Sáng 27/5, Quốc hội đã nghe báo cáo giám sát về việc sử dụng đất đai đô thị kể từ sau khi luật Đất đai 2013 có hiệu lực đến 2018 và cho ý kiến về nội dung này.
Đây là một nội dung được Quốc hội giám sát tối cao, xuất phát từ sự quan tâm của cử tri và những bức xúc trong thực tế.
Nhiều hệ lụy từ những khoảng trống pháp lý
Theo báo cáo giám sát, giai đoạn 2006 - 2011, cả nước có khoảng 2.500 dự án phát triển nhà ở và khu đô thị mới, trong đó chỉ có 635 dự án khu đô thị mới có quy mô từ 20 ha trở lên.
Đến năm 2017, số dự án khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở được cấp phép đầu tư là 4.438 dự án, với tổng mức đầu tư ước tính 4,8 triệu tỉ đồng, diện tích đất theo quy hoạch là 110.331 ha, trong đó 284 dự án có quy mô sử dụng đất đô thị từ 50 ha trở lên.
Tuy nhiên, công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị vẫn còn những tồn tại, hạn chế.
|
Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với các địa phương nóng bỏng nhất về đất đai, các đại gia bất động sản lớn nhất Việt Nam, nhưng kết quả giám sát không có nhiều cái tên cụ thể. Ảnh: Ngọc Thắng. |
Chỉ ra việc còn những “khoảng trống pháp lý”, đoàn giám sát cho biết có nhiều hệ lụy đã phát sinh từ khoảng trống này. Trong quá trình xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, tầm nhìn, dự báo và đánh giá tác động của các chính sách còn hạn chế.
Ban hành quy hoạch chậm là một chuyện, ngoài ra chất lượng đồ án quy hoạch đô thị được đánh giá là thấp. Tình trạng xây dựng không tuân thủ quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc còn khá phổ biến. Việc điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết còn tùy tiện, thậm chí có tình trạng điều chỉnh quy hoạch theo ý nhà đầu tư.
Tình trạng chỉ định thầu, cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất thương mại, dịch vụ sang đất ở đô thị không bảo đảm thủ tục và cơ sở pháp lý; cho phép điều chỉnh mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ không đúng thẩm quyền; giao đất không đúng đối tượng, không phù hợp, không có trong kế hoạch sử dụng đất; giao đất khi văn bản chấp thuận đầu tư hết hiệu lực;
Cho phép chuyển nhượng bất động sản thuộc dự án khi chưa đủ điều kiện; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ thương mại, dịch vụ sang đất ở không hình thành đơn vị ở, xác định người mua biệt thự, căn hộ nghỉ dưỡng sử dụng đất ổn định lâu dài chưa phù hợp với quy định... xảy ra ở nhiều địa phương.
Giá đất cụ thể xác định được chưa phù hợp với giá thị trường gây thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước, dẫn đến khiếu nại của người có đất bị thu hồi. Chênh lệch giá đất giáp ranh giữa các địa phương chưa được xử lý triệt để.
Ngoài quan chức, phải xử lý cả doanh nghiệp
Chính sách tài chính đất đai đã góp phần tạo nguồn thu quan trọng vào ngân sách nhà nước. Kết quả tổng hợp số liệu của 57 địa phương cho thấy, nguồn thu ngân sách nhà nước đối với đất đô thị tăng dần hàng năm trong giai đoạn 2014 - 2018, với tổng số thu ngân sách nhà nước đạt 372.516 tỉ đồng (3 địa phương có số thu lớn nhất là TP.Hà Nội, TP.HCM và Bình Dương).
Tuy nhiên, nguồn thu từ đất đai còn chưa bảo đảm tính bền vững, chủ yếu thu từ các hình thức giao đất thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê trong khi giá thuê thấp và không kịp thời điều chỉnh. Chưa khai thác và phân bổ hiệu quả nguồn lực từ đất đai đô thị, ảnh hưởng tiêu cực tới thực hiện công bằng xã hội, giảm chênh lệch giàu nghèo.
Còn tồn tại các dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai, chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, trong đó có những dự án có tỷ lệ chậm nộp/số phải nộp rất cao, ví dụ như tại các địa phương: TP. Hà Nội, TP.Hải Phòng, Bắc Giang, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương; nhiều trường hợp được giao đất không thu tiền sử dụng đất trước đây chưa chuyển sang hình thức thuê đất theo đúng quy định.
Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại nhiều địa phương vẫn còn chưa thực hiện đúng quy định, mở rộng phạm vi thu hồi đất như tại Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM.
Với hàng loạt tồn tại, đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ 16 nội dung, trong đó có chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khắc phục các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch đô thị, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và có biện pháp xử lý cụ thể, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10.2020).
Sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành luật Đất đai năm 2013 và các nghị định có liên quan hiện còn vướng mắc, bất cập. Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để quản lý chặt chẽ, nghiêm cấm việc người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài.
Chỉ đạo Thanh tra Chính phủ rà soát tổng thể, đưa vào chương trình thanh tra nội dung việc thực hiện pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất tại đô thị, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10.
Thống nhất với kiến nghị này của đoàn giám sát, nhưng đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đề nghị: với các sai phạm phát hiện qua thanh tra, ngoài xử lý nghiêm công chức, cơ quan nhà nước vi phạm, cũng cần phải xử lý tương xứng đối với các doanh nghiệp, các chủ đầu tư.
“Vì sai phạm không thể xảy ra nếu như không có sự tham gia của các doanh nghiệp, chủ đầu tư. Không thể vỗ tay bằng một bàn tay. Ngoài vi phạm của công chức, cơ quan nhà nước thì cũng có trách nhiệm, vi phạm của doanh nghiệp, chủ đầu tư, vì vậy cũng cần phải xử lý nghiêm”, đại biểu Hàm nói.