Lãnh đạo tối cao Khamenei đã đồng ý ân xá cho ‘hàng chục nghìn’ tù nhân, trong số đó có người bị kết án vì tham gia các cuộc biểu tình và bạo loạn gần đây, truyền thông nhà nước đưa tin hôm 5/2.
Động thái này trùng với lễ kỷ niệm 44 năm Cách mạng Hồi giáo Iran, được tổ chức tại Iran từ ngày 1 đến ngày 11/2.
Theo hãng thông tấn nhà nước IRNA, người tham gia biểu tình và bạo loạn có thể được giảm án hoặc được ân xá hoàn toàn, miễn là họ không bị buộc tội gián điệp, liên hệ với các cơ quan tình báo nước ngoài, không làm hư hại tài sản nhà nước và không làm bị thương hoặc giết bất kỳ ai trong cuộc bạo loạn.
Ông Khamenei được cho là đã chấp thuận yêu cầu ân xá do Chánh án Tư pháp Iran Gholam Hossein Mohseni-Ejei đưa ra. Nhà lãnh đạo tối cao này thường xuyên đưa ra các phán quyết tương tự nhân dịp các lễ hội tôn giáo khác nhau.
Con số chính xác những người được ân xá chưa được tiết lộ, nhưng IRNA báo cáo "hàng chục nghìn" người có thể được ân xá. Cũng không rõ có bao nhiêu người trong số họ đã bị kết án vì tham gia biểu tình.
Iran đã trải qua nhiều tháng biểu tình và bạo loạn do cái chết của một phụ nữ trẻ có tên Mahsa Amini sau khi cô bị cảnh sát giam giữ vào tháng 9/2022. Amini bị bắt vì đội khăn trùm đầu "không phù hợp" và chết trong đồn cảnh sát vài giờ sau đó. Gia đình cô khẳng định rằng cô bị đánh đến chết trong khi chính quyền Iran nói rằng cô chết vì bệnh lý.
Mỹ, EU và một số quốc gia khác cáo buộc Tehran đàn áp bạo lực người biểu tình và áp đặt một loạt lệnh trừng phạt đối với Iran. Tháng trước, Nghị viện EU thông qua nghị quyết kêu gọi Brussels và các quốc gia thành viên EU đưa Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo vào danh sách đen các tổ chức khủng bố.
Động thái trên đã gây ra phản ứng giận dữ ở Tehran. Quốc hội Iran cảnh báo EU rằng nếu làm như vậy, Iran sẽ trả đũa bằng cách tuyên bố tất cả quân đội EU là tổ chức khủng bố.
Iran cũng phủ nhận tuyên bố rằng cái chết của Amini là kết quả do sự tàn bạo của cảnh sát và khẳng định rằng tình trạng bất ổn ở nước này là do nước ngoài kích động.
Washington và Brussels đã sử dụng các cuộc biểu tình như một cái cớ để áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung và khuấy động căng thẳng xã hội ở Iran, Tehran cho biết.