ILO khuyến nghị: Lựa chọn an toàn cho lao động di cư

GD&TĐ - Vụ việc 39 người chết trong container tại Anh ngày 23/10 vừa qua có thể là một điển hình về rủi ro trong vấn đề lao động di cư bất hợp pháp. 

Cải thiện khung pháp lý sẽ giúp cho kênh di cư hợp pháp hấp dẫn hơn đối với người lao động.
Cải thiện khung pháp lý sẽ giúp cho kênh di cư hợp pháp hấp dẫn hơn đối với người lao động.

Liên quan đến vấn đề này, tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam đã kêu gọi tăng cường nỗ lực bảo đảm di cư lao động an toàn, có trật tự, hợp thức và dễ dàng. 

Nguy cơ từ di chuyển ngoài khuôn khổ pháp luật

Theo ILO, tại Việt Nam gần đây ghi nhận số lượng người dân ra nước ngoài làm việc gia tăng. Riêng trong năm 2019 đã có hơn 142 nghìn lao động xuất cảnh, trong đó có khoảng 50 nghìn lao động nữ đi làm việc theo hợp đồng. Theo ước tính của Chính phủ, người lao động di cư gửi về nhà 2,5 - 3 tỷ USD mỗi năm.

Ngoài ra, các báo cáo cũng cho thấy sự gia tăng đối với luồng di cư không hợp thức sang các nước trong khu vực và châu Âu. Di cư lao động không hợp thức đề cập tới hiện tượng người dân di chuyển ngoài khuôn khổ pháp luật, quy định hoặc các hiệp định quốc tế liên quan tới việc nhập cảnh và xuất cảnh từ quốc gia xuất phát, quốc gia trung chuyển hoặc quốc gia điểm đến.

“Di cư lao động không qua các kênh hợp thức khiến người lao động di cư có nguy cơ bị bóc lột lao động, hạn chế khả năng tiếp cận hỗ trợ và công lý khi ở nước ngoài” – Giám đốc ILO Việt Nam, Chang-Hee Lee chia sẻ.

Một nghiên cứu gần đây của ILO và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho thấy, người lao động có rất ít khả năng kiểm soát sự thành công hay thất bại trong quá trình di cư, cho dù quyết định lựa chọn di cư của họ là theo kênh nào.

Xét ở phương diện lớn hơn, tăng cường kết quả tích cực từ quá trình di cư đòi hỏi sự thay đổi về chính sách và thực tiễn từ những người có trách nhiệm – các chính phủ, người sử dụng lao động, các đơn vị tuyển dụng hơn là hành vi của người lao động di cư.

Nghiên cứu này cũng đã chỉ ra rằng, người lao động Việt Nam đã phải trả chi phí cao nhất so với một số nước trong khu vực để đi làm việc ở nước ngoài. Lao động cũng phải vay mượn khoản tiền lớn nhất và làm việc trong khoảng thời gian lâu nhất – lên đến 11 tháng – để có thể chi trả khoản nợ này.

Hơn 3/4 lao động Việt Nam được phỏng vấn, với 77% lao động nam và 75% lao động nữ trả lời rằng, họ bị vi phạm quyền lao động khi làm việc ở nước ngoài. Nợ nần khi di cư sẽ làm tăng nguy cơ rủi ro bị mua bán và cưỡng bức lao động. Lao động di cư do vậy, cần phải được bảo đảm rằng họ không phải trả bất kỳ phí hoặc chi phí tuyển dụng nào.

Bảo đảm nhu cầu thỏa đáng về việc làm

Chính phủ Việt Nam đang xem xét sửa đổi pháp luật liên quan đến việc quản trị lao động di cư ra nước ngoài. Đây chính là cơ hội quan trọng để cải thiện khung pháp lý về di cư lao động và giúp các kênh di cư hợp thức trở nên hấp dẫn hơn đối với người dân.

ILO kêu gọi các chính phủ tăng cường nỗ lực để hỗ trợ người lao động di cư thông qua các biện pháp: Thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia phái cử, trung chuyển và tiếp nhận để tăng cường và bảo đảm những lựa chọn di cư hợp thức, đặc biệt là đối với lao động nữ; Phát triển các kênh di cư hợp thức ít tốn kém tiền của, thời gian và ít phức tạp hơn.

Mặc dù di cư hợp thức có thể tăng khả năng đạt được kết quả tích cực và tạo ra lợi nhuận, nhưng lợi ích bị giảm đi rất nhiều bởi chi phí di cư hợp thức hiện quá cao và quy trình mất nhiều thời gian, khiến người dân có ý định di cư lựa chọn những con đường dễ tiếp cận hơn, bao gồm cả thông qua môi giới.

Chuyển chi phí tuyển dụng từ người lao động sang người sử dụng lao động. Số tiền lớn mà người lao động di cư vay để trả phí tuyển dụng làm giảm thu nhập từ di cư và thậm chí khiến người di cư có nguy cơ bị mất nhà ở và đất đai.

Theo các nguyên tắc chung và hướng dẫn thực hiện tuyển dụng công bằng của ILO, người lao động hoặc người tìm việc không phải gánh bất kỳ phí tuyển dụng hoặc chi phí liên quan nào.

Mở rộng tiếp cận pháp lý cho người lao động di cư, đặc biệt là lao động nữ vốn thường gặp nhiều khó khăn hơn nam giới, tại quê hương và ở nước ngoài. Khả năng người lao động di cư tiếp cận các cơ chế khiếu nại khi bị lạm dụng trong quá trình tuyển dụng và làm việc là yếu tố quan trọng để bảo đảm có các biện pháp khắc phục công bằng và đáp ứng yêu cầu.

Đào tạo kỹ năng nghề phù hợp với yêu cầu của người sử dụng lao động mà không tạo thêm gánh nặng về thời gian và tài chính đối với người lao động di cư. Điều này có lợi cho cả người sử dụng lao động và người di cư, góp phần tăng năng suất lao động, cải thiện tiền lương và điều kiện làm việc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.