Kazik - người nặng lòng với di sản miền Trung

GD&TĐ - Thứ 7 vừa rồi, tôi cùng với mấy anh bạn đồng nghiệp ở Hà Nội có một buổi sáng lang thang ở đô thị cổ Hội An. Lần đầu đến đây, nên mấy anh bạn của tôi tỏ ra vô cùng thú vị khi được thả bộ thong dong trên những con đường nhỏ. Được ngồi bên mái phố để nhâm nhi ly cà phê sóng sánh và thỏa sức nhìn ngắm những lớp rêu xanh trên mái của những ngôi nhà cổ đã in hằn lớp lớp thời gian.

Kazik - người nặng lòng với di sản miền Trung

Trước khi đến ngắm Chùa Cầu, chúng tôi đã dừng lại khá lâu bên một khuôn viên thật đẹp, ở đó, người ta trưng bày những chiếc xe kéo tay có từ thời xa lắc, người ta trồng hoa với đủ các sắc màu và ở vị trí trang trọng nhất trong cái không gian cổ kính ấy, người ta đặt tượng của một người đàn ông phương Tây.

Chắc rằng, nhiều khách du lịch đến đây, vẫn còn có ai đó chưa biết đến ông, chưa tỏ tường những đóng góp quý báu của ông cho những vùng đất di sản. Nhưng với những người dân địa phương nơi ông từng đến để sinh sống và làm việc như: Hội An, Mỹ Sơn, Huế… thì con người được tạc tượng ấy đã như là máu thịt, thân thiết mà rất đỗi gần gũi, họ gọi ông ấy là hiền nhân, là người đã có công rất lớn trong việc trùng tu các di tích và đưa danh tiếng của các di tích ấy, đô thị cổ ấy lên bản đồ du lịch thế giới…

Tên đầy đủ của ông là Kazimierz Kwiatkowski (bạn bè Việt Nam vẫn thường gọi ông với cái tên thân mật: Kazik), quốc tịch Ba Lan, sinh năm 1944 và mất năm 1997. Trước khi đến với Việt Nam vào năm 1980, Kazik là kiến trúc sư của P.K.Z (Liên hiệp các xí nghiệp trùng tu di tích Ba Lan) đây là một trung tâm nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực trùng tu di tích và chính P.K.Z đã thực hiện rất thành công việc trung tu một số di tích lịch sử nổi tiếng ở các quốc gia như: Ai Cập, Đức, Ấn Độ…

Từ mối lương duyên với Tiến sĩ T.Polak - một nhà trùng tu di tích và hoạt động văn hóa tầm cỡ khi ông tận mắt nhìn thấy sự đổ nát của những tháp Chàm và địa đạo Củ Chi. Từ đó mới bắt đầu nảy sinh một nghĩa cử vô cùng hào hiệp là: Giúp đỡ Việt Nam cứu vãn di tích.

Theo đó, phía Ba Lan sẽ giúp thiết bị đặc chủng, cử và đài thọ chuyên gia; phía Việt Nam lo ăn ở trong nước cho chuyên gia và phối hợp. Trong số gần một vạn quân của P.K.Z ngày ấy, chỉ có một kiến trúc sư từ chi nhánh phục hồi di tích ở tỉnh lẻ Lublin, dám xung phong đảm nhận chức trưởng tiểu ban Ba Lan - Việt Nam, để thực hiện sứ mệnh tu bổ di tích ở một đất nước Việt Nam xa lạ, nghèo khổ và không hề có bất cứ một hứa hẹn nào về tiền bạc. Người ấy chính là Kazik.

