Dù đã khép lại nhưng triển lãm “Ảnh xạ” của Trang Thanh Hiền vẫn gieo những nhớ thương, suy tưởng không chỉ từ vẻ đẹp sâu lắng của mỗi tác phẩm mà còn từ câu chuyện sáng tạo của cây bút phê bình vẽ tranh…
Sau những “Đáy sóng” (2015), “Mùa trong vườn” (2022), người vốn nổi danh trong giới nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Trang Thanh Hiền tiếp tục kể chuyện “Ảnh xạ” qua hơn 40 tác phẩm vẽ trên giấy dó và điêu khắc gỗ. Họa sĩ gọi đó là “những khúc nhạc của đời mình” mà chị muốn tỏ bày cùng công chúng.
Khúc nhạc ấy không bỗng dưng cao hứng nổi lên rồi lặng chìm mà nó là bản tổng phổ nối dài mấy chục năm miệt mài, bền bỉ sáng tạo. Khởi điểm cất lên từ giai âm của bộ 5 bức vẽ cách đây hơn 20 năm rồi được bổng trầm cùng seri tranh 12 bức của năm 2022 để đến hôm nay gieo những ý niệm suy tưởng trên 18 bức tranh in kết hợp với vẽ mực nho, màu nước trên giấy dó và 9 bức tượng điêu khắc gỗ.
Khi chia sẻ về sự kết nối này, nữ họa sĩ đã không giấu được những thổn thức “thuở ban đầu” cầm cọ. Cũng bởi, hơn 20 năm trước, chị đã ngừng vẽ để say mê đi tìm thông điệp trong bao nét chạm khắc còn mãi với thời gian của cha ông được lưu lại nơi những pho tượng cổ, mái đình, mái chùa… Đôi khi cầm cọ cũng chỉ là để thư thả rồi lại tiếp tục bước vào cuộc nghiên cứu mới.
Rõ ràng khi ấy, Trang Thanh Hiền đã chọn nghiên cứu và gặt hái không ít thành công. Chị là tác giả của những cuốn sách chuyên khảo như: “Hình tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn ở Việt Nam” (NXB Văn hóa Thông tin Hà Nội, 2005); “Cửu Phẩm Liên Hoa trong kiến trúc cổ Việt Nam” (NXB Thế giới, 2007, tái bản năm 2010); “Tranh Tết nét tinh hoa truyền thống Việt” (NXB Mỹ thuật, 2016, tái bản có bổ sung tại NXB Thế Giới năm 2018 và 2019); “Nghệ thuật tạo tác tượng Phật trong các ngôi chùa Việt” (NXB Lao động, 2019)…
Nhưng, đến một ngày gặp lại những đứa con tinh thần ban đầu, ngọn lửa của nghệ thuật tạo hình vẫn ủ sẵn trong lòng lại bừng cháy và thúc giục chị tiếp tục cầm cọ nối mạch với hình hài, dáng điệu, dường như đã được định hình từ thuở đôi mươi mà chỉ chực chờ họa sĩ khơi dòng.
Dòng chảy này ngày càng trào dâng khi liền hai năm nay chị “hẹn hò” với công chúng bằng những khúc nhạc mà giai âm được cất lên từ bảng màu, nét cọ chuyên chở những ý niệm đa chiều nhiều khi là chính những “soi rọi bản thân, tìm thấy mình trong vô số những xáo trộn của đời sống đương đại” sau những tháng ngày nghiên cứu mỹ thuật Phật giáo.
Vì vậy, có thể, cả quãng thời gian dài chị tạm gác cọ nhưng là để chắt chiu, vun đắp mạch nguồn sáng tạo từ những công trình nghiên cứu, khi có thể sẽ hiến dâng, vừa mới là “Mùa trong vườn” (2022) đã đến “Ảnh xạ”…
Đúng như tên gọi: “Ảnh xạ”, các tác phẩm được trưng bày dịp này đều từ những chuyển động của sự vật, hiện tượng mà gợi ra những dáng hình. Thú vị là từ: “Gió”, “Giông”, “Mưa”… đến: “Mơ hoa”, “Mơ sen”… đều gợi hình bóng có dáng ngồi của một vị chư Phật cùng hương sen ngan ngát, tưởng thoát tục mà lại vẫn cuồn cuộn những chuyển động luân hồi.
Tác phẩm 'Mơ hoa', khắc gỗ màu nước trên giấy dó, 2023. |
PGS.TS Nguyễn Nghĩa Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, đánh giá: “Trong các bộ tác phẩm đều hiện diện bản chất nữ trong tinh thần khó đoán định, chấp chới giữa thanh tao và trần tục, giữa những chuyển động dữ dội và nét tự tại, bình thản. Liệu đó có phải là những khoảnh khắc, những sự thật bên trong đời sống của một cá tính, của một bản thể tồn tại trong đời sống đương đại phức tạp này?”.
Theo PGS.TS Quách Thị Ngọc An, ở bộ 5 bức vẽ năm 2002, Trang Thanh Hiền gợi cho người xem cảm nhận sự vẽ như bản năng, như hơi thở được tràn ra từ trong tâm tư qua cách phối màu và nét giàu tính biểu cảm trên giấy dó, kỹ thuật tối giản đến mức tự nhiên như phóng bút.
Đến 12 tranh khắc gỗ năm 2022 lại đem đến những chuyển động về màu sắc, vượt qua những lối mòn quy tắc truyền thống, tạo ra những sáng tạo bay bổng đầy chất thơ thấm đẫm cái tôi trữ tình.
Và ở “Ảnh xạ”, vẫn là từ khóa: Sen, lá, thiền… “nhưng được lồng ghép thể hiện vẻ đẹp phụ nữ và trạng thái cuồng nhiệt cùng những đường cong mềm mại mà dáng nét vẫn vô cùng thanh tú.
Chất liệu và kỹ thuật dường như được mở rộng hơn cùng với ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật. Trong tranh và tượng có cả tâm tư, bản ngã của con người, có mưa gió, núi sông, sen nở sen tàn…”.
Còn Trang Thanh Hiền có lý giải cho riêng mình: “Với tôi, trong những bức tranh của mình hình bóng như dáng ngồi của một vị chư Phật là một ý niệm không tương liên với giáo lý, tôn giáo mà chính là ảnh xạ của sự phản ánh biểu tượng đó.
Nó như sự hiện hữu của thế giới tinh thần một cách trung trinh, ôm trọn vào đó các giá trị. Trong đó có mưa gió, có núi sông, có sen nở sen tàn, và có cả bản nguyên của con người, nhưng tinh thần trung trinh đó dường như không thay đổi.
Nó lấp lánh rực rỡ, hào sảng và cuốn hút tôi vào dòng thác lũ của những cảm xúc sống dậy trong mình. Cảm xúc ấy như sự yêu đương mãnh liệt của thủa đôi mươi. Và, dẫu vẫn vẽ những đôi môi hoá thành chiếc lá, cánh sen như nhiều năm trước, nhưng rõ ràng xúc cảm để soi chiếu nội tâm trở nên rõ ràng”.
““Ảnh xạ” không chỉ đơn thuần là một sự phản chiếu, hay sự ẩn tàng mà còn là một sự kết nối, giữa hiện tại và quá khứ, giữa những bóng hình biểu tượng đã định hình từ những năm 2000 để vượt thời gian, để hiện hữu trong sự đồng hành ngoạn mục giữa nghiên cứu và sáng tác”. Họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Trang Thanh Hiền