(GD&TĐ) – Nền kinh tế toàn cầu có nhích lên dần dần vào năm 2013 khi những căng thẳng về mức tăng trưởng đã giảm bớt, tuy nhiên vẫn còn nhiều nguy cơ – Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vừa cho biết.
Bản báo cáo cho thấy các điều kiện kinh tế đã cải thiện một cách khiêm tốn trong quý 3 năm 2012 nhờ vào sự tăng tốc của các nền kinh tế mới nổi và Mỹ. Các điều kiện tài chính toàn cầu đã cải thiện hơn trong quý 4 năm 2012.
Tuy nhiên, trong khu vực đồng euro, sự hồi phục trở lại bị trì hoãn sau đợt suy giảm và Nhật Bản đã bị suy thoái trong nửa cuối của năm 2012.
Ông Olivier Blanchard, Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF |
Sự lạc quan thận trọng giữa mức tăng trưởng khiêm tốn
IMF dự đoán rằng kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,5% vào năm 2013 – một mức tăng khiêm tốn so với 3,2% của năm 2012. Tuy nhiên, con số này thấp hơn một chút so với con số mà IMF dự đoán vào tháng 10 năm ngoái.
Những nền kinh tế phát triển dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ 1,4% vào năm 2013, giảm 0,2% so với dự đoán vào tháng 10 năm ngoái.
IMF dự đoán sự suy giảm 0,2% năm nay nằm ở khu vực đồng euro nơi vẫn là vùng nguy cơ đối với nền kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế Mỹ được dự đoán sẽ tăng 2% trong năm 2013.
Gói kích thích và sự nới lỏng tiền tệ của Nhật Bản sẽ giúp kinh tế tăng trưởng trong thời hạn trước mắt, kéo quốc gia này ra khỏi sự suy thoái ngắn hạn. Kinh tế Nhật dự đoán sẽ tăng 1,2% trong năm 2013.
Tăng trưởng trong các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển được dự đoán tăng từ 5,1% năm 2012 lên 5,5% trong năm 2013 khi các chính sách hỗ trợ đã củng cố được sự tăng tốc gần đây trong nhiều nền kinh tế.
Kinh tế Trung Quốc dự kiến tăng trưởng 8,2% trong năm 2013, so với năm 2012 là 7,8%.
Tồn tại những nguy cơ
Ông Blanchard - Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF- cho rằng so với năm ngoái, các mối nguy hiểm đã giảm bớt, tuy nhiên chúng ta không nên ảo tưởng vì những thử thách lớn vẫn còn ở phía trước. “Nếu các nguy cơ khủng hoảng không xảy ra và những điều kiện kinh tế tiếp tục cải tiến, sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể mạnh mẽ hơn so với dự đoán” – IMF cho biết – “Tuy nhiên, nguy cơ suy thoái vẫn lớn. Cần có các chính sách để giải quyết mau chóng các nguy cơ này”.
IMF cũng cho rằng sự yếu kém trong các nền kinh tế phát triển sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu bên ngoài, cũng như việc xuất khẩu hàng hóa.
Nguy cơ sự trì trệ kéo dài trong khu vực đồng euro sẽ tăng lên nếu đà cải cách không còn duy trì. Những nỗ lực điều chỉnh ở các nước xung quanh cần duy trì và phải được các nước bên trong hỗ trợ.
IMF nhấn mạnh nhu cầu tái thiết chính sách kinh tế vĩ mô tại các nước đang phát triển. Ở Trung Quốc, việc đảm bảo duy trì sự tăng trưởng nhanh chóng đòi hỏi nỗ lực liên tục với việc cải cách cấu trúc theo hướng thị trường và cân bằng nền kinh tế theo hướng tiêu thụ cá nhân.
Mỹ cũng cần phải ưu tiên việc tránh suy thoái và tránh củng cố tài khóa quá mức trong kỳ ngắn hạn, mau chóng tăng nợ trần và thống nhất kế hoạch củng cố tài khóa trung hạn.
Hà Châu (Theo Xinhua)