ICTU tiên phong đào tạo nhân lực chất lượng cao về công nghệ bán dẫn vi mạch

GD&TĐ -Để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông đã tiên phong đào tạo ngành công nghệ bán dẫn vi mạch.

ICTU tiên phong đào tạo nhân lực chất lượng cao về công nghệ bán dẫn vi mạch

Tiên phong đào tạo

Cùng với 3 trường đại học trực thuộc Đại học Thái Nguyên, đây là năm đầu tiên trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông đào tạo sinh viên trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn vi mạch (chương trình đào tạo Vi mạch bán dẫn).

Nhà trường đã quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất dùng chung và phòng thí nghiệm cơ sở (hệ thống phòng học, giảng đường hiện đại, Phòng thực hành FPGA, Phòng thực hành về các hệ thống nhúng, IoT và AI). Nhà trường đầu tư thêm các phòng thí nghiệm chuyên sâu cho thiết kế vi mạch, đặc biệt là các phần mềm thiết kế vi mạch và phần mềm thiết kế các mạch tích hợp và kiểm tra các mô hình vi mạch.

Bên cạnh đó, trường còn cung cấp sách, giáo trình, tài liệu nghiên cứu và các nguồn tài nguyên học tập khác để hỗ trợ quá trình học tập và nghiên cứu của sinh viên. Thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn đội ngũ giảng viên và chuyên gia trong lĩnh vực bán dẫn và vi mạch, tham gia nghiên cứu và hợp tác với ngành công nghiệp để cập nhật kiến thức mới nhất.

Ngoài ra, trường cũng tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn để cung cấp cơ hội thực tập, dự án thực tế và các hội thảo chuyên đề. Đặc biệt, dựa trên các hợp tác đã ký kết, nhà trường được chia sẻ Cơ sở vật chất đào tạo về Vi mạch bán dẫn của Viện Công nghệ thông tin – ĐHQG Hà Nội cũng như liên kết với các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử vi mạch trong đào tạo, tuyển dụng sinh viên về Vi mạch bán dẫn như tập đoàn HCL, Tập đoàn Hồng Hải, SamSung,…

nha-truong-quan-tam-dau-tu-co-so-vat-chat.jpg
Nhà trường quan tâm đầu tư cơ sở vật chất.

Đồng thời, khuyến khích sinh viên và giảng viên tham gia các dự án nghiên cứu và phát triển vào các vấn đề thực tiễn và công nghệ mới.

PGS.TS Phùng Trung Nghĩa – Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông chia sẻ: Công nghiệp bán dẫn đã trở thành lĩnh vực cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của công nghệ điện tử và đóng góp vào sự tiến bộ của xã hội và kinh tế. Công nghệ vi mạch bán dẫn không chỉ dừng lại ở ứng dụng trong các lĩnh vực điện tử tiêu dùng, nó đã mở ra cửa cho nhiều ứng dụng khác nhau như trí tuệ nhân tạo, xe tự hành, y tế số, IoT (Internet of Things), ..., và nhiều lĩnh vực công nghiệp khác.

Xác định lĩnh vực vi mạch bán dẫn là lĩnh vực quan trọng, chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam cũng đẩy mạnh đầu tư phát triển. Do vậy, trường mở mới chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn vào năm 2024, đây cũng là một bước đi quan trọng để đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường và phù hợp với chính sách phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.

Đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao

Hiện nay, có một số trường đại học có đào tạo về Vi mạch bán dẫn như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, trường Đại học Công nghệ Thông tin, Bách khoa (Đại học Quốc gia TP HCM). So sánh các chương trình đào tạo về Vi mạch bán dẫn giữa các trường trong đại học thuộc Đại học Thái Nguyên, mỗi trường có những điểm mạnh và khác biệt nhất định.

Tại trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, sinh viên khi theo học chương trình đào tạo Vi mạch bán dẫn sẽ được đào tạo theo định hướng ứng dụng, 100% các môn học chuyên ngành đều có khối lượng thực hành. Ứng dụng công nghệ thông tin trong Thiết kế, chế tạo vi mạch bán dẫn, kiểm tra, kiểm thử thiết kế vi mạch bán dẫn.

Trường còn hợp tác với các Viện nghiên cứu, Công ty chuyên về Vi mạch bán dẫn trong đào tạo (trải nghiệm, thực tập, làm dự án) như Viện công nghệ thông tin – ĐHQG HN, Công ty HCL, FPT,…để nâng cao chất lượng đào tạo.

sinh-vien-ictu-co-co-hoi-tham-gia-chuong-trinh-trai-nghiem-thuc-te-tai-lumi-smart-factory-cong-ty-co-phan-lumi-viet-nam.jpg
Sinh viên ICTU có cơ hội tham gia chương trình trải nghiệm thực tế tại Lumi Smart Factory (Công ty cổ phần Lumi Việt Nam).

Về mức học phí năm học 2024-2025 tại các trường có sự chênh lệch nhau tùy vào chương trình đào tạo, thấp nhất là 16,4 triệu đồng và cao nhất là 80 triệu đồng/năm. Tại Trường Đại học Công nghệ thông tin, chương trình đào tạo Vi mạch bán dẫn nội dung đào tạo thuộc ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông. Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, mức học phí của ngành này là 16,4 triệu đồng/năm cho năm học 2024 - 2025.

Có thể thấy rằng, để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng và đất nước, trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cùng với xây dựng chương trình phù hợp, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, trường đã bố trí đội ngũ giảng viên và tăng cường liên kết với các đơn vị. Qua đó, hướng tới mục tiêu đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.