Kế hoạch Thủ tướng Anh Churchill phát động Thế chiến 3 chống Liên Xô

Thế chiến 2 vừa kết thúc, Thủ tướng Anh Winston Churchill hối thúc các tướng lĩnh của mình xây dựng kế hoạch chi tiết nhằm xóa sổ Liên Xô.

Tranh vẽ về chiến sĩ Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến 2. Ảnh: w-dog.net.
Tranh vẽ về chiến sĩ Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến 2. Ảnh: w-dog.net.

Vào ngày 8/5/1945, trong lúc người dân khắp nơi ở châu Âu ăn mừng việc Thế chiến 2 chấm dứt thì một chính trị gia lại lên kế hoạch khởi động Thế chiến thứ 3.

Văn bản đầu hàng của Đức Quốc xã vừa ráo mực thì Thủ tướng Anh Churchill đã yêu cầu ủy ban chiến tranh của quốc gia này xây dựng kế hoạch xâm lược Liên Xô.

Ke hoach Thu tuong Anh Churchill phat dong The chien 3 chong Lien Xo - Anh 1

Thủ tướng Anh Churchill. Ảnh: express.co.uk.

Các vị tướng Anh đã ngỡ ngàng khi được yêu cầu lập kế hoạch “áp đặt ý chí của Hoa Kỳ và Đế chế Anh lên nước Nga”. Ông Churchill đảm bảo với các tướng lĩnh rằng cuộc xâm lược này sẽ do Mỹ lãnh đạo và nhận được sự ủng hộ từ nước Đức bại trận.

Chỉ đến khi được thông báo rằng người Nga có thể ném bom ồ ạt vào nước Anh thì vị Thủ tướng mới lặng lẽ từ bỏ ý định này.

Thái độ thù địch của ông Churchill đối với Nga (ý nói Liên Xô) có mấy nguyên nhân. Tác giả Max Hastings trong tác phẩm Cuộc chiến của Winston đã viết rằng chiến thắng của người Nga ở Đông Âu đã gần như lấn át toàn bộ niềm vui của ông này trước sự sụp đổ của Đức Quốc xã”.

Thứ nhất, vào năm 1945, Liên Xô mạnh lên rất nhiều trong khi nước Anh lại yếu hơn nhiều so với Churchill kỳ vọng. Tại Hội nghị Yalta vào tháng 2/1945, ông chua chát nhận xét: “Một bên là gấu Nga khổng lồ, một bên là voi Mỹ vĩ đại. Ở giữa hai thế lực này là chú lừa Anh Quốc nhỏ bé và tội nghiệp”.

Thứ hai, quan điểm chống Liên Xô của Churchill trở nên cứng rắn sau khi ông biết người Mỹ đã đạt được thành công trong chương trình bom nguyên tử của mình.

Alan Brooke - Tham mưu trưởng Lục quân Anh, cho biết: Tại Hội nghị Potsdam vào tháng 7/1945, Thủ tướng Churchill có nói với ông rằng:

“Chúng ta có thể nói với phía Nga là nếu họ cứ nhất quyết làm điều này điều kia thì chúng ta có thể xóa sạch Moscow, rồi Stalingrad, kế đến là Kiev, và Sevastopol.”

Cuối cùng, “nổi khổ tâm” của vị Thủ tướng Anh như nhân lên thêm sau khi Stalin hỗ trợ Ba Lan đi theo phe XHCN .

Nghĩ ra điều người khác không thể nghĩ ra

Khi được yêu cầu chuẩn bị cho một cuộc chiến nữa ngay sau Thế chiến 2 khốc liệt, các tướng lĩnh Anh nghĩ rằng ông Thủ tướng đã thua ngay từ đầu. Nhật ký của tướng Brooke có đoạn: “Ông Winston cho tôi cái cảm giác là [ông ấy] đã mong chờ một cuộc chiến tranh khác”.

Các vị tướng thảo một kế hoạch tác chiến mang mật danh Unthinkable (Không thể tưởng tượng được), theo đó các lực lượng phương Tây tấn công Liên Xô trên một mặt trận kéo dài từ Hamburg ở phía bắc xuống Trieste ở phía nam.

