Kết luận thanh tra về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TPHCM: Nhiều sai phạm trong đầu tư, xây dựng

GD&TĐ - Sau một thời gian dài tranh chấp, khiếu kiện, chiều 26/6, Thanh tra Chính phủ (TTCP) chính thức công bố kết luận thanh tra về quy hoạch, xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TPHCM). Kết luận của TTCP chỉ ra nhiều sai phạm của UBND TPHCM và các sở, ngành liên quan trong quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhìn từ trung tâm TPHCM
Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhìn từ trung tâm TPHCM

Nhiều sai phạm nghiêm trọng

Liên quan đến việc chấp hành pháp luật trong quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai, Kết luận của TTCP chỉ ra rằng UBND TPHCM ban hành Điều lệ quản lý xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm chưa đầy đủ, kịp thời; không thực hiện việc lập các dự án theo thứ tự ưu tiên và trình duyệt theo quy định, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ... Vi phạm này dẫn đến việc đầu tư xây dựng các dự án thiếu đồng bộ, khó quản lý; có nơi buông lỏng quản lý, chậm triển khai đầu tư xây dựng.

Các cơ quan chức năng liên quan của TPHCM đã đề xuất và được Thường trực Thành ủy, UBND TPHCM phê duyệt chi phí đầu tư bình quân cho 1m2 đất thương mại - dịch vụ - nhà ở là 26 triệu đồng/m2. Chi phí đầu tư bình quân này chênh lệch giảm khoảng 50% so với đơn giá đã được các sở, ngành đề xuất ban đầu với lý do loại bớt một số chi phí cho các hạng mục công trình đã được phê duyệt quy hoạch có tổng giá trị là 17.042 tỷ đồng (gồm: Quảng trường trung tâm, công viên bờ sông Sài Gòn, Khu lâm viên sinh thái phía Nam, 6 trường công lập và 5 cây cầu nối từ trung tâm thành phố qua Khu đô thị mới Thủ Thiêm) là không đầy đủ và không đúng quy định.

Bên cạnh đó, khi đề xuất phương án giá trên, các sở, ngành và UBND TPHCM đã không tính lãi đối với khoản tiền được tạm ứng từ ngân sách Nhà nước, dẫn đến, tổng mức đầu tư đã xác định và phê duyệt là không đúng quy định. Việc UBND TPHCM và các sở, ngành lấy giá 26 triệu đồng/m2 làm giá tối thiểu để xác định giá trị quyền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư hoặc tự thỏa thuận khi giao đất cho nhà đầu tư tại các dự án trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm là không đầy đủ, thiếu chính xác và không đúng quy định.

Toàn bộ quỹ đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm là 221,68 ha được tạo ra bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, UBND TPHCM đã sử dụng chủ yếu để thanh toán đối ứng cho các dự án BT được chỉ định nhà đầu tư, nhất là các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho chính Khu đô thị mới Thủ Thiêm, không thông qua hình thức đấu thầu dự án hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất là vi phạm các quy định về đấu thầu và quản lý sử dụng đất đai.

Những hành vi trên của UBND TPHCM đã giúp nhà đầu tư được hưởng chênh lệch địa tô rất lớn.

Đồ họa quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm
  • Đồ họa quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Phải thu hồi hàng chục ngàn tỷ đồng

Tổng chi phí phải trả để đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm là gần 83.336 tỷ đồng, nhưng tổng thu dự kiến đến thời điểm này chỉ là hơn 74.601 tỷ đồng, lỗ hơn 8.734 tỷ đồng.

Kết luận thanh tra của TTCP chỉ ra những nghịch lý tai hại từ dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Không những gây ra khiếu kiện kéo dài của người dân, nhiều cán bộ cấp cao “dính chàm”, nguy cơ gây thiệt hại tài sản Nhà nước, bản thân dự án hiện còn đang “mất cân đối”, nói cách khác là lỗ vốn 8.734 tỷ đồng.

Cụ thể, trong việc quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư, TTCP kết luận: UBND TPHCM đã phê duyệt và điều chỉnh Dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư trị giá 38.679 tỷ đồng là không đúng thẩm quyền quy định tại Nghị quyết số 66/2006/NQ-QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội và Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 7/2/2005 của Chính phủ.

UBND TPHCM cũng tạm ứng, quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách chưa đúng với quy định tại Nghị định số 124/NĐ-CP ngày 18/5/2004; không hoàn trả tạm ứng hàng năm theo Luật Ngân sách với tổng giá trị gần 26.316 tỷ đồng, theo đó, không tính lãi trên khoản tạm ứng từ ngân sách vào chi phí đầu tư bình quân khoảng 10.503 tỷ đồng (tạm tính đến 30/9,2018).

Điều này dẫn đến việc UBND TPHCM lấy chi phí đầu tư bình quân làm mức giá tối thiểu để tính tiền sử dụng đất các lô đất thương mại - dịch vụ - nhà ở đã giao cho chủ đầu tư các dự án trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm là thiếu cơ sở pháp lý, chưa chính xác, có khả năng gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước, cần giao cho cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ, nếu có vi phạm, thất thoát thì phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh các nguyên nhân khách quan do biến động của thị trường, TTCP cũng đã chỉ ra nhiều nguyên nhân chủ quan là “nguyên nhân chính dẫn đến các thiếu sót, vi phạm” tại Thủ Thiêm.

Đầu tiên, TTCP cho rằng, có sự buông lỏng trong quản lý. Sự phối hợp giữa các sở, ngành của thành phố còn chậm trễ, chưa xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ; một số nơi còn thể hiện sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng trong quản lý đầu tư và xây dựng, nhiều vi phạm chưa được kiểm tra, xử lý kịp thời.

Hậu quả của các hành vi trên đã gây lãng phí, có nguy cơ gây thất thoát tiền của Nhà nước với giá trị lớn. Xét tổng thể đến thời điểm thanh tra, việc đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm là chưa có hiệu quả, mất cân đối về tài chính.

Căn cứ kết quả thanh tra, Tổng TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ và UBND TPHCM thực hiện một số nội dung sau:

UBND TPHCM thực hiện thu hồi và hoàn trả ngay khoản tiền đã tạm ứng từ ngân sách Nhà nước không đúng quy định đã đầu tư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm đến thời điểm 30/9/2018 là 26.315 tỷ đồng; sớm có giải pháp huy động các nguồn vốn hợp pháp để trả nợ các khoản vay ngân hàng đã đầu tư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm là hơn 4.286 tỷ đồng.

UBND TPHCM nghiên cứu các phương án khai thác quỹ đất còn lại trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tính lại tiền sử dụng đất của các dự án đã giao cho nhà đầu tư; đảm bảo không thất thoát tài sản Nhà nước và khắc phục tình trạng mất cân đối khi đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm như kết luận đã nêu trên.

UBND TPHCM thu hồi về ngân sách Nhà nước khoản tiền sử dụng đất dự kiến thanh toán cho các dự án BT bổ sung đối với Công ty Đại Quang Minh là 1.800 tỷ đồng và lãi suất chậm nộp từ khi phát sinh đến nay.

TTCP chuyển Kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm được nêu trong Kết luận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