Khéo ăn khéo nói thì đi đâu, làm gì cũng thuận lợi, nếu không sẽ cảm giác bốn bề đều trở ngại, khó khăn. Cha mẹ hãy lưu ý để hỗ trợ con trở thành người luôn “dám ăn dám nói”, tự tin chinh phục các mục tiêu của cuộc sống.
Nỗi khổ của trẻ “ít nói”
Trẻ “ít nói” thường ngượng ngùng trong cách diễn đạt cảm xúc của mình. Có thể do tính khí sống nội tâm bẩm sinh, đang gặp khó khăn tâm lý, hoặc do trẻ không đủ khả năng về ngôn ngữ để bày tỏ. Trẻ ít nói, khi trưởng thành, cho dù là trong cuộc sống hay trong công việc đều dễ cảm thấy tự ti và luôn sợ mình nói sai.
Do đó, trẻ không chủ động nói chuyện với người khác, cản trở sự hòa nhập với mọi người xung quanh. Ngoài ra, trẻ ít nói thường để sự e ngại và nỗi lo lắng gây áp lực cho chính mình, khiến bản thân bỏ lỡ nhiều việc tốt và mất đi cơ hội thăng tiến.
Học giả người Mỹ Dale Carnegie đã từng nói: “Trong xã hội ngày nay, sự thành công của một người, chỉ một phần nhỏ là do tri thức chuyên môn, còn chủ yếu được quyết định bởi nghệ thuật hùng biện”. Trong xã hội thông tin hiện đại, sự im lặng không còn là vàng nữa, nếu không biết cách ăn nói thì vàng cũng bị chôn vùi.
Trong cuộc đời một con người, từ học tập, phỏng vấn xin việc đến thăng tiến, từ tình yêu đến hôn nhân, từ tiếp thị đến đàm phán, từ xã giao đến làm việc luôn cần đến kĩ năng và khả năng giao tiếp. Khéo ăn khéo nói, sẽ dễ dàng vượt qua những rắc rối nhỏ và có thể tự bảo vệ mình trong những rắc rối lớn. Không dám ăn dám nói, những rắc rối nhỏ sẽ gây trở ngại và trở thành rắc rối lớn gây thất bại.
Thực tế, không ai sinh ra đã khéo ăn nói, những người có khả năng thuyết trình, hùng biện cũng phải trải qua rèn luyện mới thành. Những người thành công trong giao tiếp, trong công việc hay tình yêu, họ luôn có thể nói lên được suy nghĩ của mình, khiến người khác vui vẻ chấp nhận những suy nghĩ đó. Những người có tài ăn nói, nói lời nào cũng đều khiến người khác phải chú ý đến.
Tài ăn nói của Hillary Clinton đã khiến cuộc sống của bà trở nên tuyệt vời. Không chỉ là một nghị sĩ Quốc hội, giúp chồng mình là ông Clinton đắc cử Tổng thống hai lần, mà bản thân bà cũng trở thành Ngoại trưởng Mỹ. Bởi bà nhận ra ý nghĩa vô cùng lớn của công việc diễn thuyết, rèn luyện để trở thành người có tài ăn nói.
Cách giúp trẻ tự tin, dám ăn dám nói
Kinh nghiệm trở thành bậc thầy về ăn nói của cựu đệ nhất phu nhân nước Mỹ rất gần gũi, chúng ta đều có thể tham khảo và áp dụng rèn luyện trong thực tiễn cuộc sống. Trong lớp học, bà Hillary tích cực tham gia các buổi thảo luận với giáo viên và với bạn học.
Bà luôn suy nghĩ và tìm ra các đề tài hay để tất cả mọi người cùng tranh luận. Ngoài ra, bà còn tập hợp những người bạn có cùng sở thích, thành lập một câu lạc bộ chuyên tổ chức các buổi thảo luận. Chính từ những buổi tranh luận đó, tài ăn nói của Hillary được nâng cao.