Ủy ban Chiến tranh (của Anh) vào ngày 1/7/1945 đã liệt kê ra toàn bộ sức mạnh quân sự của phe đồng minh ở châu Âu, gồm 64 sư đoàn Mỹ, 35 sư đoàn Anh và Dominion (thuộc Anh), 4 sư đoàn Ba Lan, và 10 sư đoàn Đức.

Ở đây các sư đoàn Đức chỉ mang tính tưởng tượng vì sau khi trúng các đòn trời giáng của Hồng quân Liên Xô, các binh sĩ Đức còn sống sót không còn tâm trạng nào để “đánh đấm” tiếp. Phe đồng minh phương Tây chỉ có thể tập hợp được tối đa 103 sư đoàn, bao gồm 23 sư đoàn thiết giáp.

Đối phó với lực lượng phương Tây này, Liên Xô triển khai tới 264 sư đoàn, trong đó có 36 sư đoàn thiết giáp. Chỉ riêng dọc theo biên giới nước Đức, Moscow đã huy động tới 6,5 triệu quân, với lợi thế gấp đôi đối phương. Tổng cộng Liên Xô có tới 11 triệu quân nhân.

Về máy bay, Lực lượng Không quân Chiến thuật của đồng minh ở Tây Bắc châu Âu và Địa Trung Hải gồm có 6.714 chiếc tiêm kích và 2.464 oanh tạc cơ. Trong khi đó Liên Xô có tới 9.380 tiêm kích cơ và 3.380 oanh tạc cơ.

Đo sức mạnh Nga

Sau cuộc phiêu lưu của phe phát xít trên lãnh thổ Liên Xô, người Đức nhận ra cuộc chiến chống Nga chắc chắn không phải là cuộc dạo chơi trong công viên. Ủy ban Chiến tranh của Anh tuyên bố:

“Quân đội Nga ( ý nói Liên Xô ) có một Bộ Tổng tư lệnh đầy năng lực và dày dạn kinh nghiệm trận mạc. So với bất cứ đội quân phương Tây nào, quân đội Liên Xô đều dẻo dai hơn nhiều, ít tốn kém hơn, và sẵn sàng áp dụng nhiều chiến thuật táo bạo để đạt mục tiêu”.

Vẫn Ủy ban nói trên cho rằngrằng: “Trong Thế chiến 2, trang thiết bị vũ khí của Liên Xô đã cải thiện nhiều và giờ ở trong trạng thái tốt, chắc chắn là không thua kém các cường quốc khác…

Năng lực của Nga trong việc sản xuất hàng loạt cũng rất ấn tượng. Đã có những trường hợp người Đức bắt chước các tính năng cơ bản của vũ khí Nga”.

Bản đánh giá trên, có chữ ký của Tham mưu trưởng Lục quân Anh, kết luận: “Năng lực của chúng ta không đủ để giành một thắng lợi nhanh chóng và chúng ta sẽ phải tiến hành một cuộc chiến tranh trường kỳ với bất lợi lớn. Hơn nữa tình hình có thể tệ hơn nếu người Mỹ mệt mỏi và bắt đầu bị thỏi nam châm của chiến tranh Thái Bình Dương lôi cuốn”.

Tệ hơn cả rocket V-2

Vào ngày 10/6/1945 Churchill nói: “Nếu người Mỹ rút về khu vực của họ và chuyển phần lớn lực lượng của họ về Mỹ và Thái Bình Dương, người Nga có khả năng sẽ tiến sang Biển Bắc và Đại Tây Dương”.

Các tướng Anh cho biết người Nga có thể mở một cuộc tấn công Quần đảo Anh sau khi đã tới Đại Tây Dương, bằng cách cắt tuyến liên lạc biển, xâm lấn, và mở các cuộc tấn công bằng phi cơ và rocket hoặc các phương pháp khác.

Mặc dù lúc ấy eo biển Manche có thể ngăn cản một cuộc “xâm lược”, người Anh vẫn lo lắng về các kịch bản đe dọa khác. Phía Anh dự đoán:

“Có thể Không quân Nga sẽ sử dụng các máy bay hiện tại của họ để thực hiện các cuộc tấn công theo nhiều kiểu khác nhau nhằm vào các mục tiêu quan trọng trong Liên hiệp Anh”.

