Hà Nội thu hút đầu tư trong và ngoài nước phát triển công nghiệp văn hóa

GD&TĐ - Hà Nội phấn đấu đến năm 2045, công nghiệp văn hóa Thủ đô sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển toàn diện; là tiền đề để xây dựng Hà Nội có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa và bền vững...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 217/KH-UBND về việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Kế hoạch đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; giữ vững và phát triển thương hiệu Thủ đô ngàn năm văn hiến, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”. Phấn đấu đóng góp khoảng 5% GRDP của thành phố.

Đến năm 2030, công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác; trở thành “Thành phố sáng tạo” có sức ảnh hưởng trong khu vực Đông Nam Á. Doanh thu từ các ngành công nghiệp văn hóa tăng dần theo từng năm, đóng góp khoảng 8% GRDP của thành phố.

Đến năm 2045, công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển toàn diện; là tiền đề để xây dựng Hà Nội có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa và bền vững; trở thành thành phố kết nối toàn cầu, văn hiến, văn minh, hiện đại và sáng tạo, ngang tầm các thủ đô và thành phố hàng đầu trong khu vực; đóng góp khoảng 10% GRDP của thành phố.

Phát triển công nghiệp văn hóa bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú

Với các mục tiêu này, UBND thành phố Hà Nội chỉ ra hai nhóm nhiệm vụ chính, đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp triển khai thực hiện. Đó là: Tổ chức quán triệt, tuyên truyền thúc đẩy đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của phát triển công nghiệp văn hóa đối với phát triển bền vững Thủ đô bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy sáng tạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, nhằm phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực phát triển công nghiệp văn hóa trên các lĩnh vực: Du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế, ẩm thực, quảng cáo, điện ảnh, mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm, thời trang... bảo đảm phát triển đồng bộ trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Xây dựng cơ chế hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích cho người dân và doanh nghiệp các cơ chế hợp tác công – tư trong quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phát triển văn hóa; khuyến khích xây dựng, hình thành, phát triển các loại quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ, quỹ giải thưởng theo hình thức hợp tác công - tư để phát triển văn hóa.

Rà soát, điều chỉnh bổ sung các nội dung phát triển công nghiệp văn hóa vào quy hoạch phát triển chung của thành phố đến năm 2030; bổ sung, điều chỉnh các nội dung liên quan đến phát triển công nghiệp văn hóa, tích hợp đồng bộ các mục tiêu đầu tư, dự án thuộc lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa vào Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030; tầm nhìn đến năm 2050.

Trọng tâm là bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa, di sản đô thị của Thủ đô

Đề xuất các nội dung phát triển công nghiệp văn hóa cập nhật trong quá trình lập, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trọng tâm là bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa, di sản đô thị của Thủ đô, nhận diện các khu vực cần bảo tồn trên cơ sở đó đưa ra các phương án bảo tồn phù hợp và xây dựng cơ sở văn hóa, thể thao, không gian văn hóa nghệ thuật mới…

Nghiên cứu đề xuất cơ chế cải cách quy trình thủ tục đầu tư nhằm thu hút được các nhà đầu tư trong nước, quốc tế có uy tín, thương hiệu, tiềm lực triển khai thực hiện các dự án xây dựng cơ sở vật chất, công trình hạ tầng kỹ thuật, tổ hợp vui chơi giải trí và thể thao có quy mô, tiêu chuẩn quốc tế phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa.

Tham mưu đề xuất các cơ chế, chính sách liên quan, nhằm huy động nguồn lực tài chính cho việc phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