Internet phủ khắp cơ sở giáo dục

Internet phủ khắp cơ sở giáo dục

(GD&TĐ)-Một trong những sự kiện để lại dấu ấn mạnh mẽ nhất của ngành GD&ĐT trong năm 2010 là việc 100% cơ sở giáo dục Việt Nam đã được kết nối Internet. Có lẽ cũng không phải là quá khi có người đã ví đây như một trận Điện Biên Phủ trong dạy và học, đánh dấu thời kỳ nâng chất vượt bậc của giáo dục Việt Nam.

(ảnh minh họa: Internet)
(ảnh minh họa: Internet)


Ngay từ năm 1998, khi Internet được mở ra tại Việt Nam Đề án Mạng giáo dục EduNet đã được Bộ GD&ĐT “thai nghén”. Cho đến năm 2002, việc ký kết giữa Bộ GD&ĐT và BCVT đã chính thức mở màn chiến dịch đổi mới cách dạy và học. Việc triển khai EduNet khi đó được cho là sẽ thay đổi cả chất lẫn lượng của mạng giáo dục. Quy mô và phạm vi dự án là phủ lên tất cả các trường học với 22 triệu học sinh, sinh viên và giáo viên. Khi đó, trong dự định của Bộ GD&ĐT xây dựng nội dung cho dự án EduNet sẽ đưa lên mạng những mẫu giáo án tốt, chủ trương đường lối phát triển giáo dục, thư viện điện tử, giáo trình và sách giáo khoa điện tử trên mạng, tin thời sự giáo dục, phần mềm dạy học, phần mềm quản lý, số liệu thống kê, thông tin tuyển sinh... đặc biệt là các khoá học trên mạng (e-Learning). Đây là một mô hình học tập hiện đại, đang được nhiều nước phát triển...

Mười năm qua, đã chứng kiến việc kết nối Internet từ công nghệ quay số điện thoại đến ADSL (4/2004). Còn đường thuê riêng (leased line) thì ít cơ quan trường học mơ đến vì quá đắt. Ngay trường đại học chuyên ngành CNTT đến nay cũng chỉ dám thuê đường kết nối 512Kbps.

Từ tháng 9/2008, Chương trình kết nối mạng Internet cho 29.559 cơ sở giáo dục của ngành giáo dục trên toàn quốc được triển khai. Nhiều người cho rằng, đây là việc làm quá sức, là không tưởng.

Thế nhưng, với nỗ lực hết mình của người lính Viettel, của toàn ngành giáo dục, đến cuối tháng 7/2010, chương trình đã hoàn thành 100%, sớm hơn 6 tháng so với cam kết.

Với thành quả này, 29.559 cơ sở giáo dục, hơn 25 triệu cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh trong cả nước đã có điều kiện tiếp cận Internet phục vụ công tác quản lý, giảng dạy và học tập, tìm kiếm thông tin, tài liệu. Trong đó 72% số trường được kết nối Internet băng thông rộng. Tổng kinh phí đầu tư khoảng 500 tỉ đồng và vận hành trong các năm tiếp theo là 100 tỉ đồng/năm.

3G dần dần sẽ đến với tất cả cơ sở giáo dục. Tỷ lệ này vượt xa các nước trong khu vực và nhiều nước phát triển. Việt Nam đã trở thành một trong số ít các quốc gia trên thế giới có 100% cơ sở giáo dục được kết nối mạng internet (trừ những nơi chưa có đủ điều kiện điện lưới, máy tính…). Từ nhóm thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á, đến năm năm 2010 theo báo cáo của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục của các nước ASEAN (SEAMEO), Việt Nam đã được đưa vào nhóm hàng đầu khu vực về ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong ngành Giáo dục.

Năm 2010, Bộ GD&ĐT cũng tiếp tục được xếp hạng thứ nhất về ứng dụng CNTT trong các bộ, ngành do Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Tin học đánh giá xếp hạng.

Ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin cho rằng, có thể gọi việc đưa Internet tới các cơ sở giáo dục là một kỳ tích, bởi nhiều trường học ở sâu hun hút, hoặc cheo leo giữa núi cao, nơi mà đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Việc thực hiện chương trình nối mạng đã cải thiện mạnh mẽ mức độ ứng dụng CNTT trong ngành Giáo dục.

Được biết, việc hoàn thành kết nối Internet mới chỉ là giai đoạn đầu trong chương trình hợp tác giữa Bộ GD&ĐT và Tập đoàn Viettel trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục. Bộ GD&ĐT và Tập đoàn Viettel cũng đã ký kết về việc triển khai các ứng dụng tin học trong nhà trường. Theo đó, hai bên sẽ hợp tác triển khai đầu tư thiết bị, số hoá sách giáo khoa, các tài liệu đào tạo… phục vụ nhu cầu số hoá tài liệu, giáo trình, đổi mới hình thức tập huấn cho giáo viên qua mạng; triển khai ứng dụng CNTT trên mạng GD như thí điểm mô hình trường học điện tử, thí điểm mô hình kết nối mạng GD đến điểm bản, điểm thôn cho các trường mầm non…

Hy vọng, với sự vào cuộc của Viettel cũng như nhiều doanh nghiệp đã cùng chung tay với ngành giáo dục; với sự nỗ lực của toàn ngành, chúng ta sẽ thực sự có một nền giáo dục điện tử trong tương lai gần.

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