Indonesia dừng tăng học phí đại học

GD&TĐ - Hồi tháng 1, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia ban hành kế hoạch dự thảo về việc tăng học phí đại học từ năm 2024...

Học phí tăng có thể khiến nhiều sinh viên Indonesia bỏ học.
Học phí tăng có thể khiến nhiều sinh viên Indonesia bỏ học.

Chính phủ Indonesia mới đây thông báo nước này sẽ hủy bỏ kế hoạch tăng học phí đại học năm học 2024 - 2025 sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia, sinh viên, phụ huynh.

Hồi tháng 1, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia ban hành kế hoạch dự thảo về việc tăng học phí đại học từ năm 2024. Việc tăng học phí nhằm đầu tư cho cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên; từ đó, nâng cao chất lượng dạy và học của các trường.

Theo truyền thông Indoneisa, sau đề xuất tăng học phí, một số thí sinh đã rút đơn đăng ký đại học, trong khi số khác biểu tình phản đối kế hoạch.

Tại Đại học Riau, tỉnh Riau, Indonesia, 48 sinh viên quyết định bỏ học do không đủ khả năng đóng học phí từ đầu năm. Nếu học phí tiếp tục tăng theo kế hoạch, việc học đại học sẽ trở nên bất khả thi.

Ông Muhammad Rafi, Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Riau, cho biết: “Từ tháng 1, học phí đại học đã tăng gấp đôi. Nếu học phí còn tiếp tục tăng thì nhiều sinh viên sẽ không thể tiếp tục học tập”.

Ghi nhận những ý kiến phản đối, Chính phủ Indonesia quyết định sẽ không tăng học phí trong năm học 2024 - 2025. Chính phủ cũng đảm bảo không sinh viên nào bị ảnh hưởng bởi việc tăng học phí trong năm nay.

Học phí đại học từ lâu đã là “bài toán khó” tại Indonesia. Theo quy định nhà nước, học phí đại học dựa trên tiêu chuẩn do chính phủ đặt ra và được điều chỉnh theo khả năng tài chính. Điều này đồng nghĩa những sinh viên nghèo, khó khăn sẽ đóng học phí ít hơn bạn bè khá giả.

Tuy vậy, từ năm 2019, nhiều trường đại học công lập đã tăng học phí, thậm chí tăng tới 500%. Đơn cử, một trường đại học đã tăng học phí 4 năm từ 25 triệu rupiah vào năm 2023 lên 200 triệu rupiah trong năm nay.

Các trường tăng học phí cho biết trước năm học, sinh viên có thể điền mẫu đơn xin giảm trừ gia cảnh để được giảm học phí. Nhưng nhiều sinh viên nói cách làm này không hiệu quả. Iqbal Muntaha - sinh viên Đại học Hồi giáo Nhà nước Bandung (UIN Bandung), đã điền vào mẫu đơn rằng cha anh là thợ sửa chữa thiết bị điện tử đã qua sử dụng, một công việc có thu nhập thấp. Tuy nhiên, Iqbal vẫn phải đóng phí tương tự những bạn có điều kiện kinh tế tốt hơn.

Nam sinh cho biết: “Tôi đã nghỉ học để kiếm tiền. Việc làm thêm không thể giúp tôi trang trải chi phí học đại học. Ít nhất là tôi đang cố gắng”.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với sinh viên ở nhiều trường đại học khác. Tuy nhiên, đại diện các trường cho rằng số lượng sinh viên gặp vấn đề thanh toán học phí chỉ là thiểu số, không phản ánh tình hình thực tế. Ngoài ra, nhà trường luôn sẵn sàng hỗ trợ và miễn trừ cho sinh viên để các em có thể tiếp tục học tập.

Tại Bandung, Tây Java, 206 sinh viên Học viện Công nghệ Bandung và 400 sinh viên Đại học Hồi giáo Nhà nước (UIN) đã ngừng đến trường và không đóng học phí để phản đối chính sách. Trước đó, nhiều người trong số họ đã phải tìm cách miễn giảm học phí để trang trải cuộc sống đại học. Việc tăng học phí sẽ khiến số lượng sinh viên bỏ học tăng cao hơn.

Theo UWN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