Kamon được ưa dùng ở Nhật

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Kamon tức gia huy, gồm ấn, triện, huy… - thường gợi nhắc về thời phong kiến hoặc sự vinh danh.

Nhật Bản có hàng vạn mẫu kamon đang được sử dụng. Ảnh: Nippon.com
Nhật Bản có hàng vạn mẫu kamon đang được sử dụng. Ảnh: Nippon.com

Riêng ở Nhật Bản, chúng lại là một phần của cuộc sống đời thường, với khoảng 20 - 25 nghìn mẫu đang được người dân sử dụng.

Lịch sử thú vị

Theo ghi nhận lịch sử, kamon có từ khoảng thế kỷ X, được sáng tạo bởi tầng lớp quý tộc, sử dụng như biểu tượng gia tộc và dấu hiệu nhận diện cá nhân. Kamon xuất hiện có lẽ từ sự phân cấp xã hội.

Thời kỳ Heian (794 - 1185), Nhật Bản phát triển hệ thống phân cấp và nguyên tắc thể hiện địa vị rõ nét. Người ở tầng lớp thấp phải bày tỏ thái độ, hành vi tôn kính với người ở tầng lớp trên. Vì không phải ai cũng biết mặt ai, tầng lớp quý tộc bèn nghĩ ra gia huy.

Đặc trưng của kamon là đơn giản, dễ nhận diện. Ban đầu, chúng được vẽ lên phương tiện, vật dụng cá nhân và thêu trên trang phục. Người Nhật Bản nhìn vào kamon, nhận biết vị thế của nhau và bày tỏ thái độ theo đúng nguyên tắc. Ví dụ, đang trên đường, kiệu của quý tộc thấp hơn sẽ tự động nhường lối cho kiệu của quý tộc cao hơn.

Bước sang Thời kỳ Kamakura (1185 - 1333) với sự xuất hiện và gia tăng của tầng lớp chiến binh - samurai, kamon phát triển mạnh. Không chỉ gia tộc mà các cá nhân, biệt quân… cũng có kamon riêng.

Sau khi lật đổ giai cấp quý tộc, tầng lớp võ sĩ bước lên nắm quyền thống trị. Kamon được nâng lên tầm cao mới, biểu thị cả địa vị lẫn quyền uy, niềm tự hào và lòng tự tôn.

Thời kỳ Edo (1603 – 1868) tầng lớp thường dân bắt đầu tự thiết kế kamon. Các chính di nhà Tokugawa nêu cao tinh thần hòa bình, cai trị bằng đức, giúp đất nước phát triển về mọi mặt.

Người dân Nhật Bản tha hồ tự do buôn bán, sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật… Kamon bước vào đời sống toàn dân, cho dù là ai, gia đình nào cũng được phép thiết kế và sử dụng.

Đa dạng, mỹ lệ

Lễ hội Sōma-Nomaoi ở Fukushima, tái hiện truyền thống cưỡi ngựa đánh trận của samurai với nhiều cờ kamon. Ảnh: Meguri-japan.com

Lễ hội Sōma-Nomaoi ở Fukushima, tái hiện truyền thống cưỡi ngựa đánh trận của samurai với nhiều cờ kamon. Ảnh: Meguri-japan.com

Mặc dù cho phép tự do kamon, Mạc Phủ vẫn đặt 2 cấm kỵ: Không được phép dùng hoa văn hoa cúc (kikumon), biểu tượng của hoàng gia và hoa văn ba lá thục quỳ (aoimon), biểu tượng của gia tộc Tokugawa.

Bên cạnh kamon, các thiết kế niên huy xuất hiện và phát triển mạnh. Các nghệ nhân thường sử dụng họa tiết thực vật, động vật, cảnh quan… để thiết kế niên huy. Mỗi niên huy đại diện cho một năm hoặc một ý nghĩa cầu phúc như mong muốn trường thọ, bình an, giàu có…

Cũng trong Thời kỳ Edo, các loại hình nghệ thuật biểu diễn như hát múa, kịch… phát triển rầm rộ. Mỗi nhóm nghệ nhân lại tự thiết kế cho mình một kamon, thêu vào trang phục sân khấu và dệt cờ hiệu.

Ngay cả phụ nữ đã kết hôn cũng có kamon cá nhân, gọi là onnamon. Nó được thiết kế dựa theo họa tiết kamon của nhà mẹ đẻ, chỉ thêm hoặc bớt vài nét. Cứ thế, kamon liên tiếp đẻ thêm kamon, ước tính có trên 5.000 mẫu khác nhau.

Năm 1867, Triển lãm Quốc tế Paris lần thứ 2 đã giới thiệu các kamon của Nhật Bản đến công chúng châu Âu, hình thành cơn sốt lớn. Tầng lớp thượng lưu phương Tây chết mê chết mệt các họa tiết đơn giản mà ấn tượng này, thi nhau học theo. Kamon bước ra thế giới.

Yêu thích vô hạn

Một trang trong truyện cổ Heiji monogatari emaki, cho thấy có kamon trên xe của quý tộc tham chiến Trận Genpei (1180 - 1185). Ảnh: Thư viện Quốc hội Nhật Bản

Một trang trong truyện cổ Heiji monogatari emaki, cho thấy có kamon trên xe của quý tộc tham chiến Trận Genpei (1180 - 1185). Ảnh: Thư viện Quốc hội Nhật Bản

Thống kê các họa tiết kamon, thấy có 5 dạng biểu tượng chính: Họa tiết động vật (rùa, sếu, hạc…), thực vật (hoa, lá), nhà cửa - phương tiện (bánh xe, cổng torri…), tự nhiên (trăng, sấm sét…) và đồ vật (quạt, mũ..). Các họa tiết thường gặp nhất cũng có 5 loại: Hoa tử đằng, hoa mộc qua, cây hông, chim diều hâu và cỏ ba lá.

Khi Nhật Bản bước vào thời kỳ hiện đại, kamon không những không suy tàn mà còn ngày càng phổ biến hơn. Các doanh nhân, tập đoàn cực kỳ thích sử dụng kamon, lấy nó làm logo cho thương hiệu, sản phẩm… Các tổ chức công cộng cũng say mê kamon, dùng nó thể hiện mục đích, khẩu hiệu, phương châm hoạt động…

Từ nửa cuối thế kỷ XX, thế giới đã quen với kamon 3 hình thoi của Tập đoàn Mitsubishi, kamon con sếu vươn cánh của Hàng không Nhật Bản… Trong quốc đảo này, đâu đâu cũng đầy rẫy hình ảnh kamon.

Từ các cửa hàng kinh doanh mặt hàng thủ công truyền thống, đặc sản đến các siêu thị, nhà hàng… đều có logo là kamon hoặc biến tấu của kamon. Trên đồng xu 500 yen có kamon cây hông, biểu tượng của phát triển thịnh vượng. Trên hộ chiếu Nhật Bản in kamon hoa cúc, biểu tượng hoàng gia.

Bất chấp sự thay đổi của thời đại, quan điểm, kamon duy trì vai trò thể hiện danh dự, tự tôn. Trải qua nhiều thế kỷ, số kamon ngày nay có lẽ đang tầm 20 - 25 nghìn mẫu.

Gần như tất cả các gia đình Nhật Bản đều có kamon. Muốn tra cứu kamon, người Nhật Bản chỉ việc xem gia phả hoặc đến đền thờ địa phương, quê nhà, xin xem sổ đăng ký. Mạng Internet cũng có nhiều trang web cung cấp dịch vụ tra cứu kamon.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.