In bản đồ quý: Diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ

GD&TĐ - Giáo viên, học sinh phổ thông có thêm một giáo cụ trực quan để dạy học Lịch sử, đó là Bản đồ Diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ.

NXB Đại học Sư phạm làm lễ dâng Bản đồ Diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ và tặng sách tại phòng thờ Đại tướng ở số 30 Hoàng Diệu – Hà Nội.
NXB Đại học Sư phạm làm lễ dâng Bản đồ Diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ và tặng sách tại phòng thờ Đại tướng ở số 30 Hoàng Diệu – Hà Nội.

Bản đồ này có chữ ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở Chỉ huy Mường Phăng năm 2004.

Ông Nguyễn Bá Cường - Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Sư phạm - cho biết: Sáng 10/5, tại Nhà riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm đã tổ chức Lễ dâng Bản đồ Diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ và cuốn sách mới xuất bản “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 - Giảng dạy và học tập trong nhà trường phổ thông”.

Riêng Bản đồ Diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ, Nhà xuất bản đã vinh dự được gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp ủy quyền in.

Nhà xuất bản đã hoàn thành việc in 60 bản đặc biệt vào ngày 5/5/2014 để gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng Bảo tàng Điện Biên Phủ, Ban quản lý Di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, các bảo tàng và các cơ quan, đơn vị của Quân đội Nhân dân Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014).

Con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Võ Hồng Nam, cho rằng, đây là tấm bản đồ hết sức có giá trị, cả về ý nghĩa lịch sử và giá trị khoa học bởi quá trình hình thành của nó.

Khi triển khai Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân ta chưa có bản đồ về tập đoàn cứ điểm, do đó, tấn công tới đâu vẽ lại bản đồ tới đó.

Cho tới khi quân báo của ta lấy được từ phía địch (quân đội Pháp) một tấm bản đồ địa hình của tập đoàn cứ điểm, các đơn vị bộ đội của ta đã vẽ lại các đợt tấn công của quân ta trên tấm bản đồ đó.

“Tấm bản đồ gốc này được Đại đoàn Phó Đại đoàn Công pháo 351 Đào Văn Trường lưu giữ. Sau này, Ba tôi đã xác nhận và đề nghị chú Đào Văn Trường tặng tấm bản đồ gốc cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam” - Ông Võ Hồng Nam cho biết.

Ông Võ Hồng Nam kể: Vào đầu những năm 2000, được Ba gợi ý và giao nhiệm vụ phải hoàn thiện tấm bản đồ Chiến dịch Điện Biên Phủ phục vụ cho giáo dục truyền thống và phổ biến trong trường học, trong nhân dân, tôi đã tiến hành công việc.

Tấm bản đồ Chiến dịch Điện Biên Phủ được hoàn thiện trên cơ sở góp ý của Ba tôi cùng các tướng lĩnh trực tiếp tham gia chỉ đạo Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngày 19/4/2004, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tại Sở Chỉ huy Mường Phăng, Ba tôi đã ký vào tấm bản đồ được hoàn thiện trên khổ giấy A0.

Đây cũng là lần cuối cùng Ba tôi trở lại Sở chỉ huy chiến dịch, thăm và cảm ơn đồng bào đã đùm bọc quân đội và trực tiếp tham gia vào thắng lợi lịch sử, làm nên Tết Giải phóng ngày Bảy tháng Năm (theo quan niệm của đồng bào tỉnh Điện Biên, Lai Châu)”.

Ông Võ Hồng Nam cho biết thêm: “Tấm bản đồ gốc có chữ ký của Ba tôi hiện được lưu giữ như một bảo vật. 

Lần này, nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Ba tôi vừa đi xa, không còn được dự Lễ kỷ niệm chiến thắng lần này.

Ý tưởng in tấm bản đồ này để dành tặng Bào tàng Điện Biên Phủ và các cơ quan khác là mong muốn của gia đình và của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm như một sự kết nối truyền thống với hiện tại, như là sự trở về của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng bào, đồng chí".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Truyện ngắn: Duyên muộn

GD&TĐ - Năm nay Túc đã ở hàng “băm”. Anh có “thâm niên” hơn 20 năm bươn chải nơi xứ người với nghề bán vé số dạo.

Du khách xếp hàng vào thăm quan Bắc Bộ phủ. Ảnh: Bình Thanh.

Trải nghiệm khó quên ở Bắc Bộ phủ

GD&TĐ - Lần đầu tiên di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng Bắc Bộ phủ - Nhà khách Chính phủ mở cửa đón khách tham quan và đặc biệt thu hút sự quan tâm của công chúng.

Ảnh: Quốc Bình.

Củ cải khô

GD&TĐ - Sau bao nhiêu cái đợi thì mẹ mới rinh 20 kg củ cải về để thỏa niềm mong ngóng của mấy bố con.