Theo Times of Israel, trong chuyến thăm Bộ Chỉ huy miền Bắc của Lực lượng Phòng vệ (IDF), Bộ trưởng Yoav Gallant cho biết:
"Tôi đã nghe thấy đối phương khoe khoang về vũ khí Fattah họ đang phát triển. Đối với bất cứ vũ khí nào như vậy, chúng tôi luôn có biện pháp phản ứng tốt hơn, kể cả trong phòng thủ lẫn tấn công".
Ông Yoav Gallant cho biết thêm, lực lượng IDF có đủ khả năng bảo vệ người dân Israel và "giáng đòn chí mạng vào đối phương nếu họ phát động cuộc chiến nhằm vào chúng tôi".
Tuyên bố của Bộ trưởng Gallant được đưa ra ngay sau khi Iran công bố tên lửa siêu vượt âm Fattah với tầm bắn 1.400 km và có thể đạt tốc độ tối đa Mach 14 (gấp 14 lần tốc độ âm thanh).
Truyền thông Iran đưa tin tên lửa Fattah có thể xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ và Israel.
Tuyên bố về khả năng đánh chặn của Tel Aviv đã khá rõ ràng nhưng làm cách nào để IDF có thể đánh chặn Fattah (nếu chúng bay nhanh như Iran tuyên bố) là câu hỏi còn bỏ ngỏ dù Israel đã trang bị nhiều lớp phòng thủ, bao gồm các hệ thống Iron Dome, Arrow 2, Arrow 3, David’s Sling và đang trong quá trình phát triển hệ thống vũ khí laser Iron Beam, song lực lượng IDF từng nhiều lần thừa nhận chưa có hệ thống nào có khả năng đánh chặn được tên lửa siêu thanh.
Đây chính là nguyên nhân Cơ quan Phòng thủ tên lửa Israel phải phối hợp với Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ nhằm đối phó với nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa siêu thanh trong tương lai từ đối thủ tiềm tàng.
Hồi cuối năm 2022, Israel đã ký với Mỹ một thỏa thuận, theo đó Washington sẽ hỗ trợ phòng thủ bằng tên lửa trong trường hợp xảy ra chiến tranh và quân đội hai nước thường xuyên tập trận phòng không chung.
Để ứng phó nguy cơ từ tên lửa siêu vượt âm, Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ đã yêu cầu bổ sung 225 triệu USD trong tài khóa 2023 nhằm phát triển hệ thống đánh chặn.
Trong khi đó, Israel tăng cường sự hiện diện trong không gian bằng việc phát triển và phóng một chùm vệ tinh theo dõi các mục tiêu thù địch.
Vũ khí siêu vượt âm, trong đó có tên lửa và phương tiện lướt, có thể bay với tốc độ tối thiểu Mach 5. Chúng thường được mô tả là loại vũ khí vô hình do tốc độ bay rất cao và khả năng cơ động theo quỹ đạo phức tạp, giúp né tránh phần lớn hệ thống phòng thủ tên lửa.
Ngay sau khi Fattah được Iran công bố, Bộ Chỉ huy Miền Bắc của IDF đã tổ chức liên tiếp hai cuộc diễn tập cấp sư đoàn riêng biệt, trong đó có kịch bản không quân mở các đợt tập kích chiến lược vào sâu trong lãnh thổ đối phương trong chiến tranh tổng lực, cùng các đợt tấn công và phòng thủ giả định của hải quân.
Các cuộc diễn tập được tổ chức trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong khu vực liên quan chương trình hạt nhân của Iran. Sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2018 và tái áp đặt loạt lệnh trừng phạt nhằm vào Iran, trong khi Tehran đẩy mạnh chương trình hạt nhân, tên lửa của mình.
Tel Aviv lo ngại các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận có thể hợp pháp hóa chương trình hạt nhân của Tehran. Giới chức Israel cũng cảnh báo nguy cơ xung đột lớn trong khu vực nổ ra vì chương trình hạt nhân của Iran.