Lên kế hoạch đón học sinh
1.671 học sinh Hà Tĩnh vẫn mắc kẹt ở các tỉnh phía Nam chưa thể quay về quê học tập do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, có 462 học sinh THPT tại 38 trường THPT; 1.209 học sinh từ bậc tiểu học đến THCS thuộc địa bàn 13 huyện, thành, thị; nhiều nhất là các địa phương: Can Lộc 249 em; Lộc Hà 215 em; Hương Khê 244 em…
Để đảm bảo chương trình học cũng như kết nối giúp học sinh bớt nhớ nhà, thầy cô và bạn bè, thời gian qua, hầu hết trường học tại Hà Tĩnh tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận hình thức học trực tuyến và hướng dẫn phương pháp, giao bài tập qua các đường link, nhóm lớp đối với những môn học trực tiếp. Ngoài ra, nhiều học sinh cũng được tạo điều kiện đăng ký học trực tuyến tại địa phương bị mắc kẹt.
Ngoài ra, các trường trên địa bàn Hà Tĩnh chuẩn bị phương án dạy bù, học bù ngay sau khi các em trở về quê để đảm bảo kiến thức. Phòng giáo dục đã lập danh sách học sinh, liên hệ với hội đồng hương tại các tỉnh, thành để có sự phối hợp, hỗ trợ, sớm tổ chức đưa trẻ về quê đảm bảo an toàn. Chính quyền các cấp cũng xây dựng kế hoạch cách ly, thực hiện công tác phòng dịch theo quy định cho HS sau khi trở về, đồng thời giao các trường chủ động kế hoạch bổ trợ kiến thức cho học sinh.
Trường Tiểu học Hà Tông Mục (xã Tùng Lộc, Can Lộc), năm học 2021 - 2022 có 28 học sinh bị “mắc kẹt” ở các tỉnh, thành phía Nam. Những ngày qua, giáo viên đã phối hợp với phụ huynh qua Zalo, Facebook để giúp các em tiếp cận chương trình.
Cô Nguyễn Thị Vân, chủ nhiệm lớp 2D cho hay: “Để duy trì việc học cho 2 học sinh của lớp đang bị “mắc kẹt” ở vùng dịch, từ ngày 15/9, tôi liên lạc với phụ huynh để gửi bài học bằng video và bài tập qua Zalo. Phụ huynh sẽ hướng dẫn con học tập, sau đó gửi lại kết quả của các em bằng video hoặc hình ảnh cho giáo viên chủ nhiệm. Với sự hỗ trợ của phụ huynh, việc học của trò được thực hiện theo chương trình như các bạn trong lớp. Khi học sinh trở lại trường, tôi sẽ tranh thủ hệ thống kiến thức, bù đắp phần kiến thức còn thiếu nên không quá áp lực”.
Chủ động bù lấp kiến thức
Năm học mới trôi qua hơn 1 tháng nhưng sĩ số nhiều lớp ở Trường THPT Nguyễn Đổng Chi (huyện Lộc Hà) vẫn chưa đầy đủ bởi nhiều học sinh “mắc kẹt” ở các tỉnh, thành phía Nam.
Thầy Nguyễn Đức Hạnh - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đổng Chi cho biết: “Trường có 59 học sinh bị “kẹt” lại ở các tỉnh, thành phía Nam do dịch bệnh. Thời gian qua, trường đã triển khai dạy học trực tuyến cho học sinh qua nhóm lớp, tạo điều kiện về thủ tục để các em nhập học tạm tại trường ở nơi trú ngụ. Tuy nhiên, hiệu quả rất thấp, bởi đường truyền yếu, phương tiện học tập của học sinh thiếu, nhiều em bị cách ly ở vùng dịch không thể đến trường đăng ký nhập học”.
Để đảm bảo kiến thức, chương trình, ngay sau khi tỉnh có chủ trương đón học sinh trở về, trường đã xây dựng kế hoạch dạy bù. Theo đó, trong thời gian học sinh thực hiện cách ly tập trung, trường tổ chức dạy học trực tuyến theo 3 lớp 10, 11, 12.
“Khi hoàn thành cách ly, có xác nhận của ngành y tế, các em được trở lại trường và học chung với lớp. Thời gian này, các thầy cô bộ môn sẽ ra bài tập, hướng dẫn học sinh tự học và tổ chức kiểm tra đánh giá vừa bổ sung kiến thức, hoàn thành chương trình bị chậm”, thầy Hạnh cho biết thêm.
Trường THPT Kỳ Lâm (xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh) là điểm học của con em 4 xã vùng thượng huyện Kỳ Anh (Lâm Hợp, Kỳ Sơn, Kỳ Thượng và Kỳ Lạc) với số học sinh năm học 2021 - 2022 trên 800 em. Dịp hè vừa rồi, trường có 250 em (chủ yếu là học sinh lớp 11 và 12) đi vào tỉnh, thành phố miền Nam và một số tỉnh phía Bắc. Trong đó, có 52 em bị mắc kẹt tại vùng dịch chưa thể về quê học tập.
Theo thầy Võ Tiến Hùng, Hiệu trưởng nhà trường, đây là trăn trở lớn đối với Ban giám hiệu nhà trường. Để hạn chế thấp nhất những thiệt thòi cho các em, trong điều kiện giáo viên còn thiếu, sau khi trở lại học trực tiếp, trường vẫn duy trì 2 lớp học trực tuyến (lớp 11 và 12) vào buổi tối cho học sinh này.
“Việc học tập của các em không mấy dễ dàng, bởi hầu hết bị kẹt trong vùng dịch, nhiều em không có điện thoại thông minh hoặc điều kiện khác để tham gia học. Giáo viên, nhà trường đã cố gắng kết nối với cha mẹ học sinh nhưng có em không thể vào “room” được” – thầy Võ Tiến Hùng cho hay.
Theo ông Trần Hậu Tú - Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, thời gian qua Sở đã có văn bản hướng dẫn các trường trong việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh Hà Tĩnh bị “mắc kẹt” tại địa phương khác và học sinh các tỉnh, thành “mắc kẹt” ở Hà Tĩnh trong quá trình nhập học và học tập.
“Ngay sau khi có chủ trương của tỉnh về việc đưa học sinh trở về quê nhà, ngành cũng chỉ đạo các trường THPT, phòng GD&ĐT chủ động, linh hoạt xây dựng chương trình dạy học phù hợp để bù đắp kiến thức cho các em. Cùng với đó, nhà trường cần tiếp tục tăng cường nhắc nhở học sinh thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch bệnh” – ông Tú cho biết.