Kente, tấm vải dệt tay của người GHANA

GD&TĐ - Đến đất nước Ghana, một quốc gia xinh đẹp ở Tây Phi, bạn sẽ gặp một loại vải vô cùng sặc sỡ, đa họa tiết mà cũng giàu ý nghĩa, được khoác ngay trên người hoặc may thành trang phục của cả nam lẫn nữ.

Kente, tấm vải dệt tay của người GHANA

Đó là vải Kente, còn gọi là Nwentoma, tức vải dệt tay và vì làm thủ công. Trên tấm vải, chỗ thì có kẻ ngang kẻ dọc, chỗ khác lại có hình ca rô, tam giác, con thoi hay đường rích rắc - gợn sóng, hoa lá, chim thú...

Kente, tấm vải dệt tay của người GHANA ảnh 1

Người Asante của vương quốc Akan ngày xưa chính là một trong các dân tộc đầu tiên ở Ghana đã biết dệt và áp dụng Kente cho việc ăn vận hàng ngày. Bây giờ ở đâu cũng thấy Kente, từ trong hoàng cung ra tới thôn quê, từ chính khách đến thương nhân, từ thầy giáo đến học sinh...

Lấy cảm hứng từ những mạng nhện cầu kỳ và về sau là thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ của châu Phi, người ta đã dệt lên những tấm vải sáng bóng, muôn màu và cũng để phục vụ cho muôn người, mọi lứa tuổi - giới tính. Ai choàng hay khoác thứ vải này đều đẹp, sang trọng, quý phái do Kente chứa đựng những nét đẹp văn hóa tinh túy lâu đời, đồng thời là tính cách hồn hậu, phóng khoáng của người dân nơi đây.

Thông thường, mỗi tấm vải sẽ có từ 5 - 8 màu trở lên và từ đó sẽ biến thiên thành nhiều tông màu kỳ diệu, kèm theo chúng là những hình vẽ rực rỡ. Tổng cộng đến nay đã thống kê được tới hơn 300 hình, mô típ và biểu tượng phức tạp ở trên các tấm vải quen thuộc.

Kente, tấm vải dệt tay của người GHANA ảnh 2

Ngoài sự đa sắc, Kente cũng được mặc rất tự do, thoải mái. Bằng chứng là có 10 người thì cả 10 người đều ăn vận khác nhau. Nếu là một làng thì người trong làng ấy cũng diện “áo” khác biệt do ít ai thích trùng lặp.

Nói vậy, song để tạo ra sự đồng điệu, tình tứ, nhất là ở các đôi trai gái đang yêu, các cặp vợ chồng mới cưới hay sắp kết hôn, nam nữ nhiều khi cũng diện theo bộ với nhau. Điều ấy có nghĩa, nếu có năm cặp đôi thì sẽ có năm bộ Kente bắt mắt. Nam giới sẽ quấn Kente quanh người và qua một phần vai trái, còn nữ giới sẽ quấn Kente quanh người song dưới hai cánh tay, làm thành một chiếc váy dài.

Qua mỗi tấm vải dày dặn, người ta muốn đề cập tới rất nhiều ước mơ, hoài bão và tư tưởng cao cả. Trên Kente rất hay gặp họa tiết hình vuông với ý nghĩa muốn khám phá thế giới, trên mọi vùng đất, khoảng trời của Phi châu.

Kente, tấm vải dệt tay của người GHANA ảnh 3

Hình vuông cũng tượng trưng cho sự màu mỡ, sinh sôi, trù phú của đất nước. Cùng với hình vuông luôn có hình tam giác là nửa của hình vuông thể hiện sự phát triển không ngừng của dân tộc, hồi sinh của vạn vật và ba giai đoạn tất yếu của cuộc sống: Trẻ - già và mất đi, cho thấy quan niệm có sinh thì cũng có tử, để từ đó trân trọng mọi thứ.

Từ hai hình tam giác lại nảy ra hình con thoi (kim cương), thường được dành để chỉ những nhân vật xuất chúng, thủ lĩnh đồng thời cũng nhắc nhở họ phải yêu thương, bác ái với mọi người.

Hình tròn lại là một biểu tượng về cội nguồn sức mạnh dân tộc, tinh thần đoàn kết và sự lâu bền của quốc gia. Trong khi đó hình rích rắc phản ánh các khó khăn, thử thách sẽ phải vượt qua để mỗi người cần nỗ lực vươn lên. Hình chữ thập ngụ ý về sự giúp đỡ, linh hồn…

Kente, tấm vải dệt tay của người GHANA ảnh 4

Theo quan niệm dân gian, cùng với họa tiết, trên tấm vải cũng phải có sắc màu với nhiều ý nghĩa khác nhau. Màu đen thể hiện cho sự chín chắn, nam tính và linh hồn tổ tiên. Màu xanh lơ cho hòa bình, sự hài hòa và thân ái. Màu xanh lá cho sự phát triển, đổi mới và tươi trẻ. Màu vàng cho mùa vụ bội thu, sự sang giàu, phú quý.

Màu đỏ cho dòng máu chiến binh, tính gan dạ và một cái chết vinh quang trong khi đó màu hồng cho sự điềm đạm, ngọt ngào, duyên dáng của phụ nữ. Trắng là màu duy nhất cho sự thuần khiết tuyệt đối và chỉ được thấy ở trong các nghi lễ cúng tế và các đôi bạn mới yêu nhau.

Theo African Fashion

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.