Tên lửa tạo ra mối đe dọa lớn nhất cho họ. Tham mưu trưởng quân đội Anh nói: “Người Nga có thể sử dụng tối đa các loại vũ khí mới, như là tên lửa và phi cơ không người lái… Chúng ta phải sẵn sàng đối mặt với quy mô tấn công còn dữ dội hơn cả phát xít Đức trước đây, như là bằng tên lửa V-2”.

Hoang đường, “bỏ cuộc thôi”

Ủy ban Chiến tranh Anh cho biết 103 sư đoàn quân đồng minh ở châu Âu không đủ năng lực để hoàn thành việc mà cả Napoleon và Hitler đều không làm nổi (chinh phục nước Nga).

Tướng Brooke của Anh ghi nhận trong nhật ký cá nhân: “Ý tưởng này đương nhiên là hoang đường và cơ hội thành công gần như là con số 0. Không còn nghi ngờ gì nữa, từ rày trở đi Nga sẽ nắm hết quyền lực ở châu Âu”.

Cuối cùng các tướng Anh cũng được thở phào sau khi nhận được bức điện của Tổng thống Mỹ Harry Truman nói rằng không có khả năng Mỹ sẽ giúp đỡ (chưa nói đến chuyện trực tiếp dẫn dắt) chiến dịch đánh bật người Nga ra khỏi Đông Âu.

Khởi đầu Chiến tranh Lạnh

Ngay từ đầu “cuộc chơi”, lãnh tụ Liên Xô Stalin đã đi guốc trong bụng Churchill. Ông Stalin nói với viên tổng tư lệnh Tướng Zhukov rằng “người đàn ông đó [tức Churchill] có thể làm mọi điều”.

Một trong các điệp viên của Stalin ở London cũng gửi về trung tâm các kế hoạch của người Anh can thiệp vào nước Đức hậu chiến.

Chiến dịch Unthinkable và sự chết yểu của chiến dịch này là chất xúc tác cho Chiến tranh Lạnh giữa phương Tây (đứng đầu là Mỹ) với Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu.

Sự cứng rắn vốn có

Trong một bản ghi nhớ của Ủy ban Chiến tranh vào tháng 11/1942, chính trị gia Churchill viết về chính sách đối với Italy như sau: “Tất cả các trung tâm công nghiệp phải bị tấn công một cách dữ dội, để dân chúng phải khiếp sợ”.

Cùng với đó, ông Churchill đã hối thúc ném bom các trung tâm đông công dân Đức ở Dresden, Leipzig và Chemnitz khiến rất nhiều thường dân thiệt mạng vào năm 1945.

Năm 1944, Churchill thông qua một kế hoạch khủng khiếp nhằm biến nước Đức trở thành một “đất nước chỉ thuần nông nghiệp và nông thôn”.

Theo đó, nếu kế hoạch Morgenthau được thực thi, sẽ có 10 triệu người Đức chết đói ngay trong năm đầu tiên của kế hoạch này. Sau khi Churchill thất cử, chính quyền Công đảng mới đã vứt bỏ kế hoạch này.

Churchill cũng được cho là rất cứng rắn với số phận người dân Ấn Độ và với lãnh tụ Ấn Độ Gandhi.

Thế nhưng sau này khi khóc thương cái chết một người bạn làm quân nhân, ông Churchill đã nhận xét rằng: “Chiến tranh là thứ bẩn thỉu và hạ đẳng mà chỉ một gã ngốc mới lựa chọn”./.

Theo VOV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mùa Xuân trở lại

GD&TĐ -Mùa Xuân trên bản Sịa thường đến muộn cả tháng trời. Khi nơi nơi đang rộn rã đón mùa Xuân và Tết cổ truyền thì bản Sịa vẫn còn ngủ im trong băng giá.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Đường đến thành công

GD&TĐ - Dưới cái nắng như thiêu đốt mặt đất, đôi vợ chồng trẻ mới cưới Zhou Quan và Meng Lu rời khỏi vùng núi hẻo lánh của huyện Hội Ninh, tỉnh Cam Túc.