Tuy nhiên, bài toán lớn hơn đặt ra khi thực hiện phát triển các ngành công nghiệp văn hóa - là sự cân đối giữa kinh tế và văn hóa, giữa sự phát triển và bảo tồn, giữa sản phẩm văn hoá nội và ngoại. Nếu cứ kỳ vọng công nghiệp văn hóa như “con gà đẻ trứng vàng” thì rất có thể sẽ đi chệch hướng.
Chưa phát triển đúng hướng
Theo ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, tháng 9/2016 Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam”đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Công nghiệp văn hóa là các lĩnh vực sử dụng tài năng sáng tạo, vốn văn hóa kết hợp công nghệ, kỹ năng kinh doanh tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Tại Việt Nam, cơ cấu gồm 12 ngành: Điện ảnh, Xuất bản, Thời trang, Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, Truyền hình và phát thanh, Du lịch văn hóa, Quảng cáo, Kiến trúc, Phần mềm và các trò chơi giải trí, Thủ công mỹ nghệ.
Chiến lược đặt mục tiêu phát triển văn hóa thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp khoảng 3% GDP vào năm 2020 và tăng lên 7% vào năm 2030. Sau 5 năm đề ra chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa, Việt Nam đạt được một số thành tựu nhất định nhưng còn nhiều rào cản.
Theo báo cáo quốc gia năm 2019, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 3,61% GDP, cao hơn dự tính. Con số này hứa hẹn tương lai đóng góp 7% GDP vào năm 2030 là khả thi.
Tuy nhiên, ông Bùi Hoài Sơn nhận định 12 ngành công nghiệp văn hóa chưa phát triển đúng theo hướng kinh tế thị trường: “Chúng ta phải quan niệm các sản phẩm văn hóa là hàng hóa, đáp ứng các quy luật thị trường, để có chiến lược kinh doanh phù hợp bối cảnh xã hội”.
Không chỉ vậy, dù các ngành công nghiệp văn hóa nhanh chóng có đóng góp cho nền kinh tế, song trên thực tế các sản phẩm văn hóa trong nước vẫn bị hàng ngoại lấn lướt, các doanh nghiệp văn hóa và các nhà sáng tạo còn chật vật với bài toán doanh thu. Điều này được nhận định rõ tại hội thảo khoa học “Đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa 2016 - 2021” diễn ra vào tháng 9/2022.
Các đại biểu chỉ ra một trong những rào cản lớn nhất khiến công nghiệp văn hóa chưa khai thác hiệu quả được nguồn dư địa dồi dào - chính là những vướng mắc trong cơ chế, chính sách. Nghị quyết của Đảng đã có, nhưng đi vào thực thi thì các cơ chế chính sách chủ yếu ở dạng lồng ghép, chưa có chính sách nào mang tính toàn diện, tổng thể.
“Chúng ta có 8 trụ cột tài nguyên văn hóa để thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Tuy nhiên chúng ta phát triển 3,61% cho năm 2018 cũng là ít so với thực tế chúng ta có thể phát triển được. Đó là điều phải băn khoăn làm thế nào để phát huy hết được các nguồn tài nguyên đầu vào để tạo ra sản phẩm đầu ra về công nghiệp văn hóa”, bà Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho hay.
Bảo vệ các giá trị nguyên bản, không nên coi di sản là “gà đẻ trứng vàng” (hình ảnh bia Ma Nhai và phù điêu tại 1 di tích ở Thanh Hóa bị tô vẽ). |
Lựa chọn lĩnh vực “đẻ trứng vàng”
Các sản phẩm công nghiệp văn hóa Việt Nam thiếu sự độc đáo và cách thể hiện sống động bản sắc văn hóa. Thị trường văn hóa trong nước vẫn bị lấn át bởi các sản phẩm văn hóa bên ngoài. Vấn đề bản quyền, tiền kiểm – hậu kiểm vẫn là băn khoăn không nhỏ của giới hoạt động sáng tạo.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, ngành công nghiệp văn hóa được nhiều quốc gia coi là tài sản chiến lược. Ở một số nước, công nghiệp văn hóa thực sự đem lại giá trị kinh tế không kém các ngành nghề khác, và được ví như “con gà đẻ trứng vàng”.
Trung Quốc là một ví dụ, năm 2018 nước này sản xuất hơn 1 nghìn bộ phim, tổng cộng 323 chương trình truyền hình được phép phát hành, doanh thu phòng vé đạt 60,9 tỉ NDT (khoảng 9 tỉ USD).
Trung Quốc đứng đầu thế giới về xuất bản sách. Từ năm 2012 - 2018, số loại sách xuất bản tăng từ 414 nghìn thành 519 nghìn, số loại ấn phẩm xuất bản theo kỳ tăng thành 10.139.
Trung Quốc là thị trường phim lớn thứ hai, với số lượng phòng chiếu phim nhiều nhất thế giới. Từ năm 2015 - 2017, nước này dựng 4.499 vở kịch gốc, số chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật trên toàn quốc tăng từ 2,1 triệu thành 2,9 triệu.
Doanh thu của các trò chơi trực tuyến do Trung Quốc phát triển tại các thị trường nước ngoài đạt 9,59 tỉ USD năm 2018, tăng 15,8% so năm 2017. Nước này cũng chỉ định 13 cơ sở xuất khẩu văn hóa quốc gia nhằm thúc đẩy thương mại văn hóa.
Còn tại Nhật Bản và Hàn Quốc, công nghiệp văn hóa là một trong những lĩnh vực kinh tế trụ cột, không chỉ đem lại nhiều lợi nhuận mà còn quảng bá văn hóa rất hữu hiệu, tạo nên những hiệu ứng tích cực nhiều mặt.
Việt Nam cũng kỳ vọng công nghiệp văn hoá sẽ đóng góp lớn về kinh tế. Tuy nhiên, ông Peter Debrine - cố vấn cấp cao về du lịch bền vững UNESCO lại cho rằng, Việt Nam không nên coi công nghiệp văn hóa hay di sản là “gà đẻ trứng vàng” mà cần coi văn hóa là nền tảng để tạo sức lan tỏa.
Một số chuyên gia nước ngoài cũng góp ý rằng, Việt Nam khác với các nước nên việc phát triển phải đi vào thực tế. Tài nguyên văn hóa là nền tảng để gia tăng giá trị thương hiệu. Bởi vậy, cần làm tốt việc bảo tồn để giữ chân du khách.
Đây là vấn đề then chốt nhưng cũng là điểm yếu ở nước ta. Không khách du lịch nào đến Việt Nam để chiêm ngắm đống gạch vụn của di tích, cũng không ai muốn xem một di sản đầy sự chắp vá lầm lỗi.
Bởi vậy, giới chuyên gia đưa ra khuyến cáo để cân nhắc, bởi một khi đã “chạy” theo kinh tế, thì khó bảo lưu toàn vẹn các giá trị nguyên bản. Công nghiệp văn hóa vẫn sinh sôi lợi nhuận, nhưng phải xác định từng lĩnh vực “đẻ trứng vàng”, như: Thiết kế, điện ảnh hoặc phần mềm, giải trí.