Chơi mà học
Như thường lệ, 6 giờ sáng hàng ngày, sân trường Trường Tiểu học và THCS Trần Hưng Đạo lại rộn ràng tiếng cười nói, nô đùa của HS. Hàng chục em nhỏ quây quần, túm tụm lại với nhau. Tốp thì nhảy sạp, nhóm chơi nhảy dây, đi cà kheo… Mỗi buổi sáng, sân trường giống như ngày hội văn hóa dân gian với nhiều trò chơi đặc sắc ở các vùng miền khác nhau cùng tụ hội về.
Nhảy sạp là nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc. Nhận thấy nét hay, độc đáo của điệu múa truyền thống này, các thầy cô đã đưa về trường để HS tìm hiểu và có cơ hội trải nghiệm.
Thay vì sử dụng những thanh tre để nhảy múa, thầy cô tận dụng ống nước nhằm tiết kiệm chi phí và tăng độ bền. Bên cạnh đó, ống nhựa giúp các em hiếu động, chưa chuyên nghiệp không bị trầy xước chân tay khi vui chơi. Mỗi nhóm khoảng 20 HS thay phiên nhau nhảy và gõ sạp.
Em Lê Duy Hiếu, HS lớp 9A cho biết: Trước đây, em chỉ thấy trò chơi nhảy sạp trên tivi, chưa bao giờ được trực tiếp tham gia. Khi thầy cô mang trò chơi này về trường, em tò mò nên nhảy thử. Dần dần em thấy thích thú và say mê trò chơi dân gian này. Không chỉ nhảy sạp, mỗi sáng đến trường em cùng các bạn được tham gia nhảy dây, đẩy gậy, đi cà kheo…
“Những trò chơi dân gian này giúp chúng em tập thể dục nâng cao sức khỏe, tăng tính đoàn kết. Do đó, buổi sáng em cố gắng dậy sớm để có thể dành nhiều thời gian tham gia chơi cùng các bạn”, em Lê Duy Hiếu chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Hoàn, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Trần Hưng Đạo cùng GV trong trường cũng thường xuyên tham gia vào các trò chơi dân gian với HS.
“Tham gia chơi cùng các em, mình như trở lại tuổi thơ, lại rèn luyện được sức khỏe mỗi ngày. Qua các hoạt động ngoại khóa, nhà trường có thể nắm được tâm tư, tình cảm của học trò. Từ đó, thầy cô có biện pháp giáo dục phù hợp”, cô Hoàn tâm sự.
Thoát khỏi thế giới ảo
Thầy Lê Thành Đô cho biết, HS trong trường đa phần nhút nhát, ít tham gia các hoạt động tập thể. Do đó, tôi cùng các đồng nghiệp muốn tạo một sân chơi lành mạnh để các em bớt thụ động và tăng tính đoàn kết. Thầy cô nghĩ đến việc mang trò chơi nhảy sạp, nhảy dây, đẩy gậy… đến gần hơn với HS.
“Trò chơi nhảy sạp, nhảy dây dễ thực hiện, chi phí thấp lại có thể thu hút đông HS tham gia một lần. Do đó, chúng tôi quyết định đưa các trò chơi dân gian này về trường. Các trò chơi dân gian đã tạo sân chơi lành mạnh cho các em trước buổi học và giờ ra chơi, tăng cường sức khỏe cho HS. Bên cạnh đó, giáo dục tinh thần đoàn kết, sự thông minh, khéo léo của các em. Không những vậy, những trò chơi dân gian này còn góp phần duy trì, giữ gìn bản sắc văn hóa, dân tộc”, thầy Đô nói.
Cũng theo thầy Đô, nhà trường mua sắm các vật dụng cần thiết phục vụ trò chơi và để ở trường. Mỗi sáng khi HS đến trường tự động mang ra chơi rồi cất vào khi có trống vào tiết học. Bên cạnh trò chơi dân gian, các em còn tự luyện tập kèn để tham gia biểu diễn văn nghệ mỗi dịp lễ, tết.
Cô Nguyễn Thị Hoàn cho hay: Khi mới đưa trò chơi dân gian về trường, HS còn lạ lẫm, ít tham gia. Sau thời gian hướng dẫn của GV, các em trở nên thích thú và hào hứng hơn.
Cũng theo cô Hoàn, hiện nay xã hội phát triển, ngoài giờ học trên trường một số HS thường chơi game, xem tivi… Do công việc bận rộn nên một số phụ huynh ít quan tâm đến con em mình. Điều này vô tình khiến các em thụ động, ảnh hưởng đến mắt, cột sống.
Với mong muốn giúp HS thoát khỏi “thế giới ảo”, nhà trường đã đưa trò chơi dân gian về để các em trải nghiệm. “Từ ngày có trò chơi dân gian, HS đến trường từ rất sớm. Khi thầy cô đến, sân trường đã rộn ràng tiếng các em vui đùa với nhau. Thấy HS được vui chơi, rèn luyện sức khỏe và tăng tính đoàn kết khi tham gia các trò chơi, chúng tôi rất vui và xúc động. Các em còn nói với thầy cô “Bạn nào bây giờ còn chơi game là lỗi thời”. Đó là động lực để giáo viên và nhà trường cố gắng hơn nữa nhằm mang lại nhiều kiến thức, sức khỏe cho học trò”, cô Hoàn nói.