Điều tra, bảo vệ người tiêu dùng
Theo điều tra của báo chí, Asanzo đã nhập thiết bị điện tử xuất xứ Trung Quốc như nồi cơm điện, lò nướng, tivi, máy lạnh, loa... về bóc tem “made in China” và dán nhãn Việt Nam để bán ra thị trường. Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Công ty Asanzo Phạm Văn Tam khẳng định không có chuyện “treo đầu dê, bán thịt chó” đó. Theo ông Tam, tivi Asanzo có 3 linh kiện được nhập từ Trung Quốc gồm: Bo mạch, tấm panel và tấm kính (màn hình) chiếm khoảng 70% trên toàn sản phẩm. Còn tất cả chi tiết khác như là vỏ nhựa, remote điều khiển... do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.
Để có câu trả lời, ngày 30/7, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) cho biết, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ KH&CN đã tập trung phối hợp để làm rõ những hành vi của công ty này. Ban Chỉ đạo 389 cho biết, kết quả chính thức sẽ được thông báo chậm nhất vào ngày 30/8 cho các cơ quan truyền thông với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt, khách quan, toàn diện.
Nếu Asanzo có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm để bảo vệ thương hiệu Việt Nam cũng như lợi ích người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã hoàn tất dự thảo văn bản quy định tiêu chí xác định thế nào là hàng “made in Vietnam” tiêu thụ nội địa.
Hé lộ nhiều dấu hiệu sai phạm
Kết luận điều tra về vi phạm của Asanzo là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Chính vì thế, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra vào chiều 4/9 vừa qua, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, hiện vẫn chưa có kết luận. Vào ngày 27/8, Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh về nội dung trên.
Tại báo cáo này, Bộ Tài chính đã chỉ ra một số dấu hiệu vi phạm và kiến nghị các cơ quan liên quan tiếp tục điều tra, xác minh, xử lý theo quy định. Mặc dù, chưa kết luận Asanzo sai phạm nhưng Tổng cục Hải quan công bố từ 1/1/2017 đến ngày 30/6/2019, Công ty CP Tập đoàn Asanzo có quan hệ mua hàng với 58 công ty, trong đó có 9 công ty mang tên “Asanzo”. Bất ngờ hơn khi nhiều công ty trong số này có dấu hiệu... “ma”. Có tới 14 công ty bỏ trốn, 4 công ty không tồn tại, 7 công ty ngừng hoạt động, 1 công ty không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh.
Đáng chú ý, qua quá trình kiểm tra hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu của Công ty CP Tập đoàn Asanzo, từ ngày 20/10/2016 đến 30/6/2019, cho thấy Asanzo đã làm thủ tục hải quan nhập khẩu 26 tờ khai hải quan, với tổng kim ngạch nhập khẩu 171,63 triệu đồng. Trên tờ khai hải quan lại khai hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, qua điều tra, xác minh, Tổng cục Hải quan đã đề nghị cơ quan điều tra khởi tố vụ án “buôn lậu” về việc Công ty TNHH sản xuất thương mại Sa Huỳnh khai nhập khẩu hàng hóa là linh kiện dùng để lắp ráp lò nướng thủy tinh. Nhưng khi kiểm tra phát hiện toàn bộ hàng hóa bên trong container là 1.300 bộ lò nướng thủy tinh nguyên chiếc nhãn hiệu Asanzo có cả phiếu bảo hành in sẵn bằng tiếng Việt: “Asanzo - Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”. Toàn bộ lò nướng trong container không có tem nhãn ghi thông tin xuất xứ. Hiện cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã ra quyết định khởi tố vụ án “buôn lậu” đối với công ty này.
Asanzo lên tiếng
Ngay sau khi hoạt động sản xuất của Asanzo bị báo chí phanh phui, công ty này đã chịu nhiều tổn thất khi người tiêu dùng “quay lưng” lại với sản phẩm. Ngày 30/8, Công ty Asanzo cho biết trong 70 ngày chờ kết luận thanh tra về nghi án “bán hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam”, mỗi ngày công ty thiệt hại 1 tỷ đồng do hệ thống bán hàng tê liệt, nhưng vẫn phải trả lương cho người lao động. Khoản tiền này chưa gồm các chi phí phát sinh khác. Trước đó, Asanzo cũng đã phải thông báo ngừng mọi hoạt động kinh doanh nhưng vẫn duy trì hoạt động bảo trì, bảo hành để bảo đảm quyền lợi sau mua hàng của người tiêu dùng.
Ông Phạm Văn Tam cùng luật sư đã đến làm việc với Tổng cục Hải quan về việc Bộ Tài chính giao Tổng cục Hải quan dự thảo báo cáo kết luận sau khi kiểm tra Công ty Asanzo. Tại Tổng cục Hải quan, ông Tam được hướng dẫn làm việc với Cục Kiểm tra sau thông quan. Phó Cục trưởng Trần Minh Trung cho biết, không được giao nhiệm vụ làm dự thảo báo cáo kết luận của Tổng cục Hải quan và cũng không biết nội dung báo cáo này.
Trong vụ việc này, Cục Kiểm tra sau thông quan đã có những kết luận và gửi đến cho các doanh nghiệp liên quan. Ông Tam cho biết thêm, sau đó đã liên hệ với Cục Điều tra chống buôn lậu thì Cục trưởng Nguyễn Phi Hùng cho biết, cơ quan này chưa ban hành chính thức dự thảo văn bản nào vì còn đợi kết quả các văn bản, ý kiến của các cơ quan khác.