Trong thời Minh Trị Duy tân ở Nhật Bản, có một học giả nổi tiếng, người có ảnh hưởng lớn nhất trong việc truyền bá những tư tưởng tiến bộ của phương Tây, hô hào mở cửa xã hội Nhật là Fukuzawa Yukichi - Phúc Trạch Dụ Cát (1835 - 1901).
Sinh năm 1835 tại Osaka, trong một gia đình võ sĩ có truyền thống học hành, nghiên cứu, Fukuzawa Yukichi sớm có hoài bão đóng góp cho quốc gia, dân tộc. Trước sự đe dọa của phương Tây, trong nước Nhật dấy lên những phong trào tư tưởng nhằm đưa đất nước thoát khỏi lạc hậu, trở nên hùng cường.
Thời gian đầu nổi lên 3 trường phái với 3 quan điểm lớn. Trường phái thứ nhất là Kokugaku - Quốc học (chủ trương dứt bỏ các tư tưởng phong kiến cũ mà Nhật hấp thụ từ Trung Quốc); trường phái thứ 2 là Kaikoku (khai quốc) và trường phái thứ 3 là Lan học (nghiên cứu khoa học và kỹ thuật phương Tây thông qua tiếng Hà Lan).
Cha Fukuzawa Yukichi làm đại diện cho lãnh chúa xứ Nakatsu và là một nhà Nho tâm huyết. Tuy nhiên, cả cuộc đời gần như chỉ đảm đương việc tài chính, quản lý sổ sách chi thu cho lãnh chúa… khiến ông cảm thấy bế tắc, cuộc sống tầm thường, không xứng với người xuất thân võ sĩ có khát vọng, nên nhiều lúc thấy bất đắc chí.
Năm 1836, cha Fukuzawa Yukichi mất khi ông mới một tuổi, nên cả gia đình phải rời thành phố Osaka đô hội mà về lại thị trấn Nakatsu. Năm 14 tuổi ông nhập học theo chương trình Nho giáo kinh điển nhưng vì đã quen lối sống thị thành nhiều năm nên cả nhà không dễ hòa nhập vào cuộc sống thị trấn khép kín, bị kìm nén dưới chế độ phong kiến lãnh địa.
Là người nhạy cảm, sớm thức thời nên Fukuzawa nhanh chóng hiểu rằng nhiều nền nếp cổ xưa đã lạc hậu, không thể là lực cản chống lại sự tiến bộ xã hội được nữa.
Đúng lúc đó năm 1853, Hoa Kỳ gửi tàu chiến vào Edo dưới sự chỉ huy của Phó Đô đốc Matthew C. Perry đòi chính quyền Tokugawa phải mở cửa thông thương, giao hẹn sau một năm phải thi hành.
Chính quyền Mạc phủ hoảng hốt, lo lắng, miễn cưỡng đồng ý vì biết rằng không thể dùng quân đội thắng nổi các nước Âu Mỹ. Mạc phủ tạm thời vừa tìm cách tăng cường phòng thủ quân sự, vừa mềm mỏng dùng ngoại giao nhượng bộ các yêu sách của Âu Mỹ, trong khả năng có thể.
Chuyển hướng từ Hà Lan học
Tác phẩm 'Khuyến học' của Fukuzawa Yukichi. Ảnh: INT |
Tuy xuất thân ở miền Nam, nhưng Fukuzawa lập nghiệp chủ yếu ở những thành phố lớn và thành danh cả ở Tokyo và cố đô. Ông là một người Nhật có tướng mạo thanh cao, đàng hoàng, trí thức. Dáng đi của ông được coi là “Quí nhân chi hành như thủy chi lưu hạ, nhi thể bất giao” (Người tôn quý đi như nước chảy xuôi, thân không động), khi đi luôn đặt cả bàn chân xuống đất; ngược hẳn với tướng “Tiểu nhân chi hành như hỏa viêm thượng, thân khinh cước trọng” (Kẻ tiểu nhân đi như lửa bốc, mình nhẹ mà bước chân vẫn nặng nề).