Những năm sau này, khi đã định cư ở Đà Nẵng để hành nghề chữ nghĩa kiếm cơm. Trong rất nhiều dịp gặp gỡ, giao lưu với các bậc đàn anh trong làng văn, làng báo như: Nhà văn Thái Bá Lợi, nhà văn Vĩnh Quyền, nhà báo Nguyễn Trung Dân, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, nhà văn Trần Trung Sáng… hay những bậc cao niên từng có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực văn hóa như: Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An, nhà viết kịch Hồ Hải Học, nhà văn Nguyễn Văn Xuân (đã mất)… tôi vẫn thường được nghe họ kể những câu chuyện về Mỹ Sơn, về Hội An… Mỗi lần như thế, những bậc thức giả này đều nhắc đến Kazik. Họ nhắc đến ông như một người bạn tâm giao với những câu chuyện kể đời thường vô cùng trìu mến mà trân trọng…

Tượng Kazimierz Kwiatkowski được đặt ở Hội An
Tượng Kazimierz Kwiatkowski được đặt ở Hội An 

***

Ngày Kazik đến Việt Nam, đến với vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng thì nhà viết kịch Hồ Hải Học đang là một cán bộ quản lý của ngành Văn hóa, vì lẽ đó hai người đã gặp nhau. Lúc đầu, Kazik được bố trí ở khách sạn Phương Đông – Đà Nẵng để ngày ngày đến làm việc tại thánh địa Mỹ Sơn. Thời ấy, phương tiện đi lại chưa phải như bây giờ, hệ thống đường sá giao thông cũng còn rất xuống cấp, đó là chưa kể đến chuyện từ nơi ô tô có thể đi đến, bất cứ ai muốn đi vào khu vực tọa lạc của các tháp Chăm ở Mỹ Sơn đều phải lội bộ một đoạn đường dài gần 8 cây số, băng qua nhiều khe suối và dốc cao.

Kể về Kazik, ông Hồ Hải Học nói rằng: Kazik là con người của di tích và di tích là nỗi đam mê lớn nhất của đời anh. Ông Học nhớ lại: "Ngày đó, quyết định của Kazik vào ở hẳn trong khu thánh địa Mỹ Sơn đã làm cho bản thân tôi vô cùng lúng túng. Bao nhiêu khó khăn phải giải quyết, nhưng không còn cách nào khác.

Biết tôi băn khoăn, Kazik khẳng định: “Tôi sẽ sống và làm việc tại “khách sạn Mỹ Sơn”, ông đừng lo!”. Lúc ấy, ở “khách sạn Mỹ Sơn” mới chỉ có cái lán che tạm bằng tranh, tôi nhắn với anh em công nhân làm thêm cho cái sạp bằng cây, rồi mang vào một chút thức ăn, chủ yếu là đồ hộp. Và Kazik đã trải qua đêm đầu tiên ở Mỹ Sơn, một đêm thức trắng. Thì ra, do anh em công nhân chưa nhìn thấy ông Tây Kazik bao giờ, trong khi đó tôi lại dặn dò không kỹ, nên cho dù thân hình Kazik cao lớn lồng ngồng đến thế, nhưng anh em công nhân chỉ làm một cái sạp có kích cỡ đủ cho một người Việt nhỏ nhắn ngả lưng.

Kazik nằm trên chiếc sạp thừa nguyên cả đôi chân ra ngoài, muỗi ở Mỹ Sơn được một bữa no nê. Biết vậy, tôi rất ân hận vì sơ suất của mình, liền đến xin lỗi Kazik. Anh ngắt lời tôi: Ông không có gì phải băn khoăn cả. Ngược lại tôi phải cảm ơn ông mới phải. Thật là một đêm tuyệt vời. Nhờ cái sạp tí hon của ông, tôi không ngủ được nên mới có dịp ngắm trăng. Thật không sao tả nổi vẻ đẹp của bóng tháp cổ uy nghi giữa cây ngàn. Huyền bí quá ông à. Chưa bao giờ! Chưa bao giờ! Hạnh phúc quá!"

Ông Học kể tiếp: Ngày đó, đô thị cổ Hội An như một cô gái mỹ miều đang say ngủ. Như một viên ngọc quý còn bị phủ một lớp bụi thời gian. Tôi đưa Kazik đi thăm thị xã cổ kính này và chính anh là người đã sớm nhận ra vẻ đẹp và giá trị to lớn của những kiến trúc cổ, của những nét văn hóa truyền thống phong phú của vùng đất ở ngay cửa sông Thu Bồn này.

