Năm 2023, kỳ thi đánh giá đầu vào trên máy tính (V-SAT) lần đầu tổ chức, do 4 trường đại học gồm: Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, ĐH Tài chính -Marketing, ĐH Sài Gòn và ĐH Mở TPHCM phối hợp với Trung tâm Khảo thí quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục tổ chức.
Một năm sau, 10 trường đại học ký kết hợp tác triển khai tổ chức kỳ thi này. Đến nay, việc tổ chức thi và sử dụng kỳ thi V-SAT được mở rộng đến 18 trường đại học.
TS Hà Xuân Thành - Giám đốc Trung tâm Khảo thí Quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục đã giới thiệu tổng quan về công tác phối hợp tổ chức kỳ thi V-SAT và những điểm mới trong kỳ thi năm 2025.
Theo đó, bài thi V-SAT được giới thiệu bám sát Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, có tính phân loại cao.
Ngân hàng câu hỏi thi được xây dựng theo quy trình khoa học, áp dụng các lý thuyết và kỹ thuật hiện đại của khoa học đo lường và đánh giá trong giáo dục bảo đảm có độ tin cậy và độ giá trị.
Số lượng câu hỏi, số tiểu mục câu hỏi thi lớn bảo đảm khách quan và công bằng trong đánh giá.
Kỳ thi V-SAT tổ chức 7 môn thi độc lập, bao gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý. Tùy vào mục đích sử dụng kết quả thi, thí sinh được đăng ký dự thi từ 1 đến 7 môn. Hình thức thi trắc nghiệm khách quan theo từng môn thi độc lập trên máy tính.
Năm 2025, sẽ có những thay đổi trong dạng thức câu hỏi, cách chấm điểm nhằm tăng tính chính xác trong đánh giá thí sinh, đồng thời hạn chế khả năng “đánh lụi” của thí sinh.
Theo TS Hà Xuân Thành, V-SAT là kỳ thi do các trường tham gia chủ trì tổ chức, Trung tâm Khảo thí Quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục là đơn vị phối hợp, hỗ trợ, cung cấp ngân hàng câu hỏi.
Sử dụng chung kết quả
Theo thống nhất của các trường tham gia tổ chức và sử dụng kết quả kỳ thi V-SAT, kỳ thi này sẽ được tổ chức ở nhiều trường và kết quả được công nhận chung. Nghĩa là, thí sinh có thể tham gia xét tuyển bằng kết quả thi V-SAT nhưng không phải đến tận trường mình dự kiến xét tuyển vào để dự thi.
Để có được sự thống nhất trên, 16 ý kiến khác nhau tại hội nghị đã mổ xẻ nhiều vấn đề của kỳ thi, xoay quanh các nội dung: Truyền thông về kỳ thi; Quy chế thi và sử dụng kết quả thi; Lệ phí thi; Các môn thi; Thời hạn sử dụng kết quả thi trong xét tuyển.
TS Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TPHCM cho rằng, nên thống nhất tên gọi chung của kỳ thi khi truyền thông đến học sinh, phụ huynh và xã hội. Bởi hiện nay, mỗi trường có một cách gọi tên kỳ thi khác nhau, đơn vị tổ chức/ phối hợp tổ chức khác nhau.
“Thực trạng này dẫn đến việc, thí sinh quan tâm đến trường đại học nào thì mới đăng ký dự thi ở trường đó. Nên có một khái niệm chung để truyền thông cho thí sinh để thí sinh dễ hiểu hơn”, ông Quốc Anh nói.
Nhiều đại biểu khác đồng tình và cho rằng, các trường đại học trong "liên minh" cần công bố danh sách các trường có tổ chức và sử dụng chung kết quả kỳ thi trong các thông báo của mình.
TS Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang cho rằng, nên có một quy định chung về số báo danh của thí sinh của kỳ thi này, bởi giấy chứng nhận kết quả thi có thể sử dụng để đăng ký xét tuyển ở nhiều trường. Công tác bảo mật đề thi cũng cần được chú trọng.
Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến bàn luận về thời hạn của giấy chứng nhận thi V-SAT. Theo đó, các phương án được đưa ra là 1 năm; hoặc 2 năm (như một số chứng chỉ ngoại ngữ); thậm chí là 3 năm. ThS Lê Văn Hiển - Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Luật TPHCM cho rằng, thời hạn sử dụng kết quả thi nên để các trường đại học có sử dụng kết quả này tự quyết định. Điều này phù hợp với quyền tự chủ trong tuyển sinh của các trường.
Danh sách các đại học, trường đại học thỏa thuận tổ chức thi và sử dụng chung kết quả thi V-SAT:
Trường Đại học Ngân hàng TPHCM
Trường Đại học Sài Gòn
Trường Đại học Tài chính – Marketing
Đại học Thái Nguyên
Trường Đại học Mở TPHCM
Trường Đại học Cần Thơ
Trường Đại học Vinh
Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên
Đại học Duy Tân
Trường Đại học Văn Lang
Trường Đại học Đồng Tháp
Trường Đại học Trà Vinh
Trường Đại học Luật TPHCM
Học viện Ngân hàng
Trường Đại học Công nghệ Tp.HCM
Trường Đại học Lạc Hồng
Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cho hay, năm 2024, trường dành 10-15% xét tuyển vào chương trình Tiếng Anh bán phần và 35-40% đối với chương trình đại học chính quy chuẩn bằng V-SAT.
Kết quả cho thấy tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi V-SAT tại trường thực hiện đăng ký xét tuyển chiếm tỷ lệ rất cao trong chỉ tiêu nhập học. Phương thức này có số thí sinh đăng ký ảo khá thấp.
Năm 2025, nhà trường sẽ tiếp tục giữ ổn định các phương thức xét tuyển (5 phương thức) và sẽ dành cho phương thức xét tuyển V-SAT một tỷ lệ tích cực, giúp thí sinh có thể dự thi tại các trường tổ chức thi V-SAT trên toàn quốc và lấy kết quả xét tuyển vào Trường Đại học Ngân hàng TPHCM.
Ông Nguyễn Đức Trung nêu 2 lợi thế lớn nhất trong phương thức thi V-SAT.
Thứ nhất, thí sinh được thi nhiều môn và tham gia nhiều đợt thi, được sử dụng tổ hợp môn, kết quả của lần thi có điểm cao nhất để đăng ký xét tuyển. Cách thức sử dụng kết quả thi này giúp thí sinh có thể lựa chọn thời gian thi thoải mái nhất, thoát khỏi áp lực của một kỳ thi quan trọng duy nhất trong năm (Kỳ thi tốt nghiệp THPT), thoát khỏi nỗi sợ hãi và rủi ro về “học tài thi phận".
Thứ hai, V-SAT là một kỳ thi dùng chung ngân hàng đề của Trung tâm Khảo thí quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục, nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 (90% kiến thức thuộc chương trình lớp 12; 10% kiến thức thuộc chương trình lớp 10 và lớp 11).