Ngay năm sau, 1854, Fukuzawa rời Nakatsu ra Nagasaki với ý định học kỹ thuật pháo binh và chế tạo thuốc súng theo khoa học công nghệ Âu châu. Do Nhật Bản trước đó vẫn theo đuổi chính sách bế quan tỏa cảng (Sakoku) - hạn chế tối đa mọi tiếp xúc với Tây phương.
May mắn tinh thần của chính sách là “Đóng cửa nhưng không cài then”, họ “hé mở” cảng Nagasaki cho người Hà Lan được phép giao thương nên Nagasaki trở thành cửa ngõ duy nhất để người Nhật tiếp thu văn hóa, văn minh phương Tây.
Sách báo từ phương Tây bấy giờ, chủ yếu sách của người Hà Lan đã trở thành môn Hà Lan học (gọi tắt là Lan học) để người Nhật nghiên cứu, mở mang đầu óc.
Qua sự tìm tòi, hiếu học, trước tiên bằng cách học ngôn ngữ Hà Lan; rồi đọc kỹ, nghiền ngẫm sách báo của họ, Fukuzawa cảm nhận được tinh thần trọng hiệu quả, thực dụng của học thuật Âu châu và dần tiếp thu được nhiều tư tưởng khác rất đa dạng, tiến bộ, cần thiết cho trí thức lúc đó gồm cả thế giới quan, nhân sinh quan mới, chính trị, kinh tế, pháp luật, giáo dục, quân sự… phương Tây.
Thời gian ở Nagasaki nhờ chuyên tâm, miệt mài, Fukuzawa đã có nền tảng kiến thức mới của Âu châu khá vững, nhưng với tinh thần cầu tiến, ông vẫn muốn tiến xa nên chuyển lên Osaka theo học thầy Ogata Kōan, một học giả Hà Lan học danh tiếng lúc bấy giờ.
Ogata là một nhà giáo uyên bác, tận tình, luôn đào sâu suy nghĩ, hành xử nhân văn và chính lối ứng xử của thầy đã ảnh hưởng sâu đậm tới Fukuzawa lâu dài.
Ba năm sau, lúc 25 tuổi, Fukuzawa nhận lệnh của lãnh chúa Nakatsu, tới Edo mở trường tư thục để đào tạo nhân lực các phiên thuộc của lãnh chúa. Ngôi trường đó là tiền thân của Trường Đại học Keio-gijuku ngày nay.
Lúc đó, Mạc phủ bắt đầu xúc tiến mở mang giao thương mạnh hơn theo điều khoản Hiệp ước Kanagawa, mở thêm 2 hải cảng mới là Shimoda và Hakodate cho tàu thuyền Tây phương ra vào buôn bán.
Fukuzawa có dịp đi ngang qua Kanagawa, nhân tiện ghé thăm hải cảng Yokohama và trực tiếp thấy rằng thương thuyền Hà Lan có vai trò nhỏ hơn các đoàn thương thuyền Anh, Mỹ hùng mạnh.
Từ đó ông quyết định bỏ Hà Lan học, chuyển sang học Anh văn để tiếp cận văn minh Anh Mỹ, những cường quốc nổi lên nhanh chóng đã vượt Hà Lan và đa số người châu Âu, phương Tây nói tiếng Anh chứ không phải tiếng Hà Lan.
Biết tin Mạc phủ cử một phái đoàn đi sứ sang Hoa Kỳ vào năm 1860, ông liền xin theo tháp tùng trên con tàu Kanrin Maru mặc dù vào thời đó việc vượt đại dương không hoàn toàn an toàn, chứa đựng một số rủi ro nhất định.
Tàu cập cảng San Francisco và neo lại 1 tháng, đủ để Fukuzawa quan sát, trải nghiệm nếp sống tiên tiến, sinh hoạt văn minh, khoa học kỹ thuật phát triển.
Tiếp theo là chuyến sang châu Âu (1862), rồi chuyến quay lại thăm Mỹ (1867) với tư cách tùy viên sứ đoàn đã giúp Fukuzawa củng cố thêm hiểu biết, tầm nhìn, tiếp thêm động lực để ông thu nhận kiến thức nhiều mặt, ảnh hưởng đến những quyết định tư duy và phương thức cách tân Nhật Bản của ông.
