GD ĐH: Không hài lòng, nhưng chấp nhận
Những SV tham gia thảo luận trực tuyến này gồm có Oracking Amenreynolds, SV kỹ thuật máy tính tại ĐH Ashesi; Akosua Gyebi-Donkor, SV Kế toán tại ĐH Ghana; Ammishaddai Ofori, SV Kỹ thuật điện tại ĐH Khoa học và Công nghệ Kwame Nkrumah (KNUST) và Prince Prempeh, SV Hóa học cũng tại KNUST.
Điều tích cực là các SV này đều thống nhất quan điểm rằng trường học của họ đã làm hết sức mình trong việc cung cấp các kỹ năng thực tế cho người học, trong khả năng có thể. Nhưng họ cũng thừa nhận rằng các trường không thể dạy tất cả mọi thứ họ cần biết để nổi trội trong nghề nghiệp của họ hoặc như họ mong muốn.
“Các khóa học tôi theo học (tại ĐH Ghana) là cùng một tiêu chuẩn, cho dù tôi ở đây hay tôi đang ở Anh. Đó là một hệ thống GD đã định hình và được áp dụng chung” - Gyebi-Donkor nói - “Nhưng ở một mức độ nào đó, các phương pháp được sử dụng để áp dụng chúng ngoài trường học là khác nhau”.
Với Prempeh, về cơ bản anh hài lòng với các khóa học cũng như kiến thức được cung cấp tại KNUST. Theo anh, trường học không thể dạy cho bạn mọi thứ mà bạn sẽ làm trong thực tế. Một số điều cần thiết sẽ phải do người học tự tìm tòi bên ngoài hoặc sẽ được dạy trong cuộc đời. Nhưng anh cũng thừa nhận một thực tế là đất nước không đầu tư đủ vào GD. “Có những khoảng trống cần được lấp đầy”, Prempeh nói.
Tiến sĩ Yaw Osei Adutwum, Thứ trưởng Bộ GD Ghana |
Thất vọng GD phổ thông
Một số trong những khoảng trống đang được lấp đầy bởi chính cha mẹ của HS. Đó là trường hợp của một người mẹ ba con đã làm luôn vai trò giáo viên cho các con của mình ở nhà, vì điều kiện giảng dạy ở trường quá tệ.
Jessica Esarba Yeboah, một phụ nữ có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm, trải lòng trên chương trình Super Morning của Joy FM cũng vào hôm 15/10, trong một cuộc thảo luận tương tự về GD, rằng khi cô chuyển đến một nơi ở mới, việc đầu tiên là cô tìm kiếm các trường học phù hợp nhất cho những đứa trẻ của mình.
Yeboah đã nhận được khá nhiều tư vấn từ các đồng nghiệp hay những người quen của họ, về những ngôi trường tốt nhất nơi cô vừa chuyển đến, nhưng hầu hết các trường này, các con của cô sẽ phải chờ đợi khá lâu trong một danh sách dài từ trước đó. Cuối cùng, cô tìm được một ngôi trường chấp nhận các con của cô vào học ngay. Thế nhưng, ngay ngày đầu tiên, cô thất vọng. Yeboah nhớ lại: “Cuối ngày hôm ấy, tôi đón con tại trường học và chúng nói rằng không muốn quay trở lại nữa”.
Điều khiến cô khó chịu nhất là kích cỡ lớp học: Nó nhỏ và chật cứng HS. Giáo viên cũng là vấn đề lớn. Chỉ có một giáo viên duy nhất, vừa phụ trách lớp, vừa dạy tất cả các môn học, trái ngược với yêu cầu tối thiểu là mỗi giáo viên dạy chuyên một môn cụ thể.
“Bạn có thể thấy rằng giáo viên phải vật lộn để dạy một số thứ. Cô ấy có một chút kiến thức về thứ này, một chút về thứ kia, nhưng không chuyên sâu về cái gì. Điều đó không tốt và lũ trẻ sẽ không tiếp thu được gì”, Yeboah nói.
Nhìn nhận những bất cập
Trước câu chuyện của Yeboah hay những trao đổi của các SV, TS Adutwum thừa nhận rằng hệ thống trường học Ghana phải đối mặt với một số bất cập, trong đó có vấn đề quan trọng về đội ngũ giáo viên.
TS Adutwum giải thích rằng với quy trình hiện tại, giáo viên đủ điều kiện để đứng lớp chỉ trải qua khóa đào tạo hai năm, tiếp theo là một năm trải nghiệm thực tế. “Bạn không thể hội đủ kiến thức nếu bạn chỉ có hai năm đào tạo. Bạn sẽ không thể đi ra ngoài và thực hiện tốt công việc (giảng dạy) của mình”, TS Adutwum nói.
Để giải quyết vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD đưa ra kiến nghị: “Các nhà trường nên thuê giáo viên có bằng cử nhân, vốn được trải qua bốn năm đào tạo và được trang bị phương pháp sư phạm. Với khối lượng kiến thức được học, họ biết mình sẽ cần làm gì khi đứng trên bục giảng”.
Ông cũng thừa nhận nhiều cơ sở trường học có thể đang sử dụng những phòng học cần phải sửa chữa hoặc đang trong quá trình sửa chữa. Ông cũng bác bỏ tuyên bố rằng hiệu suất GD kém xuất phát từ môi trường quá tải HS. Theo ông, quản lý cơ sở và chương trình giảng dạy nên được đánh giá như nhau, không thể tách rời nó ra khỏi hệ thống.
Tuy nhiên, Chủ tịch Liên hiệp quốc gia của SV Ghana ở Trung Quốc (có thể hiểu là Hiệp hội du HS của Ghana ở Trung Quốc), Julius Dzah, cho rằng ở Trung Quốc, kết quả học tập của SV liên quan rất chặt chẽ đến điều kiện cơ sở vật chất trường học.
“GD Trung Quốc được coi là quyền đối với công dân”, Dzah nói trên Joy FM hôm 15/10. “Các lớp học rất thoải mái dù ở Bắc Kinh hay một ngôi làng ngoại ô, vì họ có nguồn lực để đảm bảo rằng HS thực sự học tập khi đến trường”.
Đáp lại, TS Adutwum phủ nhận rằng điều kiện cơ sở vật chất trong GD đóng vai trò quan trọng ở mọi quốc gia. Ông nói: “Trọng tâm là rõ ràng. Nếu bạn không tập trung vào chương trình giảng dạy mà chỉ nói về việc xây dựng các cơ sở mới hay tập trung quá nhiều vào cơ sở vật chất, bạn sẽ không thay đổi được chất lượng GD”.