Sau mỗi buổi tan học, Hillary thường tới văn phòng giáo viên để hỏi thêm. Nhờ sự giúp đỡ của thầy cô giáo, bà đã được tiếp xúc với nhiều quan niệm, tư tưởng mới. Các thầy giáo cũng giới thiệu cho bà biết không ít những cuốn sách hay, yêu cầu đọc và thảo luận về cuốn sách. Mỗi buổi hội thảo không chỉ giúp bà nâng cao nhận thức và khả năng ăn nói của Hillary tiến bộ rất nhanh.
Cách cải thiện tình trạng “ít nói” ở trẻ cần được thực hiện dựa trên nền tảng tìm hiểu nguyên nhân. Với trường hợp trẻ ít nói do xu hướng tính cách, cha mẹ hãy dạy con cách thể hiện khả năng bày tỏ ngôn ngữ. Điều này giúp con trở nên tự tin hơn trong giao tiếp, giữ gìn được các mối quan hệ xã hội quan trọng khi trưởng thành.
Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong lắng nghe, đồng cảm với sở thích, tâm tư của con mà cha mẹ còn là một hình mẫu chuẩn mực cho trẻ học tập. Muốn trẻ tự tin, dám ăn dám nói, trước hết chính cha mẹ cần thể hiện sự mau mồm mau miệng, tự tin của mình trong cuộc sống thường ngày để trẻ học hỏi.
Theo TS.BS Nguyễn Thị Tuyết Minh, Trung tâm nghệ thuật Atelier Minh, những cuộc trò chuyện với cha mẹ là cách giúp trẻ tự tin hơn trong giao tiếp tốt nhất. Thực tế, nhu cầu được chia sẻ luôn thường trực trong mỗi cá nhân và với trẻ điều này cũng không ngoại lệ. Cha mẹ nên tạo cơ hội trò chuyện với con thật gần gũi và vui vẻ. Hôm nay con nói chuyện với cha mẹ được 15 phút, hôm sau, con kể chuyện đi học với cha mẹ được nửa tiếng và những ngày sau thì con sẽ trò chuyện nhiều hơn.
Thông qua việc tham gia các hoạt động xã hội, giúp trẻ tự tin trước đám đông. TS.BS Nguyễn Thị Tuyết Minh khuyên các cha mẹ nên khuyến khích con tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa như diễn kịch, chơi nhạc, thể thao để giúp trẻ khai phá những năng lực tiềm ẩn và bồi đắp sự tự tin.
Hãy cho trẻ trải nghiệm những điều mới lạ ở mọi nơi, mọi lúc để mở rộng xã hội. Kể cả khi ở nhà, hay ra công viên, đi chơi cùng gia đình. Cùng trẻ hòa mình và khám phá thiên nhiên, tìm kiếm và duy trì những mỗi quan hệ bạn bè lâu dài.
Sự cổ vũ trên mọi mặt trận của cha mẹ chính là phương thức giúp trẻ tự tin hơn và làm chủ cuộc sống. Hãy dạy con cách tìm ra vấn đề của mình. Những lúc này, cha mẹ chỉ nên đóng vai trò là người định hướng, tôn trọng sự quyết định của trẻ. Khi con gặp khó khăn, hãy dạy con cách đề nghị sự giúp đỡ. Sau đó, cùng con phân tích và tìm ra vấn đề mình đang vướng mắc và tìm hướng giải quyết.
Theo kinh nghiệm của huấn luyện viên MC Kiều Linh của Trung tâm Kỹ năng sống Linh Anh, để giúp trẻ cải thiện nhanh khả năng thuyết trình, hùng biện cha mẹ hãy luôn khuyến khích trí tò mò để trẻ giao tiếp tự tin hơn. Trẻ tò mò biết đặt câu hỏi để tìm câu trả lời mình muốn thì sẽ phát triển tư duy rất tốt và thông minh hơn.
Đặc biệt với những trẻ có bản tính ít nói, hãy khơi gợi tò mò của chúng bằng cách đặt câu hỏi, khuyến khích trẻ trả lời và hỏi ngược lại. Hãy để trẻ nói lên chính kiến của mình về các vấn đề để hình thành tố chất và tư duy tranh biện.