Từ đó ông thêm chuyên tâm đầu tư học tiếng Anh và trở thành một trong số ít học giả giỏi tiếng Anh thời đó.
Học vấn dựa trên “thực học”
Hình ảnh Fukuzawa Yukichi trên tờ tiền mệnh giá 10.000 yen. |
Từ nước ngoài trở về, Fukuzawa đã viết cuốn “Sự tình phương Tây” nói về lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, quân sự các nước tiên tiến, có ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội Nhật cuối thời Mạc phủ.
Nhiều bạn bè và học trò ông dần được chính phủ Minh Trị mời giữ cương vị cao, nhưng Fukuzawa chọn con đường khác. Ông mở Trường Keiō-gijuku sau phát triển thành trường đại học tư thục hiện đại đầu tiên và cho đến nay vẫn là một trong những trường đại học hàng đầu đào tạo nên các thế hệ nhân tài thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Ông còn xuất bản báo chí để nâng cao dân trí, trao đổi tư tưởng. Fukuzawa là tác giả của các cuốn sách giá trị như “Khuyến học”, “Khái luận về văn minh”.
Một trong những quan điểm nổi tiếng của ông là kẻ thù nguy hiểm nhất của Nhật không phải là lực lượng quân sự các nước phương Tây, mà là khả năng buôn bán của họ; người Nhật muốn chống lại nguy cơ ngoại xâm phải thay khẩu hiệu “Thượng võ lập quốc” bằng “Thượng thương lập quốc” phải ra sức học tập thế giới về nhiều mặt, trong đó có cả lĩnh vực quân sự, quản lý nhà nước, pháp luật và học cả quân sự của kẻ thù.
Fukuzawa Yukichi đã gây kinh ngạc và bàng hoàng đối với đa số người dân Nhật Bản vốn bị trói buộc bởi đẳng cấp, thân phận, quen phục tùng, phó mặc và e sợ quan quyền suốt hàng trăm năm dưới chính thể phong kiến Mạc phủ. Ông khẳng định, mọi người sinh ra đều bình đẳng và nếu có khác biệt là do trình độ học vấn.
Về phương thức học hành, Fukuzawa phê phán lối học “từ chương” và nhấn mạnh Nhật Bản phải xây dựng nền học vấn dựa trên “thực học”. Nền học vấn thực học phải gắn liền với cuộc sống thường nhật, cần dựa trên tinh thần khoa học, tinh thần độc lập, tính thực dụng; nhưng việc tiếp thu văn minh phương Tây cần chọn lọc, ưu tiên lĩnh vực cần trước.
Trong suốt cuộc đời của mình, Fukuzawa đã cống hiến công sức vào dịch sách, viết sách và cho ra đời những tác phẩm đóng góp to lớn trong công cuộc khai sáng, duy tân xã hội Nhật Bản lúc bấy giờ.
Nhờ phương thức tư duy mới và trực quan sắc bén, ông có cái nhìn sâu sắc với các vấn đề trong xã hội, những tác phẩm của ông bộc lộ những nỗi bức xúc của người dân và được họ đón nhận một cách nhiệt tình.
Tác phẩm “Sự tình phương Tây” gồm 10 tập, được ông thực hiện trong thời gian 1866 - 1870 diễn tả, phân tích những gì mà ông được tận mắt chứng kiến trong thời gian ở nước ngoài, số lượng sách xuất bản lên tới 250 nghìn cuốn.
Nội dung của cuốn sách thể hiện tổng quan tri thức về các nước Tây phương: Quan niệm về quyền lợi và nghĩa vụ, chế độ chính trị - xã hội, cơ cấu các giai tầng, giáo dục, pháp luật, lịch sử, khoa học - công nghiệp, quân sự…
Đây được coi là cơ sở để chính phủ Minh Trị thực hiện những cải cách làm thay đổi xã hội Nhật Bản sang mô hình phương Tây thành công mà vẫn giữ bản sắc Nhật Bản.
Fukuzawa được đánh giá là học giả có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với xã hội cận đại Nhật. Hình ông được in trên đồng tiền 10.000 yen.