Lần đó, lãnh đạo thị xã Hội An đã tiếp Kazik. Anh say sưa nói về phố cổ, về tiềm năng thu hút khách du lịch, rồi hỏi thẳng đồng chí chủ tịch thị xã: Như thế này mà sao các ông không tổ chức đón khách du lịch?

Tôi thấy đồng chí chủ tịch có vẻ lúng túng trước câu hỏi bất ngờ đó của Kazik, mãi một hồi lâu đồng chí ấy mới trả lời là chưa có khách sạn. Kazik hỏi, thế các ông định bao giờ mới xây khách sạn? Các ông có định xây dựng những khách sạn hiện đại hơn những khách sạn hiện đại trên thế giới không?

Rồi Kazik tự trả lời: Nếu chỉ vì khách sạn sang trọng, hiện đại thì dân du lịch kéo sang đây làm gì. Thị xã ta chưa có khách sạn và chắc xây cũng không có vốn để xây khách sạn bốn năm sao đâu. Nhưng những căn nhà cổ kia là những khách sạn mà sẽ không có đủ sao để xếp đâu đấy nhé! Chỉ cần sửa sang lại một chút, trang bị thêm một chút là có thể đón khách rồi. Tôi sẵn sàng trả tiền cao để được trú một đêm trong ngôi nhà cổ… Và đã nói là làm, trong những năm sau kiến trúc sư Kazik đã có thiết kế thử nghiệm ngay một khách sạn - nhà cổ như vậy…

Kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowski (ảnh tư liệu)
Kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowski (ảnh tư liệu) 

***

Sinh thời, nhà văn Nguyễn Văn Xuân - người được mệnh danh là nhà Quảng Nam học - đã khẳng định rằng đối với Hội An, Kazik có vai trò đáng kể. Trước người Việt Nam, người Pháp, người Nhật cùng nhiều vị nghiên cứu Hội An và lưu lại những trang giá trị. Nhưng cho đến hậu bán thế kỷ 20 nổi bật lên hai nhân vật có những công trình khám phá mở đầu cho sự nghiên cứu lớn về Hội An.

Người thứ nhất là Hoa kiều Chen Chin Ho (Trần Kinh Hòa). Nhờ nhà nghiên cứu này, mới nổi bật lên từ thập niên 50 sự tìm hiểu lịch sử Hội An có phương pháp, có hệ thống. Trần Kinh Hòa cũng phổ cập phố cổ này bằng Hoa ngữ khắp vùng Đông Á.

Sau năm 1975, nhân vật thứ hai chính là Kazik. Ông không viết nhiều nhưng bài “Hội An, một di sản kiến trúc đô thị cổ” của ông in trên một tạp chí ở Quảng Nam - Đà Nẵng đã gây sự quan tâm đặc biệt từ Bắc chí Nam. Chính nhờ bài viết của Kazik mới khuấy động lên phong trào mới mẻ trước kia chưa mấy ai đề cập, kể cả Trần Kinh Hòa, về vấn đề kiến trúc đô thị cổ. Sự nghiên cứu về Hội An trước Kazik nặng về lịch sử và xã hội, còn sau vị kiến trúc sư người Ba Lan này mới đặt nặng vấn đề kiến trúc đô thị cổ. Nó có thể là cái tay vẫy gọi để các nhà nghiên cứu Việt, Nhật tổ chức các hội nghị quốc gia, quốc tế và khơi nguồn cho một số tác phẩm nghiên cứu về Hội An cổ sau này. Nó đánh dấu sự phát triển mới của ngành nghiên cứu và khảo cổ ở Hội An.

