Một đoạn video được truyền thông Nga đăng tải trên Internet đã ghi lại cuộc tấn công “ngoạn mục” bằng tên lửa của hệ thống tên lửa chiến thuật OTRK Iskander-M của Nga vào các vị trí của lực lượng phòng không của Lực lượng Vũ trang Ukraine ở khu vực Krivoy Rog.
Có thông tin cho rằng, đã có một quả tên lửa cùng một lúc bắn trúng cả bệ phóng 9A83 và trạm dẫn đường tên lửa đa kênh 9S32 của hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-300V, loại vũ khí rất hiếm đối với Lực lượng vũ trang Ukraine.
Đoạn phim ghi lại rõ ràng khoảnh khắc tên lửa Iskander bay đến và rơi chính xác vào giữa bệ phóng và trạm dẫn đường.
Về lý thuyết, cả hai mục tiêu này đều sẽ bị phá hủy, vì thực tế không có cơ hội nào cho cả 2 trang bị này, sau một vụ nổ với đầu đạn nặng tới 480kg như vậy.
Tuy nhiên, sau khi phân tích kỹ đoạn video, các chuyên gia quân sự Nga đang bối rối trước một tình huống khá đáng ngờ.
Thông thường, với một vụ tấn công như vậy, các tên lửa trong ống phóng sẽ phát nổ và gây ra vụ nổ tiếp theo lớn hơn.
Tuy nhiên trong trường hợp này, các xe bệ phóng và trạm dẫn đường đều bị phá hủy, nhưng không có vụ nổ nào xảy ra tiếp theo.
Theo các chuyên gia quân sự Nga, điều này có thể cho thấy là tên lửa Nga không bắn trúng mục tiêu thật mà chỉ là mô hình giả được bơm hơi để đánh lừa các hệ thống trinh sát quang học hoặc không ảnh..
Trong một chiến dịch quân sự đặc biệt, thủ thuật đơn giản này được cả hai bên xung đột sử dụng.
Mặc dù Nga là bên áp dụng biện pháp này trước và phổ biến hơn nhưng trong thời gian gần đây, Lực lượng vũ trang Ukraine cũng đã bắt đầu sử dụng mô hình giả thường xuyên hơn trước.
Vấn đề là trang bị thực tế trong quân đội Ukraine không còn nhiều. Và sự thiếu hụt đặc biệt trầm trọng được cảm nhận ở các đơn vị phòng không. Đây chính là lý do tại sao Bộ chỉ huy Lực lượng Vũ trang Ukraine bắt đầu lắp đặt ồ ạt các mô hình thiết bị bơm hơi tại một số vị trí.
Cần lưu ý rằng chúng được làm bằng chất lượng rất cao và từ độ cao mà máy bay không người lái trinh sát của Nga bay, không dễ dàng để xác định hàng giả.
Tuy nhiên, việc Nga đánh nhầm mục tiêu giả là điều ít xảy ra, bởi trên thực tế Lực lượng Vũ trang Nga có nhiều trang bị trinh sát điện tử, có khả năng phân biệt sóng radar giám sát đường không của các hệ thống tên lửa phòng không, do đó, loại trừ phần lớn khả năng đánh nhầm mục tiêu giả.