Đằng sau thay đổi
Cô Đinh Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: Trải qua thời gian dài học trực tuyến mới được tới trường học trực tiếp nên đa số học sinh ít nhiều thay đổi thói quen trong sinh hoạt, học tập. Đặc biệt học sinh lớp 6 vừa chuyển từ tiểu học lên THCS với đòi hỏi về nền nếp, kỹ năng khác hẳn nên vẫn chưa thích ứng kịp. Điều đó khiến các em khó tránh khỏi lúng túng, bỡ ngỡ, thậm chí vất vả khi học tập trực tiếp. Nếu không được giáo viên hỗ trợ để nhanh chóng bắt nhịp với học trực tiếp sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình học tập và kết quả đạt được.
Với trẻ mầm non, giúp trẻ thích nghi môi trường mới càng quan trọng. Theo cô Lê Thị Thơm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngôi sao mới (Cầu Giấy, Hà Nội), trẻ nghỉ học dài ngày nên được cha mẹ gửi về quê với ông bà hoặc cho con học tạm những lớp quy mô gia đình. Do đó khi quay trở lại trường, trẻ mầm non đặc biệt ở những lớp nhỏ 3, 4 tuổi đã thay đổi về thói quen, nền nếp. Khắc phục những tồn tại này các cô cần ít nhất 2 tuần để uốn nắn.
“Thời gian đầu đón trẻ trở lại trường, ban giám hiệu đặt mục tiêu giúp trẻ thích nghi với trường lớp, cô giáo lên hàng đầu chứ không đi ngay vào dạy học. Làm sao tạo ra sự thoải mái thân thiện nhất để trẻ mau chóng thích nghi môi trường, cách sinh hoạt, học tập. Chú trọng rèn trẻ thói quen, tác phong phòng, chống dịch thông qua trò chơi, hướng dẫn, đố vui...
Bước sang tuần thứ hai học tập trực tiếp tại trường, trẻ đã dần thích ứng với thói quen, nền nếp. Không còn tình trạng khóc mếu, chủ động với hoạt động như sát khuẩn tay, không dùng chung cốc, khăn ăn. Khi trẻ thích ứng với học tập trực tiếp, giáo viên sẽ dạy theo nội dung, chương trình chung…”, cô Thơm cho biết.
Cô Nguyễn Thị Lan Phương, giáo viên Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) khẳng định, việc thay đổi thói quen, tâm lý, nền nếp học tập đối với học sinh tiểu học, đặc biệt học sinh lớp 1 chưa từng tới trường lớp học khi chuyển sang học trực tiếp biểu hiện khá rõ ràng. Đa số học sinh vui vẻ, hạnh phúc trở lại trường nhưng vẫn còn học sinh chưa thích ứng nên còn khóc lóc, rụt rè, tự do trao đổi, di chuyển khỏi chỗ ngồi, túm tụm nói chuyện khi giải lao, không tự xúc trong bữa ăn bán trú. Thậm chí có học sinh còn thích học trực tuyến hơn trực tiếp bởi thời gian học ít hơn.
Nếu giáo viên chỉ quan tâm tới việc rà soát kiến thức thời gian học trực tuyến để có phương pháp bổ khuyết những kiến thức trọng tâm mà không chú trọng tới uốn nắn, ổn định nền nếp học tập, sinh hoạt… thì hiệu quả giáo dục không cao, học sinh không được giáo dục để hình thành sự thích ứng trong điều kiện sinh hoạt học tập hoàn toàn còn có thể thay đổi.
Thích ứng trong điều kiện mới
Theo NGND.PGS.TS.BS Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người IPD, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp và toàn diện đến mọi mặt của đời sống con người, đặc biệt học sinh.
Để có thể tồn tại và phát triển, ông cho rằng học sinh từ mầm non, phổ thông tới đại học phải vượt qua bằng sự sáng tạo và thích ứng. Và trên thực tế, sự sáng tạo thích ứng là tiềm năng sẵn có của trẻ, nhưng khơi dậy được tiềm năng này hay không lại phụ thuộc vào nhà trường, thầy cô. Ở nhiều nước, các nội dung giáo dục sáng tạo và thích ứng được áp dụng từ nhà trẻ tới sau đại học với nhiều hình thức giáo dục được áp dụng rất phong phú…
Dưới góc độ tâm lý, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, Khoa Tâm lý giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) khẳng định, việc chuyển từ học trực tuyến sang trực tiếp khiến nhiều học sinh có biểu hiện cảm xúc vượt quá (nói chuyện nhiều hơn với bạn trong giờ học, tăng hoạt động chạy nhảy, tập tụ…). Như vậy, giáo viên cần tích cực nhắc nhở, rèn giũa để học sinh thích ứng dần với học trực tiếp. Cùng đó, trong quá trình giảng dạy nên kết hợp cho trẻ nghỉ ngơi và vận động tại chỗ để giảm căng thẳng, tạo sự gần gũi, trao đổi thân thiện…
“Không nên tăng cường quá nhiều hoạt động học khiến học sinh cảm nhận học tập vất vả ngay thời gian đầu. Cần để các em thích nghi từ từ và dần quay lại thói quen học tập trực tiếp đã bám sâu trong thói quen.
Giáo dục thích ứng cũng đòi hỏi giáo viên không thể bỏ qua việc đánh giá mức độ tiếp thu tri thức và có kế hoạch bồi dưỡng phù hợp; lồng ghép bài giảng một cách hài hòa, sinh động. Tránh ép học và ra bài tập nhiều hơn để bù lại kiến thức trong thời gian học trực tuyến khiến học sinh áp lực và sợ học trực tiếp…”, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng trao đổi.