Sau nhiều năm lăn lộn, khảo sát một cách kỹ lưỡng và hết sức thận trọng. Kiến trúc sư - họa sĩ Kazik đã viết báo cáo để gửi đến Tổ chức Bảo tồn các đô thị cổ Ba Lan và thế giới để giới thiệu về Hội An, trong báo cáo ấy, có đoạn: “…Hội An là một đô thị cổ có vẻ đẹp không trùng lặp với bất kỳ một đô thị cổ khác, thể hiện trong cấu trúc phố phường, sự phong phú trong các thể dạng kiến trúc, sự hoàn hảo của nghệ thuật chạm khắc, nội thất, các quần thể kiến trúc, tạo nên cho phố cổ Hội An những đặc điểm nổi bật trong không gian và thiên nhiên riêng biệt. Với những đặc điểm trên đã đưa quần thể kiến trúc di tích phố cổ Hội An lên vị trí hàng đầu trong danh mục các di tích văn hóa của Việt Nam và cả trong kho tàng di sản văn hóa nhân loại…”.

Kazik đã được người thân đưa về an táng tại quê nhà Lublin, nhưng mối lương duyên giữa ông với đất nước Việt Nam thì sẽ còn mãi mãi. Chắc rằng ông sẽ rất vui nơi chín suối khi biết được rằng những đứa con yêu quý của mình đã đi theo nghiệp bố. Kiến trúc sư Bartek Kwiatkowski và cô em gái theo học cùng ngành Kasia Kwiatknowska đều đã chọn việc trùng tu những di tích ở Việt Nam để hành nghiệp… 

Suốt 17 năm trời gắn bó với Việt Nam, gắn bó với những vùng đất Mỹ Sơn, Hội An, Huế… vị kiến trúc sư tài danh Kazik đã lưu dấu một hình ảnh trong sáng trong ký ức bạn bè, những đóng góp quý báu của ông sẽ mãi mãi được tạc ghi vào năm tháng, vào những viên gạch hồng bên tháp cổ, vào rêu xanh trên mái ngói của Hoàng thành Huế, vào những con đường nhỏ nơi chùa Cầu phố cổ Hội An…

Những ngày đầu ông đến với đất nước Việt Nam là những ngày dài khốn khó, với tư cách là một chuyên gia ngoại quốc nhưng chưa một ai tìm thấy ở nơi ông một chút xíu yêu sách dù nhỏ nhất trong cuộc sống hay trong sinh hoạt hàng ngày. Kazik ngày xưa vẫn thường theo bạn bè những Thái Bá Lợi, Nguyễn Thượng Hỷ, Đà Linh, Trần Phương Kỳ, Vĩnh Quyền… để lang thang cà phê quán cóc, có khi là vài ba xị rượu đế ở một quán nhỏ ven đường.

Bất cứ ai, từ bà già chủ quán cho đến em bé bán đậu phộng rang đều rất có cảm tình với Kazik, một con người luôn có một lối sống trìu mến đến chân thành. Bây giờ, nhiều người bạn của ông ở Đà Nẵng vẫn thường nhắc nhớ về những đêm xưa dưới màn sương lạnh trong thung lũng Mỹ Sơn, bên đống lửa rừng với những chén rượu Nàng Hương nồng nàn sóng sánh. Kazik vẫn thường kề vai bạn bè bảo rằng: “Sống là công dân của Mỹ Sơn, khi tôi chết ước mong được chôn ở Mỹ Sơn để tan chảy tấm thân này cùng giun dế…”.

Kazik qua đời ở tuổi 53, cái tuổi mà theo quan niệm Á Đông là bước ngoặt lớn của đời người, khi sự nghiệp và những hoài bão của ông đang còn dang dở. Con tim giàu nhân ái ấy, con tim đã dành nhiều tình cảm cho đất nước Việt Nam ấy đã ngừng đập ở trên đất Huế. Ngay trên bàn vẽ Thế Miếu, Tả Vu và ngổn ngang những kế hoạch trùng tu di tích Huế. Cơn nhồi máu cơ tim quái ác đã cướp đi sinh mệnh của một tấm chân tình. Bạn ông, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính trong ràn rụa nước mắt tại buổi lễ truy điệu Kazik ở nhà Hữu Vu trong khuôn viên Đại nội Huế đã khóc “Kazik đã cùng chúng ta cứu một số di sản văn hóa, nhưng giờ đây không ai trong chúng ta có thể cứu được Kazik”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