hành động đúng đắn, việc phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” chưa có gì chắc chắn thành công. Hà Nội từng lỡ hẹn “mục tiêu hoàn thành sớm về công nghiệp hóa, hiện đại hóa so với cả nước” - đó là một ví dụ, cũng là một bài học.
Ngày 6/1/2012, Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020. Từ đó, Hà Nội giữ vai trò quan trọng bậc nhất của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Thế nhưng vì nhiều lý do, mục tiêu này không đạt kết quả như kỳ vọng. Trong báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 11, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định: “Một số mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng chưa hoàn thành, nhất là mục tiêu hoàn thành sớm về công nghiệp hóa, hiện đại hóa so với cả nước”.
Gỡ bỏ các nút thắt, xác định phát triển công nghiệp văn hóa là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Hà Nội - Nghị quyết 15-NQ/TW đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: Phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”.
Theo tinh thần Nghị quyết số 15, Hội thảo “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” được tổ chức tập trung thảo luận 4 nhóm vấn đề quan trọng.
Trong đó, vấn đề thứ hai là nhận diện các nguồn lực văn hóa: Luận cứ khoa học và thực tiễn, các giải pháp để phát huy nguồn lực văn hóa Thăng Long - Hà Nội, chuyển hóa nguồn tài nguyên nhân văn, nguồn vốn văn hóa để phát triển công nghiệp văn hóa. Vấn đề thứ ba bàn các giải pháp phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”.
Giới chuyên gia nhận định, việc xây dựng ngành công nghiệp văn hóa có mối liên hệ chặt chẽ với thương hiệu “Thành phố sáng tạo”. Năm 2019, Hà Nội được UNESCO ghi danh trong số 246 thành phố tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu.
Nguồn lực văn hóa Thăng Long - Hà Nội có 5.922 di tích lịch sử, văn hóa; 1.350 làng nghề và làng có nghề. Hà Nội cũng là nơi hội tụ đông đảo các chủ thể sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp. Tuy nhiên trái với lợi thế có sẵn, Hà Nội còn lúng túng để đưa công nghiệp văn hóa lên bước tiến mới.
Bởi vậy, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu trong hội thảo, rằng: “Trên thế giới, hiếm có Thủ đô nào có lịch sử, truyền thống văn hóa hơn 1.000 năm tuổi như Thủ đô Hà Nội.
Mỗi người dân Hà Nội và chúng ta luôn tự hào về Thủ đô yêu dấu, luôn ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu”.
Phát triển dựa trên “nguồn vốn” di sản
Hà Nội có nhiều làng nghề đặc sắc có thể thu hút khách du lịch (ảnh chụp tại làng gốm Kim Lan). |
Bàn về thành phố sáng tạo và nguồn lực văn hóa Thủ đô, Hà Nội từng có nhiều hội thảo nhằm bàn góp các ý kiến của giới chuyên gia. Như cuối năm 2021, tại Văn miếu Quốc Tử Giám, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhận định rằng: Hà Nội đã rất nỗ lực, tự hào khi trở thành địa phương đầu tiên của Việt Nam ở lĩnh vực thiết kế. Tuy nhiên, trải qua 2 năm, khái niệm ấy vẫn còn mờ nhạt.
Và cho đến nay, nếu tính từ thời điểm Hà Nội được UNESCO ghi danh Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu - đã 4 năm, nhưng việc xây dựng thành phố sáng tạo chưa có chuyển biến, vẫn mờ nhạt như thời điểm năm 2021.
Hà Nội có nguồn lực to lớn, trong 1.350 làng nghề và làng có nghề (318 làng nghề và làng nghề truyền thống đã được công nhận) chính là kho tài nguyên khổng lồ phục vụ 2 mục đích lớn: Thiết kế sáng tạo và công nghiệp văn hóa.
Hà Nội cũng được tư vấn nên tập trung thực hiện 4 nhóm phát triển công nghiệp văn hóa, gồm: Làng nghề truyền thống; Nghệ thuật biểu diễn; Du lịch văn hóa và Giáo dục sáng tạo trong nhà trường. Các nhóm phát triển này phần lớn đều có thể dựa trên “nguồn vốn” dồi dào từ di sản.
Tuy nhiên, thực trạng đáng buồn là đa số những người làm về văn hóa, về sáng tạo nhưng không hiểu “Thành phố sáng tạo” là gì (67% năm 2021). Bởi vậy, trước khi tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, việc lan toả khái niệm để các chủ thể sáng tạo hiểu “Thành phố sáng tạo” là yếu tố sống còn.
Với nguồn lực di sản văn hóa và chủ thể sáng tạo phong phú, Hà Nội được đánh giá cao về tiềm năng trong mạng lưới 246 thành phố sáng tạo toàn cầu. So với các thành phố của Trung Quốc, Anh, Nhật Bản hay Indonesia - Hà Nội có khả năng trở thành trung tâm sáng tạo của Đông Nam Á.
Công nghiệp văn hóa Hà Nội cũng được nhìn thấy trong nhiều công trình kiến trúc lịch sử lâu đời, như: Hoàng thành Thăng Long, Nhà hát Lớn, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, các công trình tôn giáo tín ngưỡng, hệ thống đình đền… Sự đa dạng của các sản phẩm thủ công, như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái…