Indonesia: Sóng thần lại tàn phá đất nước vạn đảo

GD&TĐ - Ban nhạc rock nổi tiếng Seventeen bắt đầu chơi nhạc phẩm thứ hai, trong buổi biểu diễn ở tiệc tất niên của Công ty PLN tại bãi biển Tanjung Lesung (phía Tây đảo Java của Indonesia vào tối 22/12). Khán giả bắt đầu phấn khích phụ họa theo tiếng nhạc. Không ai biết một cơn sóng thần cao hơn 3m đang lừ lừ tiến đến đằng sau tấm phông sân khấu vốn quay lưng lại với biển…  

Người dân Indonesia ở Carita, trên đảo Java (Indonesia) bàng hoàng sau khi cơn sóng thần san phẳng những ngôi nhà và khiến nhiều người thiệt mạng
Người dân Indonesia ở Carita, trên đảo Java (Indonesia) bàng hoàng sau khi cơn sóng thần san phẳng những ngôi nhà và khiến nhiều người thiệt mạng

Thảm họa bất ngờ

Buổi biểu diễn biến thành thảm họa. 14 người tham gia sự kiện (trong đó có 4 thành viên ban nhạc) thiệt mạng tại chỗ, cùng 89 người mất tích. Nhưng đó chỉ là con số nhỏ trong số ít nhất 281 người thiệt mạng, 1.016 người bị thương và 57 người đang mất tích, tính đến sáng 24/12, theo Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Indonesia (BNPB).

Số nạn nhân và mức độ thiệt hại tăng lên hàng giờ, trong khi lực lượng cứu hộ vẫn chạy đua để tìm kiếm người bị nạn. Thiệt hại về cơ sở vật chất chưa thể thống kê được, chỉ biết rằng, hầu hết các khu vực dân cư mà sóng thần quét qua đều trở thành đống đổ nát. Dự kiến về số người thiệt mạng hoặc mất tích cho đến thời điểm này vẫn chỉ là phỏng đoán, bởi các bãi biển phía Tây Java và miền Nam Sumatra vào tối 22/12 rất đông du khách, cả khách quốc tế lẫn khách du lịch nội địa, từ các vùng lân cận đổ về biển để vui chơi trong tuần cuối cùng của dịp lễ Giáng sinh.

Indonesia là một quần đảo gồm hơn 17.000 hòn đảo, nằm trong khu vực núi lửa và địa chấn đang hoạt động được gọi là Vành đai lửa. Eo biển Sunda nằm giữa Java, hòn đảo đông dân nhất và Sumatra, nơi đông dân thứ hai trên cả nước. Đảo Anak Krakatau nổi lên cách đây gần một thế kỷ, từ miệng núi lửa Krakatau (phun trào vào năm 1883), trở thành một trong những sự kiện kiến tạo địa chất lớn nhất trong lịch sử đương đại. Hòn đảo núi lửa đã phát triển không ngừng kể từ đó, nhưng việc phun trào dữ dội và thường xuyên mới chỉ xuất hiện vài tuần gần đây. Các quan chức cho biết, họ sẽ điều tra xem liệu hoạt động của núi lửa này có gây ra một vụ lở đất dưới đáy biển, từ đó khiến sóng thần xuất hiện hay không. 

Đây là trận sóng thần kinh hoàng thứ hai ở Indonesia trong năm nay, khép lại một năm thực sự thảm họa đối với người dân ở đất nước vạn đảo: Động đất, sóng thần, lũ lụt, hỏa hoạn và một vụ tai nạn hàng không, khiến hơn 4.500 người thiệt mạng - một con số mà khi liệt kê, thường chỉ đi cùng với những quốc gia đang có chiến tranh.

Một số người cho rằng, trận sóng thần lần này là do một vụ lở đất dưới đáy biển, gây ra bởi hoạt động của núi lửa trên đảo Anak Krakatau. Thời điểm đó không có hoạt động địa chấn trong khu vực, do vậy các cơ quan chức năng đã không có cơ sở để cảnh báo sơ tán sóng thần. Ông Rahmat Triyono, người đứng đầu bộ phận động đất và sóng thần tại Cơ quan Khí tượng - Khí hậu và Địa vật lý Indonesia cho biết: “Không có cảnh báo về sóng thần, cũng không có trận động đất”.

Thiếu khả năng cảnh báo sớm

Theo ông Tsopo Purwo Nugroho, người phát ngôn của cơ quan quản lý thảm họa Indonesia, các cơ quan chức năng Indonesia không thể phát hiện ra sóng thần và đưa ra cảnh báo bởi vì “chúng tôi không có hệ thống cảnh báo sớm về sóng thần gây ra bởi lở đất dưới đáy biển và phun trào núi lửa mà chỉ có cảnh báo sớm dựa trên trận động đất”.

Việc phát triển một hệ thống cảnh báo nhận ra lở đất và phun trào núi lửa đang là một thách thức lớn cần nhanh chóng vượt qua. Nhưng thực tế, không phải lúc nào những trận sóng thần kích hoạt bởi động đất cũng được cảnh báo trước. Trong trận động đất ngày 28/9 và kết quả là sóng thần xảy ra ở thành phố Palu trên đảo Sulawesi, không hề có tiếng còi báo động vang lên. Hơn 2.100 người đã thiệt mạng trong thảm họa đó. Nguyên nhân được cho là động đất khiến kiến tạo tại một số khu dân cư lớn nhất thành phố (được xây dựng trên đỉnh đất) bị hóa lỏng, khi sự rung chuyển của địa chấn biến lòng đất rắn thành một dòng chảy gelatin, trượt ra biển và đẩy nước biển lên, tạo thành sóng thần.

Trở lại với thảm họa diễn ra hôm 22/12, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là thành phố Pandeglang ở tỉnh Java Bant Banten, nơi có bãi biển du lịch Tanjung Lesung, vốn thu hút đông du khách đến từ thủ đô Jakarta. Video và hình ảnh từ

Pandeglang cho thấy, thiệt hại rất lớn, với những ngôi nhà bị nghiền nát và những chiếc xe bẹp rúm. Con đường từ Pandeglang đến Serang gần đó đã bị cắt đứt, cản trở nỗ lực cứu hộ. Ngoài ra, khu vực eo biển Sunda ở Sumatra cũng bị tàn phá nặng nề, với hàng chục người thiệt mạng.

Trong một bài đăng trên Twitter, Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo, đã bày tỏ sự cảm thông sâu sắc của mình đối với các nạn nhân; ông cho biết đã ra lệnh các cơ quan chính phủ nỗ lực hết sức để tìm kiếm những người sống sót, cứu chữa và chăm sóc những người bị thương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.